PGS.TS Ngô Thành Can, giảng viên cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia cho hay, trong Luật Viên chức, người lao động được phân thành các hạng. Để được xếp vào ngạch, hạng cụ thể, người lao động phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn nhất định nào đó nằm trong ngạch, hạng đó. Mỗi ngạch, hạng có tiêu chí khác nhau. Ví dụ, ở bậc đại học, giảng viên sẽ có yêu cầu khác với giảng viên chính, giảng viên chính yêu cầu khác với giảng viên cao cấp.

Cụ thể, nếu là giảng viên cao cấp thì phải có trình độ lý luận chính trị cao cấp, có chứng chỉ bồi dưỡng hạng cao cấp... Trong khi đó giảng viên bình thường thì không cần. "Nếu nói là biết rồi không cần phải qua những lớp bồi dưỡng chứng chỉ nghề nghiệp nữa là chủ quan. Anh là giáo viên dạy giỏi, dạy tốt nhưng vẫn phải yêu cầu chuẩn các điều kiện về vị trí việc làm." - PGS.TS Ngô Thành Can nhấn mạnh.

Trước băn khoăn của không ít giáo viên phổ thông cho rằng, những kiến thức được trình bày tại các lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp không mới, thậm chí có những kiến thức đã được học đi học lại, PGS. TS Ngô Thành Can cho rằng, giáo viên nghĩ rằng hàng ngày lên lớp dạy Văn-Toán-Lý-Hóa... đảm bảo đủ kiến thức và dạy giỏi là được rồi. Nhưng ở vị trí của người giáo viên, họ phải biết được hệ thống quản lý nhà nước là gì? Hệ thống mà anh đang làm việc tại nhà trường “dọc ngang" thế nào? Khi cần thiết thì phải biết những cơ quan nào liên quan đến cơ quan nào? "Cái này không thể nói là không cần thiết. Không thể nói làm một giảng viên, một giáo viên của hệ thống ấy lại không biết và nếu không được đào tạo thì không thể biết được" - PGS.TS. Ngô Thành Can nêu quan điểm.

Tuy nhiên, PGS.TS Ngô Thành Can cũng thừa nhận, việc vận dụng quy định về chuẩn chức danh nghề nghiệp ở nơi này, nơi kia còn quá đi vào chi tiết, vụn vặt. Ví dụ yêu cầu về ngoại ngữ. Đối với một người ở vị trí việc làm không yêu cầu cao lắm thì chỉ cần yêu cầu trình độ ngoại ngữ cơ bản. Nhưng nếu làm ở vị trí đối ngoại, làm công việc liên quan nước ngoài thì bắt buộc ngoại ngữ phải giỏi.

Thực tế hiện nay đang đặt ra yêu cầu hơi cao và cứng nhắc dẫn đến những bức xúc của người lao động trong đó có giáo viên. Và chính từ phản ánh của giáo viên mà Bộ GD&ĐT và Bộ nội vụ cũng đã có sự thỏa thuận, thống nhất về việc không yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với giáo viên.

TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, ông từng được mời đi giảng bài tại các lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cho đối tượng là giảng viên đại học. Ông cho rằng, việc giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng này là cần thiết. Nhưng vấn đề là nội dung học như thế nào?

Thực tế khi tham gia giảng bài cho các lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, TS. Lê Viết Khuyến nhận thấy có nhiều nội dung trùng lặp và không thiết thực và đây chính là điều đáng nói. Ví dụ có những nội dung lớp bồi dưỡng chức danh Giảng viên hạng 3 đã học rồi nhưng khi bồi dưỡng Giảng viên hạng 2 lại học, thậm chí kiến thức này còn lặp lại ở lớp bồi dưỡng Giảng viên hạng 1.

TS. Lê Viết Khuyến cũng cho hay, quy định bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp là do Bộ nội vụ quy định chung đối với viên chức của tất cả các ngành, các lĩnh vực, không riêng gì ngành giáo dục (theo Luật viên chức). Do vậy, Bộ Nội vụ cần xem xét lại quy định này, việc mở các lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp phải thực chất chứ không nên hình thức và nặng đối phó như hiện nay.