Cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách khoa 2020 có chủ đề “Smart up for life” hướng tới các sản phẩm ứng dụng có khả năng khởi nghiệp phục vụ cho cuộc sống như giao thông, giáo dục, môi trường, biển đảo, công nghiệp, nông nghiệp, y tế…
Từ năm 2019, cuộc thi đã mở rộng đối tượng dự thi tới khối các trường kỹ thuật trong cả nước, như các trường: Đại học Bách khoa Hà Nội, ĐH Tài nguyên và Môi trường, Đại học Thủy lợi, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, ĐH Nguyễn Tất Thành… Cùng với đó, Sáng tạo trẻ Bách khoa còn thu hút sự tham gia hỗ trợ của nhiều sinh viên từ các trường ĐH khối kinh tế - xã hội như các trường: Kinh tế Quốc dân, Ngoại thương, Học viện Tài chính, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Ngân hàng, ĐH Sư phạm Hà Nội.
Vòng Đối đầu của cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách khoa 2020 diễn ra vào cuối tháng 10/2020 với sự góp mặt của 21 đội thi, chia thành 10 vòng đấu trực tiếp, mỗi vòng hai đội, riêng vòng cuối là ba đội.
Trong chặng đường của cuộc thi kéo dài trên 6 tháng, Ban Tổ chức đã tiến hành các hoạt động đào tạo, hướng dẫn cho các đội thi từ giai đoạn viết ý tưởng đến hoàn thiện đề án, triển khai đề án với sự hỗ trợ nhiệt tình từ các diễn giả có uy tín về sáng tạo và khởi nghiệp. Đồng thời, các nhóm sẽ được hỗ trợ kỹ thuật từ các mentor từ các trường đại học, các trung tâm khởi nghiệp.
Sau vòng đối đầu, 6 đội thi đến từ các trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, ĐH Thủy Lợi đã góp mặt tại vòng chung kết. Các đề tài, sáng kiến góp mặt tại vòng chung kết theo đánh giá của Ban tổ chức đều có ý nghĩa xã hội cao như sáng kiến "chế phẩm tảo nguyên liệu ATER" của nhóm sinh viên trường ĐH Nguyễn Tất Thành, "Máy đan giỏ" của nhóm sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội, "Vật liệu xây dựng làm từ rác thải nhựa" của nhóm sinh viên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh...
Với đề tài nghiên cứu: "ứng dụng sóng hồng ngoại trong cảnh báo sớm bình truyền dịch trong y tế", nhóm BK307, ĐH Bách Khoa Hà Nội đã đoạt giải nhất chung cuộc.
Nguyễn Văn Hà, K61 (Viện Cơ khí, ĐH Bách Khoa) cho biết, thường khi vào viện, các bệnh nhân nội trú phải truyền dịch. Người thân của bệnh nhân cũng phải theo dõi quá trình truyền dịch đó. Từ thực tế này, nhóm BK307 đã đưa ra ý tưởng phát triển một sản phẩm theo dõi thời gian truyền dịch của bệnh nhân để từ đó giảm thiểu tối đa sức lực của bác sĩ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
"Thiết bị này sẽ hiển thị vận tốc và thời gian hết đường truyền dự đoán trong tương lai. Dựa vào thời gian dự đoán này để cảnh báo bác sĩ cần phải đến thay bình truyền. Khi đó thời gian của bác sĩ trông coi và sự lo lắng của người nhà bệnh nhân sẽ giảm đáng kể. Tất cả những dữ liệu được lưu trên máy chủ khi đó hệ thống sẽ phân phát về cho ứng dụng của người thân, của bác sĩ và máy của phòng trực".- Nguyễn Văn Hà chia sẻ.
Một sáng kiến khác của sinh viên trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng gây chú ý tại vòng chung kết sáng tạo trẻ Bách Khoa 2020 đó là ý tưởng "Máy đan giỏ" (nhóm BK Farmers) với tính ứng dụng cao trong thực tế. Ý tưởng này xuất phát từ làng nghề mây tre đan Phú Vinh (Hà Nội), nhóm BK Farmers đã chế tạo ra một chiếc máy để tự động hóa việc đan giỏ của người thợ, nâng cao năng suất lao động.
Lê Thị Ngọc Châu (ĐH Nguyễn Tất Thành) cho rằng, Sáng tạo trẻ Bách Khoa là một sân chơi rất bổ ích cho những sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp. Đây cũng là sân chơi để sinh viên có thể biến những ý tưởng, những dự án trở thành hiện thực, phục vụ cho xã hội.
PGS. Huỳnh Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá, các dự án lọt vào vòng chúng kết đều thể hiện tính nghiêm túc trong nghiên cứu ứng dụng khoa học và khả năng sáng tạo mạnh mẽ của sinh viên khối kỹ thuật.
"Chúng tôi kỳ vọng các sáng tạo khoa học, kết nối tư duy đa lĩnh vực của sinh viên từ cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách khoa sẽ tiếp tục được phát triển, nuôi dưỡng bởi các dự án phát triển nghiên cứu chuyên sâu cũng như khởi nghiệp." - PGS. Huỳnh Đăng Chính nhấn mạnh.
Giải Nhất sáng tạo trẻ Bách Khoa 2020 được nhận phần thưởng 20 triệu đồng; Giải Nhì 10 triệu đồng; Giải ba 5 triệu đồng... Ngoài ra Ban tổ chức còn trao các giải sản phẩm yêu thích vòng 2, vòng 3 và vòng chung khảo.