Ngày 08/12/2022, Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup (VINIF) tổ chức Lễ công bố & sơ kết các chương trình học bổng và hợp tác đào tạo, nhằm công bố danh sách các nhà khoa học trẻ được nhận học bổng năm 2022, đồng thời, sơ kết hoạt động của các chương trình hợp tác đào tạo. Đặc biệt, tại buổi lễ, VINIF đã tổ chức tọa đàm nhằm trao đổi về tác động của chương trình hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần đặt nền móng cho ngành khoa học, công nghệ Việt Nam tiệm cận thế giới.
Sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo tập đoàn và đại diện một số trường đại học: Bà Lê Mai Lan, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup đồng Chủ tịch Hội đồng Đại học VinUni; PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội; PGS. Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc Đại học Quốc Gia Hà Nội; GS. Vũ Hoàng Linh – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS. Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn; GS. Hồ Tú Bảo - Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, GS. Vũ Hà Văn – Giám đốc khoa học Quỹ VINIF; PGS. Phan Thị Hà Dương – Giám đốc điều hành Quỹ VINIF; TS. Nguyễn Anh Thái - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ; TS. Đào Đức Minh – Tổng Giám đốc Công ty CP VinBigdata.
Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) được thành lập năm 2018 với mục tiêu đồng hành cùng các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng và tạo ra những thay đổi tích cực và bền vững cho quốc gia. Từ năm 2019 đến nay, VINIF đã triển khai 03 chương trình học bổng và hợp tác đào tạo, bao gồm Chương trình học bổng Thạc sĩ, Tiến sĩ trong nước, Chương trình học bổng sau Tiến sĩ và Chương trình Tài trợ và hợp tác đào tạo Thạc sĩ Khoa học dữ liệu.
Năm 2019, VINIF triển khai Chương trình Học bổng Thạc sĩ, Tiến sĩ trong nước với mục tiêu thay đổi tư duy và văn hóa tài trợ, đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ, kiến tạo bệ phóng cho đội ngũ trí thức trẻ, từ đó, đẩy mạnh sự phát triển của mạng lưới tri thức tại các trường, viện trên cả nước. Năm 2021, với mục tiêu thu hút đội ngũ tiến sĩ quay về nghiên cứu tại Việt Nam, VINIF là đơn vị tiên phong triển khai chương trình học bổng sau tiến sĩ. Mức tài trợ cho các chương trình học bổng là 360 triệu/năm cho bậc học sau tiến sĩ, 150 triệu/năm cho bậc học tiến sĩ và 120 triệu/năm cho bậc học thạc sĩ.
Bên cạnh các chương trình học bổng, năm 2020, Quỹ VINIF Chương trình Tài trợ và hợp tác đào tạo Thạc sĩ Khoa học dữ liệu nhằm hỗ trợ nguồn lực tài chính và công nghệ, mạng lưới tri thức và chuyên gia cho cơ sở đào tạo và học viên cao học có điều kiện học tập, nghiên cứu đạt tầm quốc tế. Kinh phí tài trợ là 2 tỷ đồng/năm trong thời gian 3 năm.
Tính đến nay, Quỹ VINIF đã tài trợ 06 đề án đào tạo Thạc sĩ liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học đầu ngành của Việt Nam, bao gồm Trường Đại học Quy Nhơn, Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Toán học – Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Viện John von Neumann – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Một tác động quan trọng của chương trình này là với sự hợp tác giữa VINIF và các viện, trường trên cả nước, hai ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo đã trở thành hai ngành mới trong danh mục đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các văn bản thỏa thuận, hợp tác, cam kết tài trợ của VINIF chính là những minh chứng rất quan trọng cho thấy việc mở ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo – đào tạo trình độ thạc sĩ là rất cần thiết. Vì vậy, năm 2020, Trường Đại học Quy Nhơn đã mở ngành thạc sĩ Khoa học dữ liệu ứng dụng và năm 2021, cũng từ các thỏa thuận và hợp tác của Quỹ VINIF, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG HCM cũng trình đề án lên Đại học Quốc gia HCM để đề nghị mở ngành Trí tuệ nhân tạo thí điểm và cũng đã được chấp thuận.
Năm nay, qua 3 vòng xét chọn của hội đồng khoa học, VINIF đã trao 360 suất học bổng, tổng giá trị 62 tỷ đồng cho 150 học viên cao học, 150 nghiên cứu sinh và 60 tiến sĩ xuất sắc thuộc 13 khối ngành. Đây là năm thứ 4 liên tiếp, Vingroup trao học bổng thạc sĩ, tiến sĩ trong nước và năm thứ hai trao học bổng sau tiến sĩ, nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực khoa học chất lượng cao cho đất nước. Đây đều là những nhà khoa học trẻ xuất sắc, với tổng cộng hơn 2600 công bố trên trên tạp chí, hội nghị trong nước và quốc tế uy tín, gần 200 giải thưởng nghiên cứu khoa học cấp quốc gia. Đặc biệt, trong số đó, có 24 thủ khoa tốt nghiệp đại học, 13 ứng viên được chuyển tiếp từ bậc đại học lên tiến sĩ và 38 tiến sĩ bảo vệ luận án ở nước ngoài.
Sau 4 năm triển khai, Quỹ VINIF đã tài trợ 1150 học bổng với tổng giá trị gần 180 tỷ đồng cho học viên cao học, nghiên cứu sinh và tiến sĩ xuất sắc. Trong đó, nhiều nhà khoa học trẻ đã hoàn thiện chương trình, xây dựng thành công nghiên cứu cấp quốc gia, quốc tế và góp phần tạo ra các sản phẩm hữu ích xã hội: 520 bài báo được công bố trên tạp chí trong nước và quốc tế uy tín, 250 bài báo tại hội thảo trong nước và quốc tế, 10 bằng sáng chế và hơn 110 giải thưởng nghiên cứu khoa học khác. Đây là minh chứng khẳng định sức hút, uy tín và tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của VinIF đối với cộng đồng khoa học - công nghệ Việt Nam.
Trong khuôn khổ Lễ công bố & sơ kết các chương trình học bổng và hợp tác đào tạo năm 2022, VINIF cũng tổ chức buổi tọa đàm với sự tham gia của lãnh đạo một số trường đại học: PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội; PGS. Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc Đại học Quốc Gia Hà Nội; PGS. Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn; GS. Hồ Tú Bảo - Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán; GS. Vũ Hà Văn – Giám đốc khoa học Quỹ VINIF và PGS. TSKH Phan Thị Hà Dương – Giám đốc điều hành Quỹ VINIF. Các đại biểu tham gia tọa đàm tập trung trao đổi về tác động của chương trình hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần đặt nền móng cho ngành khoa học, công nghệ Việt Nam tiệm cận thế giới.
PGS. TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa Hà Nội khẳng định: Đại học Bách Khoa luôn đổi mới và sáng tạo để thu hút các bạn sinh viên và tạo môi trường để các nhà khoa học trẻ được sáng tạo tốt nhất. Với sự đồng hành của VINIF, chương trình Thạc sĩ liên kết của Đại học Bách Khoa đã xây dựng được những mô hình kết nối và hình thành các nhóm nghiên cứu để cùng nhau chia sẻ những ý tưởng mới, góp phần đẩy mạnh nền tảng của Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo của Việt Nam và tạo ra những sản phẩm hữu ích cho cộng đồng.
GS. Hồ Tú Bảo - Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán cho rằng : Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo ngày càng đóng vai trò quan trọng nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng để chúng ta suy nghị. Sự bùng nổ của công nghệ đòi hỏi chúng ta phải phát triển hệ thống nhận thức để sử dụng và phát huy cho đúng công nghệ.
PGS. Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Đại học Quốc Gia Hà Nội chia sẻ : Nghiên cứu cơ bản rất cần được hỗ trợ và có các phương pháp khuyến khích. Tôi đã ấp ủ những ý tưởng về việc tài trợ cho các sinh viên theo đuổi khoa học cơ bản ở những cơ sở uy tín, có như thế chúng ta mới giữ cho nền học thuật của nước nhà có chân đế và vững mạnh. Hiện nay các Trường đại học và các bộ đang muốn xây dựng các quy chế để hỗ trợ các tài năng trẻ, kinh phí thì có thể có nhưng một cơ chế hiệu quả là điều đáng suy nghĩ. Chính các chương trình của Quỹ, với các quy chế rất khoa học, bài bản và có hiệu quả thực tế là một ví dụ để các cơ quan nhà nước tham khảo và qua đó thấy rằng nếu chúng ta muốn làm thật, thì chúng ta có thể làm. Đây cũng là một cách để thúc đẩy các cơ quan nhà nước xây dựng các quy chế của mình để thực sự hỗ trợ cho các tài năng trẻ của đất nước.
PGS. TS. Đỗ Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn cho biết : Trước năm 2022, ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo chưa có mã ngành trong danh mục của Bộ Giáo dục & Đào tạo và chỉ là chuyên ngành trong các ngành khác. Để mở ngành, một trong các yêu cầu bắt buộc là phải có sự phối hợp và hợp tác với doanh nghiệp, vì vậy với sự đồng hành của VINIF, chúng tôi đã mở được ngành đào tạo Thạc sĩ Khoa học dữ liệu ứng dụng vào năm 2020 và tháng 7 vừa qua, hai ngành này đã trở thành hai ngành mới trong danh mục đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.”
GS. Vũ Hà Văn, Giám đốc khoa học Quỹ VINF nhận định : Việt Nam đang đứng trước cơ hội hội nhập cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Sự hội nhập ấy cần nguồn lực về con người và tri thức là chính. Để có được điều đó chúng ta cần một bệ phóng vững chắc để đội ngũ nghiên cứu trẻ chuyên tâm phát triển ngay trong nước. Và đó chính là mục tiêu của VINIF khi triển khai các chương trinh học bổng trong bốn năm qua. Với những nỗ lực dài hạn và bền bỉ, Quỹ VINIF đã xây dựng được một câu lạc bộ VINIF Alumni với hơn 1000 nhà khoa học trẻ đã nhận học bổng của VINIF, kỳ vọng sẽ góp phần tạo lập một văn hóa nghiên cứu khoa học sáng tạo, đạt chuẩn mực quốc tế cao.
GS. Vũ Hà Văn, Giám đốc khoa học Quỹ VINF – Quỹ VINIF không chỉ là hỗ trợ cho các nhà khoa học trẻ về mặt tài chính mà còn tạo tiền đề khuyến khích các học viên đi sâu làm nghiên cứu, đồng thời chúng tôi mong muốn đẩy mạnh văn hóa làm việc trung thực và văn minh trong khoa học. Điều này được thể hiện qua quá trình xét duyệt nhanh gọn và minh bạch, hay việc không chấp nhận các bài báo được đăng trong các tạp chí chất lượng thấp trong quá trình nghiệm thu. Mong rằng văn hoá đó sẽ được các nhà khoa học trẻ, những người quản lý của tương lai, tiếp thu và phát triển.
Theo PGS. TSKH Phan Thị Hà Dương, Giám đốc điều hành Quỹ VINIF: Khi xây dựng các chương trình của Quỹ, chúng tôi xuất phát từ mong muốn tạo điều kiện tốt nhất để các bạn học viên chuyên tâm học tập và nghiên cứu, và hơn thế làm nghiên cứu theo các chuẩn mực khoa học nghiêm túc và thực chất. Chúng tôi rất vui mừng khi được thấy ý kiến của các chuyên gia về việc các chương trình của Quỹ đã có những tác động tích cực đến chính sách của nhiều trường. Chúng tôi cũng ghi nhận các ý kiến về việc mở rộng các chương trình sang cho học bổng cho sinh viên, hay học bổng cho các khối ngành khác để có thể tìm hiểu việc mở rộng chương trình cho Quỹ. Cần nhấn mạnh rằng các chương trình của Quỹ luôn muốn xuất phát từ nhu cầu phát triển của đất nước, và nó đã luôn có các thay đổi và mở rộng theo các năm.