Kỳ thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT đang đến rất gần. Học sinh ở giai đoạn cuối cấp, sắp tốt nghiệp ra trường đều đang trong thời gian căng thẳng ôn tập cho những bài thi mang tính quyết định quan trọng cho giai đoạn tiếp theo.

Những áp lực quá lớn đến từ điểm số, từ kết quả thi cử đến những vấn đề của tuổi vị thành niên, những lời nói hay cách ứng xử nóng giận của phụ huynh, thầy cô sẽ dễ khiến các em đang ở lứa tuổi thay đổi tâm sinh lí lựa chọn những phản ứng tiêu cực.

Nhẹ thì bỏ ăn hoặc bỏ nhà và có thể tự gây tổn thương bản thân, nặng hơn là tìm đến cái chết. Tất cả bắt nguồn từ mong muốn thoát khỏi thực tế nhiều áp lực, nhiều em còn tưởng tượng cả về một thế giới “xuyên không” hoặc được bay về xứ sở thiên đường.

Phóng viên VOV2 có cuộc trò chuyện cùng Th.s Lưu Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Tâm lý giáo dục Green Edu, chuyên gia tham vấn học đường, tác giả sách "Phòng chống xâm hại và bạo lực" nhằm cung cấp tới phụ huynh, thầy cô những biểu hiện cũng như cách thức giúp các bạn trẻ vượt qua những biến động về tâm lí, những suy nghĩ tiêu cực trên hành trình trưởng thành.

Phóng viên: Thưa Ths Lưu Văn Tuấn! Như đoạn chat lan truyền trên mạng được cho là của hai em học sinh lớp 9 ở Bắc Ninh tự tử để lại có nhắc về “xuyên không” như một nơi sẽ giúp các em hoàn toàn vứt bỏ được toàn bộ áp lực. Điều này nên lí giải ra sao và trong quá trình tư vấn tâm lí anh có thường gặp ở các bạn trẻ, đặc biệt lứa tuổi phổ thông?

Th.s Lưu Văn Tuấn: Hiện nay trên nhiều trang mạng xã hội xuất hiện rất nhiều các bộ phim về thể loại xuyên không về quá khứ hay về tương lai. Ở đó, có những câu chuyện kể về các nhân vật ở thời điểm hiện tại thì đều là những người bị coi như kém cỏi, vô dụng và thường xuyên bị bắt nạt. Nhưng khi “xuyên không” về quá khứ lại hóa thân thành các nhân vật với những khả năng xuất chúng, tài giỏi, anh hùng hay địa vị rất cao trong thời đại đó như hoàng đế, hoàng hậu, thái tử “dưới một người trên vạn người”.

Với những bộ phim như vậy rất dễ khiến cho người xem bị nghiện, đặc biệt là các bạn trẻ, các em học sinh phổ thông. Và với tâm hồn của các con vẫn còn rất non nớt, cộng thêm tâm lý muốn chứng tỏ bản thân, muốn làm điều gì đó to lớn, hoành tráng, muốn người khác chú ý tới, khâm phục bản thân mình, các em rất dễ có suy nghĩ sai lệch hay ảo tưởng, các em không nhận thức được ranh giới giữa phim ảnh với sự hư cấu để cho các bộ phim hấp dẫn hơn, chứ không phải là thực tế. Điều nguy hiểm ở việc nhiều em bắt chước và làm theo. Điều này, tôi cũng đã gặp một số lần tiếp xúc và tham vấn tâm lý cho các em học sinh ở độ tuổi này.

Phóng viên: Báo chí, các chuyên gia tâm lí đã không ít lần cảnh báo về việc các bạn trẻ dễ bị rơi vào những trạng thái dẫn tới những hành động tiêu cực, nhất là khi có thêm tác động từ lời nói, việc làm không phù hợp từ người thân, thầy cô. Nhưng có khó không để sớm nhận ra những biểu hiện của trạng thái bất thường này?

Th.s Lưu Văn Tuấn: Thực ra không khó để nhận ra những biểu hiện bất thường của các em lứa tuổi dậy thì gặp phải và bất ổn trong tâm lí. Vấn đề chỉ ở người lớn chúng ta đôi khi vì quá bận rộn, vì việc này việc kia không có thời gian để ý quan tâm tới con em hay học trò của mình.

Bố mẹ, thầy cô chỉ cần quan tâm, có thời gian một chút sẽ thấy ngay những biểu hiện khác thường, tiêu cực. Ví dụ như khuôn mặt có thể buồn thiu, cảm xúc chán nản, mệt mỏi khi ở nhà, hay là tự nhiên khóc, tự nhiên cáu giận chỉ bởi những thứ rất nhỏ nhặt mà bình thường con không hề để ý. Cũng có thể biểu hiện bằng việc lảng tránh mọi người rồi kết quả học tập sa sút, có thể nói những điều bi quan. Tất cả có thể xem như biểu hiện của tình trạng bất ổn mà người lớn, thầy cô hay bố mẹ có có thể phát hiện và giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời.

Phóng viên: Những ứng xử cần thiết của người xung quanh khi phát hiện bạn trẻ đang trong giai đoạn có những suy nghĩ và khả năng dẫn tới hành động tiêu cực?

Th.s Lưu Văn Tuấn: Nếu người lớn phát hiện ra các em thanh thiếu niên có những suy nghĩ bất ổn, có thể dẫn tới những hành vi tiêu cực, nguy hiểm thì cần phải thực hiện một số biện pháp.

Thứ nhất, cần phải đảm bảo các em được an toàn bằng việc theo dõi, giám sát hành động, kịp thời ngăn chặn hành vi tiêu cực. Tiếp theo cần phải loại bỏ những yếu tố nguy hiểm xung quanh như những đồ vật xung quanh có thể gây nguy hiểm hoặc có suy nghĩ, hành động tiêu cực ví dụ như dao kéo, dây thừng, ban công... nhằm đề phòng việc các em có thể gây hại cho bản thân.

Thứ hai, người lớn cần quan tâm, trò chuyện, tâm sự với trẻ một cách chân thành, thực sự lắng nghe và thấu hiểu vấn đề của con em, học sinh mình. Tuyệt đối không được có hành động như trách móc hay quát mắng. Điều này sẽ giúp các em giải tỏa.

Thứ ba là khi thực sự cảm nhận bất ổn, chúng ta nên nhờ sự can thiệp, hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý. Bởi vì họ có chuyên môn, có kỹ năng được đào tạo bài bản có thể hỗ trợ giúp các em giải quyết được tận gốc của vấn đề.

Phóng viên: Những lỗi ứng xử phổ biến nhất bố mẹ, thầy cô mắc phải khi phát hiện tình trạng thực tế của con em, học sinh mình và có khả năng đẩy bạn trẻ đến tình huống mất an toàn, thậm chí nguy hiểm tính mạng?

Th.s lưu Văn Tuấn: Có một vài lỗi phụ huynh hay vấp phải khi tâm sự và cùng con mình giải quyết vấn đề khúc mắc các em gặp phải. Đầu tiên và hay mắc phải nhất đó là thiếu sự đồng cảm. Ngay khi nghe các em nói các vấn đề của mình, lập tức cho rằng đấy là chuyện nhỏ không có gì to tát. Ngày xưa cả ngày xưa bố mẹ còn gặp khó khăn hơn nhiều. Khi nói ra điều này, các em ở độ tuổi nhạy cảm về cảm xúc, chưa ổn về tâm lí sẽ va ngay vào cảm giác không được lắng nghe, không được thấu hiểu. Không ít em sẽ lập tức nghĩ rằng dù con có buồn, có khóc hay tức giận chắc bố mẹ cũng chẳng quan tâm. Điều này càng khiến các em cảm thấy là gì không được tôn trọng, kéo theo sau này khi gặp những khó khăn, suy nghĩ tiêu cực thì cũng không muốn nói, không chia sẻ nữa, thay vào đó tự tìm cách giải quyết. Cách thức có thể không đúng, thậm chí gây nguy hiểm cho an toàn của chính các em.

Một yếu tố nữa nằm ở sự kỳ vọng quá mức của bố mẹ về điểm số, về thành tích học tập của các con ở trường so với thực tế của các con. Chính điều này dẫn tới việc các em cảm thấy mệt mỏi, áp lực và rất sợ khi không đạt được. Sợ bố mẹ buồn, sợ bị trách phạt, lo lắng sợ bị so sánh với bạn này bạn kia khiến những áp lực ngày càng gia tăng.

Một sai lầm khác ở việc các bố mẹ có hành vi là hai thách thức con em mình. Và trong điều kiện mệt mỏi, áp lực, các em có thể có những hành vi phản kháng lại bố mẹ hay người lớn. Ví dụ như cãi lại, tức giận, quăng quật, đập phá đồ đạc hoặc thậm chí bỏ nhà đi. Như vậy, thay vì phạm những sai lầm như tôi vừa phân tích, bố mẹ cần phải bình tĩnh để giải quyết vấn đề cùng con. Việc lựa chọn cách thách thức tạo nên chất xúc tác mạnh thúc đẩy những hành vi bột phát, bùng nổ và nguy hiểm.

Phóng viên: Trân trọng cám ơn Th.s Lưu Văn Tuấn!