Giáo dục phải được đầu tư thích đáng để quá trình “học thật” có thể diễn ra

Bàn về vấn đề “Học thật, thi thật, nhân tài thật” trong chương trình Diễn đàn VOV2 (Đài Tiếng nói Việt Nam), PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục) cho rằng, có nhiều nguyên nhân cản trở việc “học thật, thi thật”. Trong đó, nổi bật là căn bệnh thành tích, sự đầu tư chưa thực sự thích đáng cho giáo dục và việc sử dụng nhân tài đang phụ thuộc quá nhiều vào bằng cấp, thành tích.

Đơn cử như trong những nghiên cứu của mình, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nhận thấy, để công nhận một xã đạt chuẩn nông thôn mới thì bắt buộc phải có thành tích về giáo dục. Để đạt được tiêu chí này, nhiều địa phương thay vì tập trung đầu tư vào quá trình phát triển giáo dục lại hối thúc các trường làm thế nào để đạt được thành tích.

“Cần phải thay đổi tư duy về chất lượng giáo dục không dựa trên thành tích mà phải dựa trên việc thực thi các chính sách giáo dục, đầu tư các điều kiện để học thật, dạy thật có thể diễn ra.” – PGS.TS Chu Cẩm Thơ nhấn mạnh.

Để giải bài toán “thành tích” trong giáo dục, PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, phương pháp, kỹ thuật đánh giá học sinh cần phải thay đổi. Bấy lâu nay chúng ta quan tâm đánh giá đầu ra, đánh giá dựa trên các kỳ thi. Bây giờ cần phải tập trung vào đánh giá thường xuyên, đánh giá quá trình học tập.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã tiếp cận cách đánh giá này. Nhưng việc thực hiện không phải là điều dễ dàng. Một bộ phận không nhỏ (cán bộ, giáo viên, phụ huynh...) vẫn mong muốn đánh giá học sinh dựa vào một kỳ thi cuối cùng. Thi cử phải gắt gao mới là công cụ quan trọng để thực thi tính kỷ luật, nghiêm minh trong quá trình dạy học.

Tuy nhiên, để quá trình “học thật, thi thật” diễn ra thực chất, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nhấn mạnh cần phải có một sự đầu tư thích đáng để chắc chắn “học thật” có thể diễn ra. “Học thật” theo lý giải của PGS.TS Chu Cẩm Thơ không hẳn là giải quyết câu chuyện “không trung thực” mà cần cần phải nhận thức rộng hơn là việc không đủ các điều kiện để tiến hành đầy đủ các hoạt động học tập dẫn đến việc “học chay”, “dạy chay”. Việc phải “học chay” sẽ tạo điều kiện cho sự gian dối trong quá trình dạy và học.

“Nhiều trường vẫn còn đang “đói” việc học đầy đủ, “đói” những nội dung giáo dục. Chúng ta mới chỉ quan tâm tới một số môn học chính, mới chỉ quan tâm tới những gì liên quan đến thi cử mà quên mất rằng giáo dục đòi hỏi phải đầu tư thực sự đầy đủ nội dung học sinh cần học.” – PGS.TS Chu Cẩm Thơ bày tỏ.

Do vậy, theo PGS. TS Chu Cẩm Thơ, cần xây dựng hệ sinh thái giáo dục ở trong mỗi trường học. Cần phải thúc đẩy xã hội học tập và tạo động lực học tập đó cho toàn bộ hệ thống chứ không phải trên đầu mỗi em học sinh.

Và cuối cùng, theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ cần có chế tài để đảm bảo minh bạch chất lượng giáo dục, sự đầu tư giáo dục và ngay cả kết quả giáo dục. Sự minh bạch này phải là sự minh bạch trong quá trình chứ không phải minh bạch ở một thời điểm.

“Nếu chúng ta minh bạch các chỉ tiêu, tiêu chí, chỉ số về giáo dục ở mỗi địa phương thì tôi tin chắc đây sẽ là biện pháp kỹ thuật rất tốt để đánh giá và giám sát lẫn nhau khi chúng ta thực hiện quá trình giáo dục chứ không phải là nói trên tinh thần tự nguyện hay tự giác.” – PGS.TS Chu Cẩm Thơ nhấn mạnh.

Mọi sự vội vã đều phải trả giá

Đánh giá cao tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về “học thật, thi thật, nhân tài thật”, thầy giáo Trần Trung Hiếu, giáo viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An khẳng định, đây là vấn đề cốt lõi của mọi vấn đề trong quá trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục - đào tạo cũng như triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Tuy nhiên, để thực hiện được tư tưởng chỉ đạo của thủ tướng Chính phủ, theo thầy Trần Trung Hiếu, cần phải thay đổi về tư duy nhận thức, phải dám học thật, dám thi thật để hạn chế dần căn bệnh thành tích trong giáo dục.

Thứ hai, "học thật, thi thật" không chỉ là trách nhiệm của thầy giáo, cô giáo, của ngành giáo dục - đào tạo mà cả hệ thống chính trị phải vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương tới địa phương.

Và thứ ba, thầy Trần Trung Hiếu cho rằng, chủ trương “học thật, thi thật, nhân tài thật” không thể nóng vội, ngày một ngày hai mà phải từ từ, dần dần và có lộ trình. Vì trong giáo dục, mọi sự vội vã đều phải trả giá.