Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống kinh tế - xã hội của nước ta, trong đó trẻ em là đối tượng phải chịu những tác động không hề nhỏ. Thay vì đến trường, các em phải ở nhà. Thay vì học trên lớp, trẻ phải học trực tuyến... Sự xáo trộn trong sinh hoạt hàng ngày cũng kéo theo nhiều mối đe dọa cho sự an toàn cũng như cuộc sống của trẻ.

Đợt Covid-19 thứ 4 ở nước ta chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt" sau hơn một tháng. Biến chủng nguy hiểm từ Ấn Độ và Anh lây lan nhanh khiến số ca nhiễm tăng đột biến. Hàng trăm ngàn người phải đi cách ly tập trung. Không riêng người lớn, Covid-19 khiến nhiều trẻ nhỏ, thậm chí mới 3 ngày tuổi phải đi cách ly tập trung. Số trẻ em phải cách ly tại gia đình hoặc ở các cơ sở cách ly tập trung tiếp tục tăng lên, trong đó nhiều em nhỏ phải xa cha mẹ, gia đình, rơi vào hoàn cảnh khó khăn trong khi với độ tuổi còn non nớt, thậm chí các em còn chưa hiểu được hết sự nguy hiểm của dịch Covid-19.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) chia sẻ, bản thân ông đã phải rưng rưng khi thấy hình ảnh em bé 3 tuổi chui xuống gầm giường tại khu cách ly trong doanh trại bộ đội xã Tiên Sơn (Việt Yên, Bắc Giang) để trốn vì lạ nhà và sợ khi phải sống ở một môi trường hoàn toàn mới.

Theo ông An, sở dĩ có tình trạng này là do ở nước ta đội ngũ những người làm công tác xã hội có chuyên môn, kiến thức về chăm sóc trẻ cả về thể chất và tinh thần còn rất mỏng, thậm chí chưa được quan tâm. Chính vì thế, rất cần các cơ quan quản lý nhà nước sớm có những nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của những nước xung quanh, ví dụ có thể đưa các em bé mắc Covid-19 đến khu vực cách ly có trò chơi giống như các nhà trẻ và có người chăm sóc khi các em không có người thân bên cạnh. Và liệu pháp tâm lý này là điều vô cùng cần thiết với trẻ nhỏ.

Đã có những em nhỏ được sinh ra ngay tại khu cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19 và không chỉ có người lớn mà tại đây còn có nhiều em nhỏ ở nhiều độ tuổi khác nhau. Các em là nhóm đối tượng cần được quan tâm, bảo vệ và chăm sóc riêng biệt.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ em và phụ nữ, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp cùng UNICEF, UN Women thực hiện xây dựng và phát hành bộ tài liệu An toàn cho trẻ em và phụ nữ tại khu cách ly tập trung phòng tránh dịch Covid-19.

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, với việc tập trung vào một số vấn đề như: an toàn về nơi ở, an toàn về vệ sinh và dinh dưỡng cho trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi trong trường hợp phải đi cách ly tại các cơ sở tập trung... bộ tài liệu sẽ là cuốn cẩm nang thực sự hữu ích. Do đặc điểm về giới, về lứa tuổi nên ngoài việc chăm sóc bình thường cho tất cả mọi đối tượng thì nhân viên y tế, người chăm sóc cần có kiến thức nhất định để chăm sóc tốt nhất, an toàn nhất cho trẻ.

Với phương châm hành động trong phòng, chống đại dịch Covid-19 của Chính phủ “không để ai bị bỏ lại phía sau”, mọi công dân, đặc biệt là trẻ em không những không bị bỏ lại mà còn được ưu tiên chăm sóc.

Vì thế, triển khai kịp thời các biện pháp bảo vệ trẻ em trong hoàn cảnh dịch bệnh, bảo đảm an toàn, đặc biệt phòng ngừa sang chấn và hỗ trợ ổn định tâm lý cho trẻ là việc làm cần thiết lúc này.

Đó cũng là quyền của trẻ em mà bất cứ ai cũng phải có trách nhiệm đảm bảo.

Mời nghe âm thanh tại đây: