Bên lề Hội nghị tuyển sinh năm 2023, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, năm 2023, hệ thống phần mềm tuyển sinh tiếp tục được cập nhật, hoàn thiện để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh. Đồng thời, phần mềm cũng sẽ được rà soát để giảm thiểu tối đa các sai sót mà các em có thể mắc phải trong quá trình đăng ký xét tuyển.

Đặc biệt, năm nay dự kiến thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển theo ngành chứ không đăng ký xét tuyển theo phương thức như các năm trước. Trong một ngành có nhiều phương thức xét tuyển, năm ngoái có nhiều em đăng ký nhầm phương thức, dẫn đến việc không được công nhận trúng tuyển.

“Để tạo thuận lợi cho thí sinh, năm nay, thí sinh chỉ cần đăng ký vào ngành mà em yêu thích, mong muốn, còn lại phần mềm sẽ hỗ trợ các em để có được kết quả tốt nhất”, bà Thủy nói.

Trước lo lắng của một số cơ sở đào tạo về việc thí sinh chỉ cần đăng ký mã ngành không nhất thiết phải đăng ký phương thức tuyển sinh sẽ khiến cho các trường gặp khó phân bổ chỉ tiêu, xác định điểm chuẩn, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, trong phương án tuyển sinh, ở mỗi ngành cụ thể các trường vẫn xác định những phương thức tuyển sinh khác nhau. Khi nhập thông tin, dữ liệu lên hệ thống tuyển sinh chung phần mềm sẽ giúp các trường lựa chọn được thí sinh phù hợp nhất theo từng ngành học cụ thể dù được xét tuyển theo phương thức nào.

“Hệ thống sẽ phân tích dữ liệu kết quả, thành tích học tập của thí sinh phù hợp với phương thức nào thì sẽ xếp vào phương thức đó. Phần mềm ở đây sẽ hỗ trợ các trường không cần phải xét tuyển sớm trước, đồng thời cũng hỗ trợ thí sinh tránh nhầm lẫn trong việc đăng ký phương thức xét tuyển, còn chỉ tiêu vẫn được các trường xác định theo các phương thức cụ thể”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.

Dù chỉ tuyển số ít thí sinh nhưng các kỳ thi riêng rất cần thiết

Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho thấy, năm 2022 có khoảng hơn 10 nghìn thí sinh trúng tuyển và nhập học bằng sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy (chiếm khoảng 1,96% tổng số thí sinh nhập học).

Năm nay đã có 10 cơ sở đào tạo công bố sẽ tổ chức kỳ thi xét tuyển riêng gồm: ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, ĐHQG Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Việt Đức, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trường Đại học Cửu Long (Vĩnh Long), kỳ thi của Bộ Công an.

Mặc dù số lượng thí sinh trúng tuyển, xác nhận nhập học bằng phương thức sử dụng kết quả thi riêng chỉ chiếm con số khiêm tốn nhưng PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng, những kỳ thi riêng thường dành cho những nhóm trường top đầu, có mức độ cạnh tranh cao. Các trường này có nhu cầu tuyển những thí sinh có năng lực nhất và phù hợp với từng chương trình đào tạo. Do vậy, việc tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy là rất cần thiết dù chỉ để lựa chọn một số ít thí sinh

Bà Thủy cũng khuyến cáo, thí sinh chỉ nên tham dự một đến hai kỳ thi riêng, chứ không nên tham gia quá nhiều.

“Hiện nay hầu hết các trường, các ngành đều có chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, nếu các em tập trung toàn lực để thi thật tốt kỳ thi quan trọng này thì chúng ta sẽ có cơ hội để đỗ vào trường đại học mong muốn”, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy khuyến cáo.

Riêng đối với các cơ sở đào tạo, bà Thủy cũng cho rằng, các trường nên phối hợp tổ chức, tránh việc mỗi trường lại tổ chức kỳ thi riêng lẻ. Việc phối hợp sẽ tận dụng được nguồn lực và tránh lãng phí, áp lực cho thí sinh. Các trường cũng có thể sử dụng kết quả kỳ thi của các trường khác, như đánh giá năng lực, tư duy để xét tuyển chứ không nhất thiết phải tổ chức một kỳ thi riêng của trường mình.