Chủ trương xã hội hóa việc biên soạn và phát hành SGK phổ thông đã được nêu trong Nghị quyết 88 của Quốc hội khóa XIV và Luật Giáo dục 2019. Qua thực tiễn triển khai, bên cạnh kết quả đạt được còn tồn tại những bất cập về chất lượng biên soạn SGK, giá thành, phân phối... Đây là nội dung được các chuyên gia trao đổi, thảo luận tại Hội thảo về "Chủ trương xã hội hóa biên soạn và phát hành sách giáo khoa" do Hội Tâm lý - Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 26/10.

Thiếu từ chuyên gia làm chương trình đến biên soạn SGK

Ông Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng đang có sự thiếu hụt đội ngũ biên soạn có năng lực. Công tác tìm kiếm tác giả xây dựng, biên soạn SGK gặp khó, “ở giai đoạn đầu mấy tháng trời không kiếm được người, lực lượng tinh tú nằm ở NXB Giáo Dục, do đó Bộ GD&ĐT không ban hành được bộ sách chuẩn vì thiếu người".

Theo GS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên chương trình môn Ngữ văn - Chương trình Giáo dục phổ thông mới, chưa có lần đổi mới nào mà chúng ta không tham khảo quốc tế nhưng lần này là đầy đủ nhất. Tham khảo quốc tế phải phù hợp với điều kiện Việt Nam. Đây là yêu cầu rất khó vì chúng ta chưa có đội ngũ chuyên làm chương trình.

“Chuyên gia môn học rất ít, người làm chương trình phải là chuyên gia khoa học cơ bản giỏi, đồng thời là chuyên gia phương pháp và nghiên cứu về chương trình. Lấy đâu ra chuyên gia?”, Theo GS.TS Đỗ Ngọc Thống cứ 15-20 năm chuẩn bị đổi mới chương trình, chúng ta mới tìm người để gộp thành ban thực hiện chương trình. Trong khi các nước có hẳn một Viện thường xuyên giải quyết quyền việc này theo quyền hạn Bộ Giáo dục và Chính phủ giao.

Tiếp đó, chúng ta chưa có đội ngũ chuyên gia viết SGK. “Đội ngũ toàn tay ngang, các thầy ĐH- CĐ, lấy cả phổ thông lên chứ làm gì có chuyên gia viết SGK. Ở các nước đây là một nghề nên đội ngũ rất bài bản.

Ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học – Bộ GD&ĐT thừa nhận khó khăn trong việc tìm tác giả viết SGK. Theo ông, khi thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK có rất nhiều công đoạn phải làm nhưng công đoạn thỏa thuận dân sự giữa người viết sách với nhà xuất bản vướng ở chỗ, một lực lượng tác giả có kinh nghiệm không thỏa thuận được nên đang nằm ngoài đóng góp cho chất lượng SGK. Trong khi đó, nhiều tác giả trẻ có cống hiến cũng chịu áp lực vô hình.

“Họ mong muốn cống hiến nhưng nhìn vào bìa sách thì bị đánh giá “biết gì đâu” nên đây cũng là áp lực”. Tuy vậy, theo ông Tài, đến thời điểm này tất cả SGK được Bộ trưởng phê duyệt đều được các trường lựa chọn dù nhiều ít khác nhau.

Không hoàn toàn đồng tình việc chúng ta đang thiếu chuyên gia viết SGK, GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phân tích, viết SGK các nước có 2 cách tiếp cận.

Cách thứ nhất, nhà khoa học viết và có sự tham gia giáo viên để gần gũi với việc dạy học trên nhà trường. Cách hai là phần lớn giáo viên viết và sau đó nhà khoa học tham gia để đảm bảo tính khoa học, chính xác.

GS. Lê Anh Vinh cho hay, hiện nhiều giáo viên có ý tưởng sáng tạo nên chủ trương xã hội hóa và thu hút thêm người là đúng và không lo ngại về đội ngũ viết SGK. Tuy nhiên, khó khăn là chúng ta cần đội ngũ biên tập và họa sĩ lớn, hiện có bao nhiêu nhà xuất bản làm được việc này?

"SGK sai với yêu cầu cần đạt hay kiến thức khoa học hầu như không có"

Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, chúng ta làm SGK trên cơ sở Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nhưng việc biên soạn không bài bản, không chuyên nghiệp. Triển khai đánh giá không tập hợp trên tổng quát trên các vùng miền, dẫn tới đã thiết kế chuẩn đầu ra nhưng thực hiện chương trình đang vướng nhiều thứ. SGK chưa được thử nghiệm trên diện rộng, đánh giá khách quan dẫn đến nhiều “sạn”. Đặc biệt phối hợp giữa phát triển chương trình giáo dục và người viết sách, nhà xuất bản cộng với hệ thống đo lường đánh giá đang “khấp khểnh”.

Đổi mới SGK không thể tránh khỏi “sạn” tuy nhiên theo GS.TS Đỗ Ngọc Thống, sau thời gian thực hiện chương trình chúng ta có bộ SGK đẹp và chất lượng, thay đổi trong cách dạy học, phương thức đánh giá và ra đề.

Theo các chuyên gia, quan niệm sử dụng sách giáo khoa chưa thay đổi theo hướng xem sách giáo khoa chỉ là một tài liệu học tập mà vẫn coi sách giáo khoa là chương trình, là nội dung bắt buộc phải dạy học. Điều này là áp lực lớn cho việc biên soạn sách giáo khoa khi sách có "sạn" hoặc cần phải cập nhật, hoàn thiện qua các năm sử dụng.

Qua 3 năm qua triển khai, chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với lớp 1 năm đầu tiên có nhiều ý kiến phản biện gay gắt với từ “sạn”. Theo ông Thái Văn Tài, “sạn” có nhiều cách tiếp cận nhưng “sạn” theo cách hiểu là sai với yêu cầu cần đạt hay kiến thức khoa học thì hầu như không có. Nếu có đã phát hiện sớm trước khi phát hành.

“Sạn” ở đây là quan điểm tiếp cận, ý kiến cá nhân và chủ yếu trên mạng xã hội còn chúng tôi chưa nhận được bất cứ kiến nghị, đề xuất nào từ nhà trường, giáo viên nhà khoa học chỉ rõ, đề nghị Bộ GD&ĐT, Hội đồng thẩm định, tác giả xem xét kiến thức nội dung đưa vào sai”, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT khẳng định.

Tại hội thảo, vấn đề bồi dưỡng giáo viên các tỉnh dạy theo chương trình, SGK mới đáp ứng yêu cầu cũng được đặt ra. “Yếu nhất của chúng ta không phải chương trình, SGK mà là giáo viên”, GS.TS Đỗ Ngọc Thống cho rằng Bộ cần phải đầu tư vào bồi dưỡng giáo viên, đây là khó khăn “vì số lượng lớn suốt mấy chục năm đứng yên tại chỗ, thậm chí đi lùi”.

Trong khi đó, GS. Lê Anh Vinh cho rằng viết SGK quan trọng là sách giáo viên nhưng chưa bộ sách nào đầu tư công sức xứng đáng. Đây là trách nhiệm của nhà xuất bản.

“Sách giáo viên phải đồng bộ với SGK nhưng chưa làm tốt. Nếu sách giáo viên chưa tốt thì không thể trách giáo viên không hiểu sách”.

Theo GS. Lê Anh Vinh, ở nước ngoài vấn đề này làm tốt đến nỗi phụ huynh đọc sách giáo viên thì có thể hiểu và dạy con được./.

Boăn khoăn liệu nên có bộ sách riêng do Bộ GD&ĐT nắm bản quyền?

Ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT đề nghị dùng 2-3 trăm tỷ tìm kiếm đủ chuyên gia xuất sắc để soạn bộ sách chuẩn về chất lượng. "Để tránh câu chuyện “sân sau” của nhà xuất bản thì cho đấu thầu, Bộ nắm bản quyền".

Theo ông Vinh, chỉ một bộ sách chuẩn do Nhà nước bỏ tiền và chế bản điện tử cho HS còn những bộ sách khác xã hội hóa, dân có tiền, trường nào có tiền thì tự bỏ ra mua. "Làm như vậy sẽ tiết kiệm cả nghìn tỷ, Bộ GD&ĐT tránh khỏi mang tiếng".

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Kiều, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục Việt Nam lại cho rằng các bộ sách được phê duyệt công bằng như nhau vì "nếu có bộ sách chuẩn rồi thì sách xã hội hóa ai mua nữa".