Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp với Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức giao lưu với các nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia cuộc chiến 12 ngày đêm bảo vệ Thủ đô tháng 12/1972. Buổi giao lưu nhằm ôn lại truyền thống anh dũng bất khuất của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và các thế hệ cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây cũng là dịp để giáo dục và bồi dưỡng tinh thần yêu nước cho các thế hệ học sinh, sinh viên.

Từ năm 1965 đến 1975, gần 3.000 cán bộ và sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Các anh đã mang theo tinh thần và trí tuệ Bách khoa nhanh chóng học tập nắm vững và làm chủ khí tài quân sự, sáng tạo khai thác và phát huy tối đa hiệu quả của khí tài chiến đấu góp phần vào chiến thắng của Quân chủng Phòng không - Không quân”. PGS, TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định: Các anh đã tham gia chiến đấu mưu trí, anh dũng, sáng tạo, kiên cường góp phần vào chiến thắng hào hùng của dân tộc. Những tấm gương tiêu biểu của Đại học Bách Khoa như: Liệt sỹ - phi công, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Xuân Thiều và nhiều đồng chí đã trưởng thành và trở thành các tướng lĩnh của quân đội và Quân chủng Phòng không - Không quân.

Mùa hè năm 1965, khi Mỹ tăng cường leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân, 10 sinh viên Đại học Bách Khoa – Hà Nội (ĐHBKHN) đang học năm thứ nhất và năm thứ hai đã được tuyển chọn để đưa sang Nga đào tạo phi công máy bay chiến đấu MIG 21. Năm 1968, Quân chủng PKKQ thành lập phi đội bay đêm gồm 10 phi công xuất sắc đều là những sinh viên trưởng thành từ ĐHBKHN.

Đêm 20/11/1971, phi công Vũ Đình Rạng điều khiển MIG21 cất cánh từ sân bay Anh Sơn đã bắn bị thương một chiếc B52 của không quân Mỹ. Trận đánh của Anh hùng phi công Vũ Đình Rạng khẳng định sự chỉ đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và tinh thần cách mạng tiến công của Không quân Nhân dân Việt Nam, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và sáng tạo Việt Nam trước một kẻ địch có vũ khí trang bị hiện đại, quyết tâm nghiên cứu tìm ra cách đánh hiệu quả nhất để tiêu diệt "siêu pháo đài bay" B52.

Vào thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến 12 ngày đêm, đêm 28/12/1972 Phi công Vũ Xuân Thiều được lệnh cất cánh từ sân bay dã chiến Cẩm Thủy, Thanh Hoá. Khi bay đến Sơn La, phát hiện mục tiêu B52, anh lập tức tăng tốc độ bám sát, mưu ngoại trí vượt qua hàng rào máy bay tiêm kích và tiếp cận pháo đài bay B52. Phi công Vũ Xuân Thiều đã phóng hai quả tên lửa nhưng chưa hạ được B52. Với ý chí chiến đấu trả thù cho đồng bào khu phố Khâm Thiên và các nhân viên Bệnh viện Bạch Mai bị máy bay Mỹ tàn sát, với tinh thần “sả thân vì nước” và “vì nhân dân quên mình”, phi công Vũ Xuân Thiều liền tăng tốc MIG21 đâm thẳng vào chiếc B52 còn mang đầy bom đạn chưa kịp gây tội ác với nhân dân Hà Nội.

Cùng với các Anh hùng Vũ Xuân Thiều, Vũ Đình Rạng, còn có ông Nguyễn Đức Chiêu - cựu sinh viên ĐHBKHN khóa 13, tiểu đoàn 72 , Trung đoàn 285, sư đoàn 363 – người trực tiếp bắn rơi B52 tại Hồ Hữu Tiệp – Ngọc Hà – Hà Nội. 50 năm đã trôi qua nhưng những ký ức về 1 thời máu lửa vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của ông. Khi đang là sinh viên ĐHBKHN khóa 13, ông cùng 2 bạn học nhập ngũ và được huấn luyện, điều động về Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285, Sư đoàn 363. Trong Chiến dịch bảo vệ Hà Nội tháng 12-1972, kíp trắc thủ là những cựu sinh viên ĐHBKHN của ông đã cùng Tiểu đoàn 72 cơ động từ Hải Phòng về tham gia chiến dịch và đã bắn rơi tại chỗ 1 máy bay B-52 giữa lòng Thủ đô vào đêm 27-12-1972. Đặc biệt hơn là chiếc máy bay rơi xuống hồ Hữu Tiệp, làng Ngọc Hà khi chưa kịp gây tội ác và vẫn còn nguyên 30 tấn bom, đạn. Chiến công xuất sắc đó đã làm nức lòng quân và dân Hà Nội và cả những sinh viên của ĐHBKHN.

Chia sẻ về những chiến công xuất sắc của những người lính từng xuất thân từ ĐHBKHN, Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Soát cho rằng, các anh chính là những minh chứng hùng hồn nhất cho tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta.

“Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” là cuộc đụng đầu lịch sử, là cuộc đọ sức giữa chiến tranh nhân dân Việt Nam với chiến tranh xâm lược, phá hoại bằng không quân hiện đại của quân đội Mỹ ở trình độ cao, ở nấc thang cao nhất. Đây là chiến thắng có ý nghĩa lịch sử, góp phần rất quan trọng bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân năm 1975. Để viết nên bản hùng ca đó, những người lính – cựu sinh viên Bách khoa đã mang theo tinh thần và trí tuệ Bách khoa sáng tạo khai thác và phát huy tối đa hiệu quả của khí tài chiến đấu góp phần vào chiến thắng của Quân chủng phòng không không quân trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc./.