Thí sinh đứng ngồi không yên vì các kỳ thi IELTS bị tạm dừng
Trần Đoàn Hải Yến, học sinh lớp 12 (Cầu Giấy, Hà Nội) luyện IELTS suốt một năm nay. Chỉ trước ngày thi vài hôm, Yến nhận được email của Hội đồng Anh về việc tạm hoãn tất cả các kỳ thi IELTS kể từ ngày 10/11. Thông báo đột ngột này của Hội đồng Anh khiến em không khỏi ngỡ ngàng.
“Việc lịch thi tạm thời bị hủy khiến em khá lo lắng vì kế hoạch của em là lấy được chứng chỉ IELTS từ 6.0 trở lên ngay trong học kỳ 1 năm học này. Bởi ra tết em sẽ phải tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT”, Hải Yến lo lắng.
Để tham gia cuộc đua chứng chỉ IELTS, gia đình của Yến lựa chọn một trung tâm “xịn” với số tiền bỏ ra trong suốt một năm qua ngót nghét hơn 60 triệu đồng. Tuy nhiên, em cho biết, việc sở hữu chứng chỉ IELTS trong bối cảnh xét tuyển hiện nay rất quan trọng.
“Hầu hết các trường đại học top đầu đều dành chỉ tiêu đáng kể xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Nên chi phí để luyện thi IELTS khá đắt đỏ nhưng bố mẹ vẫn quyết đầu tư. Nếu có được chứng chỉ IELTS 6.5 trở lên cơ hội trúng tuyển đại học khá rộng mở”, Hải Yến nói.
Luyện thi IELTS không chỉ nhằm xét tuyển vào các trường Đại học Việt Nam, Vũ Quang Việt, học sinh lớp 12 (Đống Đa, Hà Nội) chăm chỉ luyện thi IELTS còn nhằm làm đẹp CV xin học bổng du học nước ngoài. Trước đây, Việt đã thi IELTS lần một với kết quả 6.5. Mục tiêu em hướng tới là từ 7.5-8.0.
“Em rất lo lắng không biết việc tạm dừng thi IELTS này sẽ kéo dài bao lâu vì đối với học sinh lớp 12 không còn nhiều thời gian. Em rất cần sớm chứng chỉ IELTS để upline xin học bổng du học nước ngoài. Vì sau tết nguyên đán đã phải bắt đầu upline hồ sơ rồi”, Việt chia sẻ.
Những ngày qua, hệ thống trung tâm The IELTS Workshop chuyên luyện thi IELTS của anh Đặng Trần Tùng liên tục nhận được sự phản hồi lo lắng của học viên đang luyện thi IELTS.
Anh Tùng cho biết, về phía trung tâm không có ảnh hưởng gì nhiều nhưng về phía học viên thì rõ ràng có sự lo lắng vì nhiều bạn chỉ chờ ngày thi thôi.
Mỗi năm, trung tâm The IELTS Workshop đón nhận từ 30-35 nghìn người học, chủ yếu tham gia luyện thi IELTS ở khu vực Hà Nội, Bắc Ninh và TP. Hồ Chí Minh.
Chia sẻ về một số hoài nghi về tính minh bạch của các kỳ thi IELTS, anh Đặng Trần Tùng cho biết, hiện nay trên mạng xã hội không thiếu các thông tin về mua bán đề hay thi hộ... tuy nhiên, anh chưa từng chứng kiến một thí sinh nào nhờ gian lận mà có thể thi đạt chứng IELTS.
“Là người đã trải nghiệm thi IELTS hai lần, mình nhận thấy quá trình thi rất nghiêm túc. Việc kiểm soát hành vi của thí sinh trong phòng thi rất chặt chẽ. Và nếu như có hiện tượng tiêu cực nào đó xảy ra chắc chắn chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ", anh Đặng Trần Tùng nói.
Siết chặt tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sẽ đảm bảo quyền lợi người học
Không chỉ việc thi, cấp chứ chỉ IELTS mà trong những ngày qua, hàng loạt cơ sở liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài TOIC, TOELF, năng lực tiếng Hàn, tiếng Nhật… cũng phải tạm dừng tổ chức thi. Việc tạm dừng này theo lý giải của các đơn vị là nhằm hoàn thiện các thủ tục đáp ứng theo các quy định Thông tư 11 năm 2022 của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 26/7/2022 về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.
Xét về mặt quản lý nhà nước, thầy giáo Đinh Đức Hiền (Hà Nội) cho rằng, việc tạm dừng tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài để đảm bảo các yêu cầu các quy định của pháp luật là điều cần thiết.
“Khi các đơn vị liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài phải hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật sẽ góp phần đảm bảo chất lượng, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người học”, thầy Hiền nói.
Tuy nhiên, thầy giáo Hiền cũng cho rằng cách làm của Bộ GD-ĐT có phần hơi gấp gáp khiến cho các đơn vị, tổ chức rơi vào thế bị động. Bộ GD-ĐT cần có thông báo rõ ràng về gia hạn, thời gian hoàn thiện hồ sơ bởi lẽ hầu hết các đơn vị không phải được cấp mới mà vốn đã được cấp phép tổ chức thi, cấp chứng chỉ; học viên cũng đang theo học nhiều năm nay rồi. Việc phải tạm dừng đột ngột như thế này sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến kế hoạch thi và sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế vào các mục đích khác nhau.
Liên quan đến chất lượng tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài, thầy giáo Đinh Đức Hiền nhận thấy, nhu cầu luyện thi các chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEIC, APTIS… rất lớn. Đặc biệt hiện nhiều trường đại học sử dụng các chứng chỉ này làm căn cứ để xét tuyển. Vì vậy thị trường luyện, thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế ngày một “nóng”.
“Các kỳ thi tiếng Anh, các kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và tình trạng liên kết giữa các trung tâm trên phạm vi cả nước đang nở rộ và có phần mất kiểm soát. Do vậy càng phải siết chặt công tác quản lý nhà nước để đảm bảo chất lượng là rất cần thiết”, thầy Hiền nói.
Trước đó, trao đổi báo chí ngày 10/11, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam chủ yếu tuân thủ theo quy định của đối tác nước ngoài, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về điều kiện, tiêu chí liên kết tổ chức thi của Việt Nam (về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ cán bộ coi thi, giám sát...) dẫn đến một số tiêu cực mà báo chí trong và ngoài nước đã phản ánh như: thi hộ, gian lận trong hồ sơ, giả mạo giấy tờ....
Những tiêu cực này gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người được cấp chứng chỉ, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các tổ chức triển khai thi, cấp chứng chỉ nghiêm túc...
Ngày 11/11/2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành Quyết định số 3646 về việc phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Aptis giữa Công ty TNHH British Council (Việt Nam), Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Giáo dục Việt Nam, Công ty Cổ phần Truyền thông giáo dục và thời đại, Công ty TNHH ETE Việt Nam, Công ty TNHH Công nghệ và Phát triển giáo dục thời đại và Hội đồng Anh (Vương quốc Anh).
Như vậy Aptis là chứng chỉ đầu tiên của Hội đồng Anh được cấp phép liên kết tổ chức thi sau khi thực hiện Thông tư 11 quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.
Bấm nghe chương trình: