Nền tảng video dạng ngắn (hay gọi là nền tảng TikTok) chính thức ra mắt tại Việt Nam vào năm 2019 với mục tiêu giúp đa dạng hóa phương thức sản xuất nội dung, tôn vinh sự sáng tạo của người Việt. Nhưng không bao lâu, TikTok đã bộc lộ không ít hạn chế, tiềm ẩn nhiều mối nguy hại, đặc biệt là đối với trẻ em

Mới đây, theo thông tin từ Cục Phát thanh, Truyền hình - Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông: Sau hơn 4 tháng kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam, Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Thông tin và truyền thông chủ trì đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm của TikTok tại Việt Nam.

- Để lọt nhiều thông tin giả mạo, xuyên tạc, kích động bạo lực, tệ nạn xã hội; chưa có biện pháp cụ thể để bảo vệ trẻ em… Vẫn cho phép trẻ em dưới 13 tuổi mở tài khoản dù là nền tảng mạng xã hội chỉ dành cho người từ 13 tuổi trở lên.

- Chưa áp dụng chính sách bảo vệ nội dung có bản quyền của người dùng

- Chưa thực hiện đầy đủ việc kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin về hàng hóa của người bán trên sàn giao dịch thương mại.

Văn phòng TikTok và Công ty TikTok Việt Nam không trực tiếp tham gia hoạt động quản lý, cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam mà TikTok Singapore mới là đơn vị chịu trách nhiệm.

Việt Nam hiện đứng thứ 6 thế giới về số người dùng TikTok với gần 50 triệu người sử dụng. Với đặc điểm là các video ngắn, nội dung phong phú, dễ sử dụng, cả trong tạo dựng các clip và đăng tải các clip, đồng thời dễ thực hiện các tương tác, nên tiktok ngày càng được nhiều người chọn lựa đặc biệt là trẻ em. Ở góc độ tích cực, nếu người sử dụng có kỹ năng về mạng xã hội, có kiến thức về nhiều lĩnh vực, có bản lĩnh chính trị tốt… thì có thể sẽ tiếp nhận được nhiều điều bổ ích từ TikTok.

Tuy nhiên, cũng chính vì dễ sử dụng, dễ tương tác nên bên cạnh những giá trị tích cực, TikTok ngày càng phổ biến nhiều nội dung xấu, độc hại, giật tít, câu view, phản cảm được cho là ảnh hưởng xấu tới tâm lý trẻ em.

Theo chuyên gia trẻ em Trần Ban Hùng, những mối nguy hiểm mà trẻ em phải đương đầu khi tham gia trên nền tảng mạng xã hội tiktok là rất lớn.

Chẳng hề khó khăn để tìm được những video có nội dung "người lớn" trên TikTok. Đó là những clip mà người chơi cố tình khoe những điểm nhạy cảm trên cơ thể, nhảy những điệu nhảy khêu gợi. Điều đáng lo ngại là có rất nhiều clip người thực hiện mới chỉ là những bạn trẻ vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, chưa đủ chín chắn hay ý thức được về những hiểm nguy tiềm tàng khi đăng tải các video, hình ảnh trong trang phục thiếu vải.

Hay những video về bạo lực học đường, xử lỷ nhau theo kiểu đánh hội đồng vì các mối bất hòa trong nhà trường cũng khá phổ biến. Thậm chí cũng rất nhiều video khoe sự giàu sang , ăn chơi và theo thời gian các bạn nhỏ sẽ dễ bị tiêm nhiễm thói quen ham mê vật chất và rất dễ dàng bị dụ dỗ về vật chất để có thể sa vào các vụ bắt cóc hay bị xâm hại tình dục.

Bên cạnh đó, TikTok cho phép người dùng có thể liên hệ với bất kỳ tài khoản nào, không hạn chế vị trí địa lý. Điều này đồng nghĩa với việc, các em nhỏ hoàn toàn có thể nói chuyện với bất kỳ ai, kể cả những người lạ. Được làm quen với nhiều người bạn mới, nhưng các em cũng dễ dàng bị những đối tượng xấu tiếp cận hơn.

“Bởi vì chúng ta không quản lý được những nội dung xấu, độc hại, bạo lực, thậm chí có thể mang tính khiêu dâm, kích động ngày càng tràn lan và điều đó là vô cùng nguy hiểm có thể khiến trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực rất lớn”, chuyên gia trẻ em Trần Ban Hùng nhấn mạnh.

Sau khi công bố các vi phạm của nền tảng mạng xã hội video ngắn Tiktok liên quan dịch vụ thương mại điện tử, nội dung độc hại, gây hại cho trẻ em, đoàn kiểm tra của Việt Nam đã kiến nghị Bộ Thông tin và truyền thông yêu cầu Tiktok triển khai các biện pháp bảo vệ trẻ em.

Trong đó, mạng xã hội này cần xác thực thông tin tài khoản để phát hiện trường hợp trẻ em khai không đúng độ tuổi, loại bỏ (xóa) tài khoản dưới 13 tuổi, giới hạn thời gian truy cập, sử dụng TikTok với người dưới 18 tuổi, đồng thời không chi phép trẻ em kiếm tiền qua tiktok, nghiên cứu xây dựng ứng dụng dành riêng cho trẻ em tại Việt Nam.

Chuyên gia trẻ em Trần Ban Hùng cho rằng đây là một động thái rất kịp thời và cần thiết của cơ quan chức năng để nghiêm khắc chấn chỉnh các nền tảng mảng xã hội xuyên quốc gia khi vi phạm những quy định pháp luật của Việt Nam. Tuy nhiên làm thế nào để xác định được hết những TikToker dưới 13 tuổi để xóa khi nền tảng này chưa yêu cầu xác thực người dùng, mở tài khoản bao nhiêu tuổi là do người dùng tự khai. Và giả sử có xóa được thì cách nào đảm bảo sẽ không có những tài khoản mới lập nên bởi chính những bạn nhỏ ấy?

“Nếu như với trẻ trên 15 tuổi thì chúng ta có thể xác định bằng định danh cá nhân nhưng những trẻ dưới 13 tuổi thì căn cứ nào để xác định được. Bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể dễ dàng khai thành người trên 13 tuổi để tham gia TikTok. Bởi vậy việc xác thực tài khoản dưới 13 tuổi là rất khó”, anh Hùng nêu quan điểm và cho rằng các quy định pháp luật trong việc quản lý các nền tảng mạng xã hội của nước ta hiện nay khá đầy đủ và rõ ràng. Trong câu chuyện này, trách nhiệm trước hết phải thuộc về các bên sản xuất, cung cấp các sản phẩm dịch vụ, chính là tiktok và các nền tảng mạng xã hội khác. Cơ quan quản lý sẽ phải có trách nhiệm giám sát việc đăng tải các nội dung và trong trường hợp nền tảng mạng xã hội nào vi phạm pháp luật thì phải kịp thời xử lý nghiêm khắc.

Việc TikTok mang đến nhiều lợi ích như tính giải trí cao, cập nhật tin tức xã hội, xu hướng nhanh là không thể phủ nhận. Nhưng đối với trẻ em thì đó cũng là con dao hai lưỡi. Bởi vậy theo anh Trần Ban Hùng, vừa ở góc độ của một chuyên gia trẻ em nhưng cũng đồng thời trong vai trò là một người làm cha, làm mẹ, khuyên các bậc phụ huynh trước khi cho con sử dụng bất kỳ nền tảng mạng xã hội nào, cũng nên giải thích cho con hiểu rõ về ứng dụng, về các quy định, về những gì mà con có thể và không thể chia sẻ trên nền tảng này, đồng thời đưa ra nguyên tắc sử dụng hợp lý

“Hiện hầu hết các em đều có điện thoại riêng rồi. Cha mẹ không thể lúc nào cũng ngồi kế bên để nhìn chăm chú vào điện thoại giám sát các con được, thậm chí như vậy còn vi phạm các khoản khác về quyền trẻ em. Cho nên việc quan trọng nhất với các bậc phụ huynh là cần trang bị kiến thức, kỹ năng chọn lọc những nội dung phù hợp và tẩy chay những nội dung không phù hợp để các con tự bảo vệ mình”. Anh Hùng cũng nhấn mạnh, phụ huynh cần làm gương để các con có thể tuân thủ các quy định. Đồng thời tạo điều kiện để các bạn nhỏ tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tăng cường các chương trình trải nghiệm cuộc sống.

“Ngoài việc tăng cường trách nhiệm quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng, sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, xã hội và trường học sẽ là màng lọc hiệu quả nhất giúp trẻ em trải nghiệm không gian mạng một cách an toàn nhất”, chuyên gia trẻ em Trần Ban Hùng khẳng định.