Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban là Phiên họp thường kỳ nhưng có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh cả hệ thống chính trị tiến hành sơ kết, đánh giá giữa nhiệm kỳ triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2021-2026...

Ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, việc triển khai Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban diễn ra trong bối cảnh thuận lợi và thách thức đan xen, nhất là các yếu tố của hậu đại dịch COVID-19, tình hình thế giới và thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động nhiều mặt tới việc triển khai các nhiệm vụ trong lĩnh vực Ủy ban theo dõi, phụ trách. Trong bối cảnh đó, với sự đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban Văn hóa giáo dục đã nỗ lực triển khai, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Về công tác lập pháp, trên cơ sở nghiên cứu báo cáo của các bộ liên quan và qua công tác giám sát, khảo sát thực tiễn thi hành các luật thuộc lĩnh vực phụ trách trong những năm qua, Thường trực Ủy ban đã tổ chức nghiên cứu, rà soát các nhiệm vụ lập pháp và xây dựng báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Báo cáo đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo, kiến nghị đưa dự án Luật Quảng cáo (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và xây dựng mới dự án Luật điều chỉnh về nghệ thuật biểu diễn, đưa dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh giai đoạn từ năm 2024-2026.

Thường trực Ủy ban cũng đã báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát gửi lãnh đạo Quốc hội đề xuất về các nội dung và dự kiến tiến độ sửa đổi, bổ sung 03 luật hiện hành: Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Luật Quảng cáo (sửa đổi) và Luật Báo chí (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Trong năm 2023, Ủy ban Văn hóa- Giáo dục đã lựa chọn tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về các lĩnh vực phụ trách tại hai tỉnh Đồng Nai, Bình Dương. Đây là 2 địa phương vùng Đông Nam bộ, tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất lớn, quan trọng trong cả nước với dân số đông, trong đó có nhiều người dân từ các địa phương khác và người nước ngoài đến sinh sống, học tập và làm việc.

Bên cạnh đó, Ủy ban tiến hành 2 hoạt động giám sát chuyên đề về lĩnh vực đào tạo và trẻ em gồm: Giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ” và giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ em mồ côi”:

Cũng trong năm 2023, Ủy ban Văn hóa Giáo dục phối hợp với Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Diễn đàn thanh niên năm 2023 với chủ đề “Chính sách về việc làm cho thanh niên”. Diễn đàn này đã cung cấp nhiều thông tin về thực trạng, tình hình việc làm của thanh niên hiện nay; các xu hướng việc làm, cơ hội, thuận lợi cũng như những khó khăn, thách thức đối với thanh niên; các chính sách hỗ trợ, tạo việc làm cho thanh niên…

Ngoài ra một điểm nhấn nữa được nhắc tới, đó là Ủy ban Văn hóa- Giáo dục đã phối hợp với Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương và Văn phòng Quốc hội tổ chức thành công Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ nhất tại Hội trường Diên Hồng. Với các phiên họp tại tổ và một phiên họp toàn thể, Quốc hội trẻ em đã nghe báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri về hai nội dung được trẻ em và cả xã hội đặc biệt quan tâm hiện nay là: Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng và phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em. Lần đầu tiên tổ chức, Phiên họp giả định đã để lại ấn tượng mạnh mẽ, được dư luận đánh giá cao, cho rằng đây là mô hình rất ý nghĩa và hiệu quả nhằm thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích của trẻ em, định hướng trẻ em trở thành những công dân có trách nhiệm với đất nước, với xã hội và khả năng trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai.

Trong bối cảnh hoạt động ngoại giao thế giới, ngoại giao nghị viện được tái khởi động, công tác đối ngoại của Ủy ban diễn ra sôi động, cử đại diện Thường trực Ủy ban tham gia các khóa học, đoàn công tác, đoàn nghiên cứu, trao đổi của Quốc hội, các cơ quan liên quan; tham gia các hoạt động tiếp Đoàn quốc tế của Lãnh đạo Quốc hội Năm 2023

Tại phiên họp, các đại biểu đều đánh giá cao báo cáo của ủy ban đã phản ánh được kết qủa mà các bộ ngành đã đạt được trong năm qua cũng như chỉ ra được những khó khăn, bất cập cùng những kiến nghị cần giải quyết trong thời gian tới trong các lĩnh vực, như: giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao, du lịch; thông tin-truyền thông; tín ngưỡng, tôn giáo; công tác thanh niên, trẻ em.

Trao đổi tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch Trịnh Thị Thủy, nhấn mạnh đang tích cực phối hợp với các bộ ngành để tìm giải pháp xử lý các kiến nghị của Ủy ban trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Đối với lĩnh vực văn hóa, Bộ đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện kế hoạch xây dựng văn bản pháp luật, sửa đổi Luật di sản văn hóa, và Luật Quảng cáo. Thúc đẩy việc thực thi các chính sách mới được Quốc hội thông qua trong vấn đề thư viện, điện ảnh, phòng chống bạo lực gia đình…Bộ cũng đang phối hợp tích cực để để tham mưu cho Chính phủ sớm trình các cấp có thẩm quyền về chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Trong đó, vấn đề về phạm vi triển khai, tên gọi của chương trình đang còn nhiều ý kiến băn khoăn. Đặc biệt theo bà Thủy vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay chính là nguồn lực triển khai, chưa có đủ căn cứ để xác định con số chính xác cần phải đầu tư.

Liên quan đến vấn đề này, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nguồn lực nhiều hay ít sẽ có sự cân đối. Nhưng quan trọng nhất, là phải làm rõ cần ưu tiên cho việc gì, tập trung việc gì, giải quyết việc gì. Ông mong muốn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Chính phủ để tránh dư luận hiểu sai về nguồn kinh phí quá lớn cho chương trình này.

Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, các ý kiến đề nghị cần nghiên cứu cơ chế, chính sách để tiếp tục hỗ trợ, phát triển, tăng cường quản lý đối với khối mầm non ngoài công lập; chăm lo giáo dục mầm non trong các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung đông công nhân lao động. Tiếp tục chuẩn bị các điều kiện bảo đảm tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo đúng lộ trình. Khẩn trương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án và chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực hiện phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông và công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng từ năm 2025.