Sáng 26/9, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức Hội thảo khoa học "Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học (STEM), thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng".

Tham dự hội thảo có đồng chí Vũ Thanh Mai – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải – Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội và lãnh đạo một số trường Đại học khối ngành Khoa học, công nghệ của Đại học Quốc gia Hà Nội: ĐH Công nghệ, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Việt Nhật… và các trường: ĐH Bách Khoa Hà Nội, Bách khoa TP.HCM, Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Thủy lợi, ĐH Mỏ địa chất, ĐH Thái Nguyên …

Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, nhà khoa học nằm trong top 100 nhà khoa học hàng đầu thế giới đã điểm lại bức tranh giáo dục STEM của Mỹ từ đầu những năm 90. Trong chương trình giáo dục STEM, các môn học về khoa học công nghệ được tích hợp lại với nhau thành một môn học thông qua phương pháp giảng dạy bằng dự án, trải nghiệm, thực hành. GS Đức khẳng định: Việt Nam có các nhà khoa học trong 6 lĩnh vực được thế giới ghi nhận và xếp hạng đều là các lĩnh vực liên quan đến STEM.

Minh chứng này cho thấy giáo dục đại học Việt Nam đã có những bước tiến liên quan đến STEM nhưng vẫn còn có nhiều bất cập. Số thí sinh có điểm dưới trung bình của môn toán trong kỳ thi TN THPT ở mức quá thấp chiếm gần 22% số bài thi; môn vật lý chiếm khoảng 14,786%. Đây là một trong 2 môn cốt lõi trong giáo dục STEM và có tỷ lệ thí sinh có điểm dưới trung bình cao. Bên cạnh đó, mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt ở những thành phố lớn, và chuẩn đầu ra bậc THPT ở trình độ chỉ A2 và phổ điểm đã có 2 hình yên ngựa nhưng môn tiếng Anh vẫn có gần 45% thí sinh dưới điểm trung bình. Các yếu tố đó cho thấy những điểm nghẽn trong giáo dục, làm ảnh hưởng rất lớn đến thành công của giáo dục STEM ở bậc Đại học.

GS Nguyễn Đình Đức cho rằng: Muốn giáo dục STEM thành công cần thay đổi nhận thức của xã hội, của người dạy, người học từ bậc học phổ thông, cần có chính sách khuyến khích học sinh, sinh viên theo học các ngành khoa học cơ bản, bên cạnh đó bản thân mỗi cơ sở giáo dục Đại học cần có sự nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng giảng viên, đầu tư cho phóng thí nghiệm và các hoạt động thực tập, thực hành, cho các nhóm nghiên cứu và các hoạt động hợp tác trong và ngoài nước để cập nhật thường xuyên những vấn đề mới, xu hướng mới gắn với các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học, hoàn thiện những kỹ năng mềm cho sinh viên có khả năng hội nhập thị trường lao động quốc tế.

GS.TS Chử Đức Trình - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ (ĐHQGHN) cho rằng: Hiện nay nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao trong trong lĩnh vực STEM sẽ có vai trò và tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển của đất nước đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thông qua sự kiện Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, tổng thống Hàn Quốc Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore đến thăm Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp đến Việt Nam chúng ta thấy được cơ hội để phát triển nền công nghiệp mang tính chất toàn cầu, biến chúng ta trở thành một trong những cơ sở sản xuất mới trên toàn cầu. Khi nhìn vào bài toán ấy thì thấy rằng cơ hội chúng ta rất mạnh, nhưng để đi đến cơ hội đó thì chúng ta có một số yếu tố quan trọng: Thứ nhất là vị trí địa lý, thứ hai là giao thương, có quan hệ hội nhập với các nước trên thế giới nhưng điều quan trọng nhất là nhân lực, sự thông minh và cần cù của con người Việt Nam.

Hội thảo STEM ban Tuyên giáo triển khai ngày hôm nay rất quan trọng, nó định vị liên quan đến tư duy và các phương pháp triển khai chuẩn bị cho cái nhận thức đó từ học sinh mẫu giáo, tiểu học, học sinh cấp 2, cấp 3 và đại học, sau đại học. Chúng ta thấy rằng STEM không đơn giản chỉ cho các bạn tham gia vào một số cái cuộc chơi thú vị liên quan đến thực tập, thi thố mà đây là liên quan đến kiến thức về công nghệ, kỹ thuật, về tự nhiên và điểm đấy Việt Nam chúng ta có thế mạnh.

Nhưng hiện nay chúng ta đang suy giảm số lượng người học về lĩnh vực này. Không phải người dân, phụ huynh hay học sinh muốn chọn các cái ngành học này, vấn đề này nó liên quan đến thông tin, truyền thông, và cả chính sách của nhà nước dẫn tới đâu đó số lượng người học STEM giảm. Nếu chúng ta có một chính sách đủ tốt thì trong thời gian tới tôi tin chắc là nhân lực hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu phát triển công nghiệp hoá và biến Việt Nam trở thành cứ địa về sản xuất công nghiệp trên toàn cầu.

Làm thế nào để giáo dục STEM ở Đại học đạt được hiệu quả mong đợi? GS.TS Chử Đức Trình cho rằng không phải chuyện thách thức, mà đây là sự chuẩn bị cần có chiều sâu. Muốn làm tốt STEM, các trường ĐH phải chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ thầy cô giảng dạy, phòng thí nghiệm... và quan trọng hơn cả là chuẩn bị về tâm thế, các hệ thống chính sách để tạo thành nguồn lực, thành thế mạnh đồng hành cùng phát triển .

Theo GS Chử Đức Trình: STEM không đơn giản chỉ là những môn kết hợp, là toán, là lý, là khoa học tự nhiên mà kể cả những ngành khoa học xã hội cũng là STEM. Vì vậy chúng ta phải chuẩn bị cho các con tinh thần học tập, STEM là học suốt đời để đáp ứng được kiến thức và kỹ năng sau này ra làm doanh nghiệp, làm doanh nghiệp về công nghệ, kỹ thuật. Tôi tin là toàn bộ hệ thống chính trị chúng ta, rồi người dân, các trường đại học phải vào cuộc, nếu như chúng ta có được một hệ thống giáo dục tốt thì mức sống của người dân cũng tăng, vị thế của Việt Nam trên thế giới tăng và tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ STEM chứ không chỉ các trường hay các doanh nghiệp.

Ghi nhận những nỗ lực của các cơ sở giáo dục Đại học trong thời gian qua, phát biểu tại Hội thảo TS Vũ Thanh Mai – Phó Trưởng ban Tuyên giáo đánh giá rất cao tầm quan trọng của hội thảo này. Theo ông, hội thảo khoa học hôm nay sẽ giúp cho các cơ sở giáo dục đào tạo sẽ có hướng đi mới để tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Các cơ sở giáo dục đào tạo phải có sự chủ động trước yêu cầu mới, cần có sự thay đổi phù hợp, có hướng đi chắc chắn, để có thể đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu hội nhập.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Vũ Thanh Mai cho rằng: Phải xác định phát triển đất nước trong giai đoạn tới theo Nghị quyết của Đảng là phải đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao. Muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao thì chúng ta phải chuẩn bị nền tảng khoa học kỹ thuật và tích hợp khoa học cơ bản để được phát triển một cách hết sức mạnh mẽ.

Nhìn vào nguồn nhân lực STEM hiện nay đặc biệt về khoa học kỹ thuật và khoa học cơ bản còn nhiều trăn trở . Để đạt được nguồn nhân lực chất lượng cao thì chúng ta phải có lộ trình, có thời gian vì muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao phải dựa trên đào tạo một cách rộng rãi, bài bản và cần có năng lực ngoại ngữ để hội nhập. Tất cả những điều kiện cung cấp cho nguồn nhân lực chất lượng cao thì chúng ta phải hết sức cố gắng nỗ lực và cũng cần hết sức bình tĩnh để chọn hướng đi phù hợp.

Trách nhiệm để thu hút các em học sinh sinh viên vào ngành khoa học cơ bản là trách nhiệm của các thầy cô giáo trong lĩnh vực khoa học cơ bản cũng như toàn xã hội phải tạo sự yêu thích khoa học cho các em từ sớm thì các em mới có thể đam mê, có ước mơ, có hoài bão đối với khoa học công nghệ.Vấn đề nghiên cứu khoa học cơ bản không phải mỗi nước ta mà các nước trên thế giới cũng đều gặp khó khăn chung.

Chúng ta cũng phải song hành với thế giới và toàn xã hội để làm sao mỗi gia đình, mỗi bạn học sinh,sinh viên hiểu rõ rằng muốn đi xa thì bên cạnh học những môn khác thì chúng ta phải xác định học khoa học cơ bản và khoa học công nghệ để phát triển bền vững. Đảng, nhà nước vô cùng quan tâm đến khoa học cơ bản và khoa học công nghệ, vấn đề tổ chức thực hiện thế nào thì tại các cơ sở đào tạo cũng như các thầy cô giáo có trách nhiệm làm sao để các em hiểu rõ hơn và nắm bắt tốt hơn về khoa học cơ bản.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW Vũ Thanh Mai khẳng định: Xác định muốn phát triển KHCN cần những ngành lõi, những trường đào tạo lĩnh vực KHCN cần chịu trách nhiệm chính lan tỏa cho các trường ĐH khác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Để làm được điều này các trường ĐH cần đào tạo đội ngũ giảng viên chất lượng cao có khả năng hội nhập quốc tế để giao lưu, trao đổi truyền bá những kiến thức mới cập nhật hiện đại nhất trên thế giới cho học sinh, sinh viên.