Bố trí giáo viên dạy liên trường, liên huyện

Năm học 2022-2023, Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018 sẽ triển khai cho lớp 3. Theo Chương trình mới, môn Tiếng Anh và Tin học sẽ được triển khai dạy học ở khối lớp này.

Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ, ở xã Đắk Pxi, huyện ĐắK Hà, tỉnh Kon Tum đã chuẩn bị điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất đáp ứng dạy tiếng Anh, Tin học từ lớp 3. Điều mà Hiệu trưởng nhà trường – thầy Nguyễn Trung Dũng lo lắng hơn cả là thiếu đội ngũ giáo viên. Dù chỉ có 2 lớp 3 trong năm học tới nhưng hiện trường chưa có giáo viên Tiếng Anh và giáo viên Tin học.

“Phòng GD-ĐT chỉ đạo phối hợp các đơn vị trường bạn và trường THCS thực hiện cử giáo viên các trường THCS dạy liên trường”.

Còn Trường Tiểu học Kơ Pa Kơ Lơng, xã Đắk Ma, huyện Đắk Hà có 393 học sinh, chủ yếu là người dân tộc thiểu số Xơ Đăng, Ba Na. Dạy Tiếng Anh, Tin học bắt buộc từ lớp 3 là điều mới mẻ với nhà trường. Năm học tới, trường tiểu học Kơ Pa Kơ Lơng có 3 lớp 3.

Thầy Phạm Quang Thiện, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, điểm thuận lợi là giáo viên trong trường có những kỹ năng nhất định về tin học nên có thể hỗ trợ nếu cần. Nhưng dạy “chuyên nghiệp” cho tiểu học lại là câu chuyện khác, thầy Thiện băn khoăn.

Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trường đang thiếu 1 giáo viên Tiếng Anh và 1 giáo viên Tin học nên phương án dạy liên cấp, liên trường sẽ là bắt buộc.

Theo thầy Thiện, mỗi tuần có 2 tiết. Tổng cộng sẽ có 6 tiết/tuần với 3 lớp 3. Nhà trường có thể nhập lớp lại để tăng số lượng lên, 1 lần học có thể chia 2 ca. Tuy nhiên, nếu bố trí 1 giáo viên thì sẽ thừa sức lao động nên chỉ có phương án sử dụng giáo viên dạy liên trường.

Tuy nhiên, với địa bàn miền núi, việc di chuyển giữa các điểm trường sẽ là thách thức không nhỏ đối với những giáo viên dạy liên trường. “Giáo viên có thể dạy 2 -3 trường đi lại 2-3 chục cây số. Có thể chúng tôi cho học lý thuyết trước, thực hành sau. Những trường có chung giáo viên chúng tôi sẽ bàn bạc sắp xếp lại để thầy cô di chuyển thuận tiện và việc học của học sinh hài hòa hơn”, thầy Thiện cho biết.

Bà Đinh Thị Lan, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Kon Tum cho biết, để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt dạy 2 môn là Tiếng Anh và Tin học từ lớp 3 trong năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum đã có công văn phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát cơ sở vật chất và đội ngũ đảm bảo trong năm học tới, 100% học sinh được học 2 môn này.

Toàn tỉnh có 73 phòng máy vi tính tại 147 trường thì đã có 49 phòng máy vi tính không còn sử dụng được nữa vì đã được cấp từ lâu. Đội ngũ giáo viên và tin học chưa đáp ứng đủ theo yêu cầu.

"Ngành có văn bản chỉ đạo cho phòng GD-ĐT các huyện, thành phố tham mưu cho UBND về cơ sở vật chất, sắp xếp trường lớp đảm bảo quy mô tiết kiệm đội ngũ, tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng ngân hàng máy tính, thiết bị dạy học. Chỉ đạo các phòng GD-ĐT huyện và thành phố tham mưu cho UBND huyện, thành phố tuyển dụng giáo viên còn biên chế, đặc biệt ưu tiên cho 2 môn tiếng Anh, Tin học".

Tuy vậy, bà Lan cho rằng hiện nay ở với các vùng đặc biệt khó khăn, việc tuyển dụng giáo viên ngoại ngữ và tin học là khó khăn của ngành giáo dục Kon Tum.

Trước mắt, để giải quyết bài toán thiếu giáo viên trong năm học tới, ngành giáo dục sẽ điều động giáo viên THCS xuống dạy ở cấp tiểu học nhưng với điều kiện các giáo viên được bồi dưỡng trong modun đầu tháng 6/2022.

Đồng thời, điều động giáo viên dạy liên trường, một thầy cô có thể dạy được ở các điểm trường, các trường chính tại huyện trên 1 địa bàn.

Tuy nhiên, bố trí giáo viên dạy liên trường, liên huyện cũng sẽ nảy sinh khó khăn vì tỉnh Kon Tum có địa hình cách trở, đồi núi chia cắt. "Các giáo viên dạy từ trường này đến điểm trường khác là một thách thức, đòi hỏi ngành chi đạo cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền,động viên thầy cô “tất cả vì học sinh thân yêu”.

“Nếu tất cả giải pháp trên vẫn chưa đáp ứng thí địa phương sẽ tổ chức dạy trực tiếp ở điểm trường chính và phát trực tuyến ở các điểm phụ hoặc một số trường với các tiết dạy lý thuyết. Còn tiết thực hành phụ huynh sẽ đưa các con sẽ đến điểm trường chính”.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Kon Tum cho biết, theo kế hoạch của UBND tỉnh, ngành giáo dục đang triển khai đề án phát triển đội ngũ giáo viên mầm non phổ thông giai đoạn 2021-2025 và định hướng 2030, tiếp tục thực hiện đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum 2020-2025, đào tạo giáo viên theo địa chỉ, đặc biệt ưu tiên các môn Tin học và Anh Văn. Đây là cách đảm bảo đội ngũ giáo viên gắn bó lâu dài tại địa phương.

Giáo viên “đá chéo sân”

Là tỉnh có diện tích rộng nhất cả nước với 11 huyện miền núi, trong đó có 6 huyện miền núi cao, thiếu thốn phòng ốc, máy tính và đội ngữ giáo viên triển khai dạy tiếng Anh, ngoại ngữ từ lớp 3 cũng là vấn đề đối với tỉnh Nghệ An.

Theo ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, với môn tiếng Anh, nhờ triển khai đề án Ngoại ngữ giai đoạn 2020-2030 trên địa bàn tỉnh và đội ngũ giáo viên tiếng Anh tiểu học sẵn có, Nghệ An tự tin triển khai môn học này từ lớp 3.

“Tiếng Anh có thể bù được vì dù thiếu theo định mức số tiết/tuần nhưng giáo viên tiếng Anh tiểu học đã có, trong giai đoạn thiếu giáo viên thì có thể động viên giáo viên có thể dạy tăng thời lượng lên. Hiện đã có nghị quyết 102 của Chính phủ, việc tạm thời hợp đồng giáo viên tiếng Anh đủ điều kiện để dạy ở các trường sẽ giải quyết được bài toán thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, dạy tiếng Anh từ lớp 3”, ông Thái Văn Thành khẳng định.

Tuy nhiên, với môn Tin học, toàn tỉnh thiếu 417 giáo viên. Thực hiện hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, địa phương đang tập huấn để những giáo viên tiểu học, THCS thừa thiếu cục bộ ở môn khác có thể “đá chéo sân” sang dạy Tin học từ năm tới.

Ông Thành nhấn mạnh nguồn giáo viên này không phải đào tạo mới mà là những giáo viên đã biên chế tiểu học. Họ sẽ học chương trình của Bộ để dạy được Tin học. Đây là giải pháp giáo viên dạy cả 2 môn. Ví dụ dạy môn Công nghệ, Tự nhiên, dạy Toán tiểu học thì giờ dạy thêm Tin học.

Tuy nhiên “417 giáo viên “đá chéo sân” này là giải pháp tức thời, đáp ứng yêu cầu trước mắt còn về lâu dài cần phải tuyển giáo viên Tin học được đào tạo bài bản ở trường sư phạm”, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An đánh giá.

Với khó khăn tương tự về đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh, tin học từ lớp 3, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên cho biết, Sở tiếp tục có chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện ưu tiên tuyển dụng giáo viên tiếng Anh và Tin học.

Giải pháp thứ 2 là thực hiện rà soát, sắp xếp lại, bố trí lại vị trí công việc của giáo viên các môn ngoại ngữ và một số giáo viên hợp đồng môn Tin học ở các nhà trường một cách phù hợp. Về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học thì bám sát theo danh mục thiết bị dạy học tối thiểu của Bộ, đây là điều kiện thiết yếu cần phải đảm bảo.

Dạy tiếng Anh, Tin học từ lớp 3, bên cạnh đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất thì chế độ đãi ngộ, thu hút giáo viên là vấn đề cần được quan tâm đúng mức. Những giải pháp như tập huấn giáo viên, bố trí giáo viên dạy liên trường đang được các địa phương thực hiện để giải quyết bài toán trước mắt để kịp năm học tới. Còn về lâu dài, để dạy tiếng Anh, Tin học từ sớm không chỉ mang tính hình thức thì đội ngũ giáo viên các môn này phải được đào tạo bài bản ở trường sư phạm./.