Chat GPT có mang đến cơ hội cho giáo dục?

Tại cuộc hội thảo trực tuyến “Thách thức của giáo dục phi truyền thống”, ông Quách Ngọc Xuân, Phó Giám đốc Trường FUNiX cho biết, là một cơ sở đào tạo phi truyền thống, tổ chức dạy học hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến nên FUNiX coi sự ra đời của ChatGPT mang đến cơ hội, một công cụ mới giúp cho Trường có thể đi xa hơn trong đào tạo trực tuyến.

“FUNiX không coi sự ra đời của ChatGPT là một hiểm họa mà đây là cơ hội để dịch vụ giáo dục được cung cấp một cách tốt hơn”, ông Xuân nói.

Qua nghiên cứu các tính năng của ChatGPT, ông Xuân đánh giá, sự khác biệt lớn nhất của ChatGPT với các công cụ khác chính là khả năng tư duy và hội thoại. Nếu Google đưa ra quá nhiều thông tin và buộc người dùng phải tự đi tìm câu trả lời thì ChatGPT có khả năng tổng hợp thông tin và đưa ra câu trả lời ban đầu cho người dùng (dù có thể không chính xác).

Từ thực tế đào tạo của FUNiX, ông Quách Ngọc xuân cho rằng, với công cụ Chat GPT, sinh viên thay vì chủ động hỏi mentor (người hướng dẫn, hỗ trợ) thì có thể chuyển sang hỏi trước ChatGPT những khái niệm, kiến thức cơ bản và nhận được những giải thích ban đầu.

“Ngay cả những kiến thức lập trình, ChatGPT có thể đưa ra những gợi ý, hướng dẫn khá chi tiết. Mặc dù trong một vài trường hợp nó có thể đưa ra câu trả lời sai nhưng cái sai này ở góc độ nào đó cũng là điều tốt cho người học để buộc họ phải suy nghĩ tìm ra được câu trả lời đúng”, ông Quách Ngọc xuân chia sẻ.

Ngoài ra, ông Xuân cho biết, ChatGPT có thể như một “trợ lý học tập” giúp người học tổng hợp kiến thức, phát triển chương trình học, soát lỗi chính tả, lỗi dịch thuật… và hiện nay ở FUNiX đang tích hợp dần ChatGPT vào các hoạt động của Trường. Bước đầu đang thử nghiệm tích hợp vào hệ thống trao đổi nội bộ cộng đồng sinh viên, người học có thể thoải mái hỏi-đáp với ChatGPT.

Vấn đề đặt ra, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh, sinh viên như thế nào? Trước thực tế này, ông Nguyễn Hải Nam - Giám đốc Trung tâm Công nghệ Chuyên sâu xSeries cho biết, Trường Funix thực hiện thử nghiệm về công tác khảo thí và nhận thấy, toàn bộ các phần trả lời về kiến thức cơ bản ChatGPT đã trả lời khá tốt. Đối với các câu hỏi tư duy cơ bản thì ứng dụng này cũng từng bước tiệm cận và xử lý được.

“Tuy nhiên khi áp dụng những câu hỏi tư duy cao để một học viên có thể đi làm ngay tại doanh nghiệp thì ChatGPT chưa tiệm cận được. Do vậy, ngay khi ChatGPT ra đời FUNiX đã điều chỉnh dần phần khảo thí. Những câu hỏi về kiến thức có sẵn, tư duy ít sẽ được lược bỏ dần thay thế vào đó là những câu hỏi mang tính tư duy cao”, ông Nguyễn Hải Nam chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hải Nam cũng cho biết, hiện nay việc đánh giá học sinh, sinh viên của FUNiX vẫn thực hiện chủ yếu bằng hình thức đánh giá trực tiếp, mỗi phiên thi đều có từ 1-20 câu hỏi trực tiếp nên không khó để đánh giá phần trả lời đó là của sinh viên hay của ChatGPT.

Trí tuệ nhân tạo không thể thay thế vai trò của người thầy

Nhìn lại quá trình phát triển của công nghệ cũng như sự tác động của nó tới quá trình giáo dục, TS. Đàm Quang Minh cho rằng, khi trí tuệ nhân tạo phát triển, công nghệ dạy học ngày càng hiện đại buộc giáo dục phải nâng tầm phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá.

“Nhưng điều đó không có nghĩa ChatGPT có khả năng thay thế. Nó chỉ bổ sung và nâng thêm một bước tiến mới. Bước tiến này tôi cho rằng là tích cực bởi cung cấp cho người học một cách học mới, hiệu quả hơn, nhiều thông tin hơn và nhiều sự sáng tạo hơn”, TS. Đàm Quang Minh nói.

Trong khi đó, Chuyên gia giáo dục, TS Lê Thống Nhất có cách tiếp cận thận trọng hơn đối với những tác động của ChatGPT cũng như các chatbot khác đối với giáo dục. Là người có kinh nghiệm trong dạy học trực tuyến, ông Nhất nói, những tiến bộ của khoa học công nghệ góp phần nâng cao chất lượng công việc, nâng cao hiệu quả trong giáo dục. Nhưng không vì thế mà thay thế được vai trò của người thầy.

“Có thêm công cụ là có thêm phương pháp để dạy học nhưng không có nghĩa chúng ta đổ xô vào dạy học theo kiểu mới. Có nhiều phương pháp dạy học và phương pháp nào cũng có những ưu điểm, hạn chế. Tài năng của người giảng dạy là phối hợp các phương pháp như thế nào? Trong hoàn cảnh nào, đối tượng nào, giáo trình nào mới là điều quan trọng", TS. Lê Thống Nhất nêu quan điểm.

Lấy ví dụ về đề tài luận án tiến sĩ được bảo vệ thành công năm 1996 là “Dạy học trên các sai lầm”, ông Nhất nói, nếu như người thầy trong quá trình dạy học có thể đưa ra những đáp án sai được tính toán một cách cụ thể, có ý đồ để từ đó thầy-trò cùng tìm câu trả lời đúng thì những phương án sai, thậm chí hài hước, ngớ ngẩn mà ChatGPT đưa ra không theo một dụng ý nào sẽ gây ra độ nhiễu rất lớn cho người dùng.

Trước những tranh cãi về tác động của ChatGPT tới giáo dục, TS. Nguyễn Tiến Đông, nguyên Giám đốc đào tạo Vinfast đưa ra quan điểm, thay vì lo lắng những tác động tiêu cực của công nghệ tới giáo dục thì cần nghĩ cách để thích nghi.

Ông Đông nói: “Cái cần phải đào tạo hiện nay là tư duy thích ứng. Tư duy thích ứng sẽ giúp cho chúng ta sẽ tiếp nhận những cái gì mới đang diễn ra trên thực tế để có những đối sách phù hợp thay vì cứ phải lo lắng”.

ChatGPT do công ty khởi nghiệp OpenAI tạo ra. Nó là một mô hình đàm thoại dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI), tức là một hệ thống mà người dùng có thể đặt câu hỏi và ứng dụng sẽ trả lời bằng công nghệ có tên là 'học máy'.

ChatGPT có thể cung cấp các câu trả lời thú vị cho các câu hỏi sáng tạo như: Tạo ra những câu chuyện và văn bản; phát triển mã và giải quyết vấn đề lập trình…

Chỉ sau 3 tháng ra mắt, công cụ chatbot AI (trí tuệ nhân tạo) này trở thành ứng dụng thu hút nhiều người dùng mới nhanh nhất trong số các ứng dụng phổ thông trên mạng internet hiện nay.

Dựa trên dữ liệu từ Similar Web, ChatGPT được OpenAI công bố cuối tháng 11/2022, thu hút 57 triệu người dùng sau một tháng. Tính đến 31/1, chatbot AI này đã đạt 100 triệu người dùng. Trung bình mỗi ngày trong tháng 1, nó thu hút 13 triệu người truy cập.

Bấm nghe chương trình: