Ngày 3/3, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị Tuyển sinh năm 2023.

Năm 2022, chỉ tiêu tuyển sinh đại học trong toàn hệ thống là hơn 625 nghìn. Các cơ sở đào tạo tuyển được 521.263, đạt 83,39%. Có 194 trường có tỷ lệ nhập học đạt trên trên 80% so với chỉ tiêu và chiếm 79,42% tổng số nhập học của toàn quốc.

Việc ứng dụng triệt để các giải pháp công nghệ thông tin trong xét tuyển theo đánh giá của Bộ GD-ĐT đã tạo thuận lợi cho thí sinh trong việc đăng ký xét tuyển, đồng thời được bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất vào ngành, trường theo nguyện vọng và năng lực.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, so với nhiều năm trước đây, công tác thi và tuyển sinh đã trở nên nhẹ nhàng, giảm bớt áp lực, giảm tốn kém cho xã hội, ngày càng công bằng hơn, tạo cơ hội thuận lợi lựa chọn các ngành học tốt nhất cho thí sinh.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT rất quan tâm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm, để vừa đảm bảo mục tiêu đánh giá việc dạy và học của các trường THPT, xét quá trình học tập và tốt nghiệp của các em học sinh phổ thông mà còn là căn cứ để các trường đại học, cao đẳng xét tuyển.

“Các trường đại học xây dựng các phương thức xét tuyển khác nhau, tổ chức các hình thức thi đánh giá năng lực, thi đánh giá tư duy, thi năng khiếu, xây dựng các tiêu chí xét tuyển, công bố điều kiện, phương thức xét tuyển, và phối hợp với nhau xét tuyển chung trong hệ thống để bảo đảm tính công bằng, sự tin cậy, bình đẳng trong hệ thống, tạo cơ hội tốt nhất cho người học”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng thừa nhận, bên cạnh các kết quả đã đạt được, công tác tuyển sinh đại học vẫn còn những sai sót, bất cập, cần phải nhìn nhận, đánh giá thấu đáo, bởi mỗi sai sót nhỏ có thể tác đông rất lớn đến toàn hệ thống.

Một trong những bất cập trong công tác tuyển sinh năm 2022 đó là việc các trường đặt ra quá nhiều phương thức tuyển sinh. Và trên thực tế, kết quả tuyển sinh của một số phương thức xét tuyển chưa hiệu quả, số thí sinh nhập học rất ít so với chỉ tiêu cũng như trong tổng số thí sinh nhập học.

Đơn cử như năm 2022 không có thí sinh nào nhập học bằng phương thức phỏng vấn. Trong khi số thí sinh trúng tuyển và nhập học bằng phương thức xét kết quả học tập THPT kết hợp phỏng vấn cũng chỉ chiếm 0,01% tổng số thí sinh nhập học.

Năm 2023, Bộ GD-ĐT khẳng định công tác tuyển sinh về cơ bản giữ ổn định như năm 2022, trong đó để tạo sự công bằng cho tất cả thí sinh mà vẫn đảm bảo ưu tiên cho thí sinh ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa nơi điều kiện học tập còn nhiều hạn chế, năm nay Bộ GD-ĐT thực hiện điều chỉnh chính sách ưu tiên khu vực.

Cụ thể, chính sách ưu tiên trong tuyển sinh vẫn được giữ nguyên cho 4 khu vực như trước đây. Mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 là 0,75; khu vực 2 - nông thôn là 0,5; khu vực 3 không được tính điểm ưu tiên. Tuy nhiên điểm ưu tiên sẽ giảm dần khi thí sinh đạt tổng điểm 3 môn ở mức khá giỏi tính từ mốc 22,5 điểm trở lên.

Về phương thức tuyển sinh, PGS. TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) đề nghị các cơ sở đào tạo phân tích, thống kê kết quả của các phương thức xét tuyển; đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo các phương thức xét tuyển...

"Cần loại bỏ các phương thức xét tuyển không hiệu quả; có phương án xét tuyển để đảm bảo công bằng giữa các phương thức. Phải công bố đúng, đủ, chính xác thông tin thí sinh trúng tuyển sớm theo quy định; nghiên cứu sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT làm điều kiện sơ tuyển…:", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, năm 2023 dự kiến Bộ GD-ĐT sẽ rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1. Theo đó, trước 17 giờ ngày 4/7, các trường hoàn thành công tác xét tuyển sớm và thông báo kết quả cho thí sinh; Từ ngày 5/7 đến 17 giờ ngày 25/7, thí sinh thực hiện đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển; Trước 17 giờ ngày 14/8, các trường hoàn thành công bố thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1; Trước 17 giờ ngày 30/8, các trường hoàn thành xác nhận nhập học trực tuvến đợt 1 trên hệ thống.

Về mặt kỹ thuật, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, năm 2023, Bộ GD-ĐT tiếp tục nâng cấp hệ thống áp dụng công nghệ để hạn chế các nhầm lẫn của thí sinh; tăng cường một số giải pháp nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh, hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá tình đăng ký xét tuyển, đơn giản hoá giao diện đăng ký xét tuyển.

“Dự kiến thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống chỉ theo mã xét tuyển/ngành đào tạo mà không cần đăng ký phương thức xét tuyển. Điều này để tránh sự nhầm lẫn mà vẫn đảm bảo thí sinh có thể trúng tuyển ngành học ưu tiên của mình", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.