Suốt gần 7 tháng qua, tất cả trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đóng cửa trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Trường mầm non thực hành Hoa Thủy Tiên, trực thuộc trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương không là ngoại lệ. Trừ giai đoạn thành phố thực hiện giãn cách, còn hằng ngày Ban giám hiệu và các giáo viên vẫn phân công nhau đến trường chăm sóc khuôn viên sân chơi, lớp học mong ngày đón học sinh đi học trở lại.

Cô Trương Thị Minh Phượng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết việc thực hiện tập huấn chuyên môn cũng như sáng tạo các hình thức khác nhau nhằm tạo kết nối giữa cô trò vẫn được duy trì đều đặn. “Nghỉ lên lớp thôi nhưng các cô vẫn tham gia các lớp đào tạo trực tuyến, nâng cao chuyên môn. Có học sinh nhớ cô, nhớ trường vẫn được bố mẹ bế đến cửa đứng nhìn vào. Có khi cô trò gọi điện nói chuyện với nhau, cô trò đều muốn đến lớp, mình thấy thương ghê.”

Là trường công lập tự chủ một phần, lương giáo viên phần lớn vẫn từ nguồn học phí. Dịch bệnh kéo dài, giáo viên ở mầm non thực hành Hoa Thủy Tiên vẫn hơn nhiều đồng nghiệp khối ngoài công lập khi vẫn được hưởng phần lương cơ bản từ nỗ lực của ban giám hiệu dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương đến hết tháng 9 vừa rồi.

Tuy nhiên, giáo viên nghỉ dạy nên sẽ không được hưởng phụ cấp đứng lớp. Lương giáo viên mầm non theo ngạch bậc lại quá thấp nên đời sống giáo viên thực sự gặp khó khăn. Thông tin về trích quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116 hỗ trợ lao động bị ảnh hưởng do đại dịch được nhà trường tiếp nhận và ngay lập tức triển khai thống kê danh sách với mong muốn góp phần ổn định đời sống cho giáo viên.

Cô giáo Trần Thị Thu Hà, người đã có thâm niên gần 20 năm công tác, lại trực tiếp tham gia công tác công đoàn nhà trường nên chị hiểu rõ những thách thức, khó khăn đặt ra với giáo viên mầm non, đặc biệt giáo viên thuộc diện hợp đồng.

Giọng cô Hà càng lúc càng nghẹn ngào khi “chưa bao giờ chứng kiến nghề rơi vào tình trạng như hiện nay”. Mức lương hơn 5 triệu của giáo viên có thâm niên nghề cũng đã dừng từ gần 3 tháng nay, trong khi rất nhiều giáo viên trẻ, đa phần từ các địa phương khác lên Hà Nội làm việc đã phải chuyển sang nhiều hình thức lao động khác từ bán hàng online, làm công việc thời vụ mới mong trụ được tới ngày được trở lại trường cùng các con.

Chấm dứt hợp đồng để nhận bảo hiểm thất nghiệp là điều các cô không mong muốn bởi sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới cả quãng thời gian dài cống hiến cho ngành giáo dục. Với việc nhà trường thống kê và lên danh sách để giáo viên được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 116 hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng do đại dịch từ nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

“Mọi người nghĩ khoản tiền đó không đáng bao nhiêu nhưng trong hoàn cảnh hiện nay rất đáng quý, để ít nhất thấy rằng giáo viên mầm non được quan tâm và không bị bỏ rơi. Trường mình đa phần giáo viên ở các tỉnh lên, dịch thì nghỉ nhưng tiền nhà, tiền sinh hoạt phí vẫn phải dùng. Một cô hiệu phó trong trường đã để giáo viên đến ở nhờ để bớt khoản tiền thuê nhà. Thực sự hi vọng khoản tiền nhỏ sẽ đến tay các cô kịp thời”, cô Hà chia sẻ.

“Chúng tôi đang sống bằng niềm tin với nghề” là chia sẻ của cô giáo Phạm Thị Tâm, đồng nghiệp và cũng có thời gian công tác dài như cô Thu Hà. Nguồn hỗ trợ theo dự kiến sẽ đến với các cô dẫu không thấm vào đâu so với nhu cầu cuộc sống nhưng cô Tâm cho rằng sẽ có ý nghĩa lớn: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Giáo viên mầm non với đặc thù công việc dạy trẻ dưới 5 tuổi nên thuộc diện vất vả nhất, thu nhập lại thấp nhất. Và dưới tác động của dịch bệnh kéo dài, đời sống của họ còn khó khăn gấp bội khi thậm chí còn không có cả lương cơ bản. Nguồn hỗ trợ trích từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến được với giáo viên mầm non sớm ngày nào sẽ tăng cơ hội giữ chân giáo viên mầm non tâm huyết ở lại với nghề, sẵn sàng đón trẻ khi dịch bệnh được kiếm soát.

Mời các bạn bấm nút để nghe nội dung