Chia sẻ với báo chí ngày 10/2, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, để chuẩn bị tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Bộ GD-ĐT đã dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung quy chế thi hiện hành theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo tổ chức thi và đang xin ý kiến các chuyên gia và dư luận xã hội.
Theo đó, phương thức tổ chức thi và các quy định cơ bản như bài thi, ra đề thi, coi thi, chấm thi, cách tính điểm xét tốt nghiệp, phúc khảo... về cơ bản giữ nguyên như các năm 2021, 2022; chỉ thực hiện điều chỉnh một số nội dung mang tính kỹ thuật, nghiệp vụ để tăng cường kỷ cương, nền nếp phòng thi, đáp ứng tốt hơn yêu cầu tổ chức Kỳ thi an ninh, an toàn.
Nhìn lại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, ông Chương nhấn mạnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký dự thi trực tuyến đã tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng cho người dân và năm nay, Bộ tiếp tục tổ chức đăng ký dự thi bằng hình thức trực tuyến cho đối tượng là thí sinh đang học lớp 12.
Riêng các thí sinh là người học xong chương trình THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp THPT ở những năm trước; những người đã có Bằng tốt nghiệp THPT, người đã có Bằng tốt nghiệp trung cấp dự thi để lấy kết quả làm cơ sở đăng ký xét tuyển (thí sinh tự do) thực hiện đăng ký dự thi và đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT (nếu có) trực tiếp tại đơn vị đăng ký dự thi do Sở GD-ĐT quy định.
“Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc tổ chức thi, đặc biệt là việc đăng ký dự thi trực tuyến đã mang lại rất nhiều lợi thế cho cả thí sinh, nhà trường và toàn xã hội”, ông Chương nói.
Liên quan đến cấu trúc đề thi, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) tái khẳng định, cấu trúc đề thi cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Đồng thời, Bộ đang căn cứ vào Kế hoạch thời gian năm học để xem xét để lựa chọn thời gian tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT phù hợp và sẽ công bố trong thời gian tới đây.
“Khung thời gian tổ chức thi THPT cũng cơ bản giữ ổn định như năm 2022, giáo viên và học sinh yên tâm hoàn thành tốt chương trình và chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi đồng thời tạo thuận lợi cho học sinh và các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng kết quả kỳ thi trong tuyển sinh và các mục đích phù hợp khác”, PGS.TS Huỳnh Văn Chương khẳng định.
Trước xu hướng ngày càng có thêm trường đại học tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển, ông Chương cho biết, chủ trương "giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học" đã được nêu tại Nghị quyết 29 của Trung ương. Các cơ sở giáo dục đại học được quyền xây dựng, công bố và thực hiện đề án tuyển sinh riêng; theo đó có thể cân nhắc nhiều mặt để tự tổ chức các kỳ thi riêng để tuyển sinh.
Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm giải trình và cam kết đối với thí sinh, cơ quan quản lý nhà nước và xã hội về các hoạt động của mình, trong đó có việc tuyển sinh, việc tổ chức các kỳ thi riêng để tuyển sinh.
Cơ sở đào tạo tổ chức thi phải bảo đảm đủ năng lực về đội ngũ, cơ sở vật chất và các điều kiện khác để tổ chức kỳ thi khách quan, nghiêm túc, chuyên nghiệp, an toàn, thuận tiện và hiệu quả; đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi công tác trước, trong và sau kỳ thi, bao gồm cả trách nhiệm giải trình trước cơ quan quản lý nhà nước và xã hội về đề án tổ chức thi và việc triển khai đề án tổ chức thi, quy chế thi, chất lượng đề thi và quy trình tổ chức thi và kết quả thi…
“Thực tế cho thấy, một cơ sở đào tạo tổ chức thi nhưng có nhiều cơ sở đào tạo khác sử dụng kết quả kỳ thi của đơn vị đó để xét tuyển. Chính vì vậy, các kỳ thi này cần phải có sự quản lý chặt chẽ từ các bên liên quan, đồng thời cần được thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm công bằng, khách quan, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh”, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) nêu quan điểm.