Phụ huynh bối rối trước sự đa dạng các phương thức xét tuyển

Cả gia đình chị Lê Thị Lựu, ở thành phố Thanh Hóa sau khi thức để “đón giao thừa điểm” cùng con gái đã lên xe khách lúc 3h30 sáng để kịp ra Hà Nội tham dự ngày hội Tư vấn xét tuyển 2022 tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Trực tiếp gặp để hỏi các chuyên gia về cách xét tuyển, cách sắp xếp nguyện vọng thì cả gia đình mới cảm thấy yên tâm, phụ huynh này cho biết.

“Thông tin trên mạng quá nhiều, cách thức các trường tuyển sinh khác nhau, mỗi trường cộng điểm khác nhau, xét đầu vào khác nhau, phụ huynh chưa yên tâm nên phải đưa con ra tư vấn trực tiếp”, chị Lựu chia sẻ.

Nhiều phụ huynh có con thi vào năm sau cũng tham gia ngày hội để tìm hiểu về việc xét tuyển đại học. “Tôi rất băn khoăn về việc có những thay đổi trong phương thức tuyển sinh của các trường. Thay đổi nào cũng cần có thông tin sớm hơn một chút để các con và gia đình có lộ trình chuẩn bị. Còn việc cứ thay đổi theo từng năm hoặc thêm những phương thức mới thực sự khiến phụ huynh bối rối”, anh Nguyễn Hòa, ở Hoài Đức, Hà Nội có con bước vào lớp 12 nêu ý kiến.

Băn khoăn nhiều nhất của học sinh, phụ huynh là cách đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên cổng Bộ Giáo dục và Đào tạo thế nào để đỗ đại học ngành, trường yêu thích và không gặp rủi ro. Ngoài ra, việc có bắt buộc phải đặt nguyện vọng đã trúng tuyển theo các phương thức riêng của các trường làm NV1 hay không cũng là điều khiến nhiều học sinh và phụ huynh lo lắng.

“Qua 12h đêm, vừa vui vì con đạt được điểm đạt kỳ vọng gia đình nhưng cả nhà lại bước vào một sự hoang mang, biết xếp nguyện vọng nào để con mình đỗ được ở phương án tối ưu nhất. Đến giờ chúng tôi hỏi một số trường là nếu tôi đăng ký nguyện vọng ngành A (đã trúng tuyển) của trường lên NV1 nhưng khi lên cổng của Bộ chúng tôi đặt cũng ngành đó nhưng trường khác vào NV1 thì liệu có ảnh hưởng gì không? Bản thân trường mà con định đăng ký cũng không trả lời được, thậm chí cho rằng như thế không đỗ", một phụ huynh bày tỏ.

Làm cách nào để đỗ đúng nguyện vọng?

Hiện có hai xu hướng để đặt nguyện vọng khá phổ biến trong tuyển sinh đại học. Một thuộc về nhóm các bạn chọn trường sẽ đặt nguyện vọng vào tất cả các ngành trong cùng một trường vì yêu thích đặc biệt một ngôi trường. Cách thứ hai: chọn theo ngành yêu thích, có nghĩa đặt nguyện vọng vào cùng một ngành ở nhiều trường đào tạo.

Trong trường hợp này, theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch, Trưởng Ban quản lý Đào tạo, Học viện Tài Chính, nên đặt ngành yêu thích ở chính trường yêu thích lên NV1. Trường hợp không đạt thì vẫn còn các nguyện vọng tiếp theo. Điểm lưu ý ở đây với các bạn thí sinh điểm cao thì ngành nào, trường nào yêu thích nhất sẽ đặt lên trên vì nếu đặt theo khả năng đỗ thì rất có thể thí sinh sẽ trúng tuyển ở ngành, trường mình đặt NV cao hơn và hệ thống sẽ không xét đến nguyện vọng vào ngành, trường mình thích hơn ở sau.

Trường hợp điểm chưa cao, thí sinh nên chọn trường có điểm dự kiến bằng hoặc thấp hơn điểm mình đã đạt được để làm điểm tựa vững chắc, an toàn.

Với những trường hợp đã đăng ký xét tuyển sớm bằng nhiều hình thức khác nhau như học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và lại có điểm thi tốt nghiệp THPT cao, PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch khuyên thí sinh nên tận dụng tất cả các cơ hội, các phương thức xét tuyển nhằm đảm bảo tận dụng lợi thế để có được ngành học, trường học đúng mong muốn.

Riêng Học viện Tài chính, để đảm bảo thí sinh trúng tuyển đúng ngành và trường yêu thích nhất, nhà trường sẽ công bố kết quả tuyển sinh các phương thức khác cùng thời điểm công bố kết quả xét tuyển dựa vào điểm thi THPT, đảm bảo nguyên tắc lọc ảo chung và cũng để tránh thí sinh ảo.

Thí sinh cần bình tĩnh xem xét tất cả các thông tin của các trường, các thông tin khác liên quan để có những điều chỉnh đúng đắn vì thời gian còn rất nhiều, PGS Thạch khuyên.

Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, 17h00 ngày 20/8 được ấn định là thời gian đóng cổng và chốt thông tin tuyển sinh. Từ ngày 1-15/9 sẽ là giai đoạn “xử lý lọc ảo” nhằm xác định nguyện vọng cao nhất mỗi thí sinh có thể đỗ được. Ngày 17/9 các cơ sở đào tạo công bố thí sinh trúng tuyển đợt 1 và thí sinh được phép xác nhận nhập học trực tuyến.

“Trước ngày 30/9 các em phải hoàn thành việc xác nhận nhập học vào một cơ sở. Đây mới là thời gian cuối cùng để xác nhận nhập học. Các em không phải xác nhận nhập học sớm ở bất kì trường nào, bất kì phương thức nào trước thời điểm này. Từ mùng 1/10 trở đi, các trường có thể tuyển sinh các đợt bổ sung cho năm 2022".

Trước đó, trả lời báo chí, bà Thủy cho rằng, một số trường ĐH ép thí sinh đặt nguyện vọng đã trúng tuyển là NV1, thậm chí bắt đặt cọc là việc làm vi phạm Quy chế.

Quy chế đã quy định: Cơ sở đào tạo tổ chức xét tuyển cho những thí sinh đã hoàn thành thủ tục dự tuyển, nhưng không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung.

Trường hợp thí sinh đã được cơ sở đào tạo thông báo đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) một nguyện vọng nhất định, thí sinh tự quyết định việc đặt thứ tự ưu tiên nguyện vọng khi đăng ký trên hệ thống (tùy thuộc thí sinh muốn được công nhận trúng tuyển nguyện vọng đó hay muốn mở rộng cơ hội trúng tuyển nguyện vọng khác).

Bà Thủy đặc biệt lưu ý các thí sinh không nhầm lẫn thông tin đăng ký xét tuyển: mã trường, mã ngành, mã phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển,… đặc biệt là thí sinh trúng tuyển có điều kiện phải được đăng ký nguyện vọng chính xác trên hệ thống để không làm mất cơ hội trúng tuyển.

Trước câu hỏi thí sinh tự do có được đặt nguyện vọng và xét tuyển trực tuyến không? Bà Thu Thủy cho biết thí sinh tự do phải đến các điểm tiếp nhận, ghi nhận thông tin vào giấy để làm minh chứng lưu lại, các thầy cô sẽ tạo tài khoản cho các em. Sau đó, các em có thể đăng ký nguyện vọng và xét tuyển trực tuyến hoàn toàn./.