Ngày 16/5/2022, Trường Đại học Lâm Nghiệp đã phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức Hội thảo “Định hướng phát triển Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo Lâm Nghiệp giai đoạn 2022-2030”. Đây là 1 trong chuỗi sự kiện chào mừng ngày Khoa học công nghệ Việt Nam (18/5).

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam, ngài Keijo Norvanto, Tham tán khoa học Đại sứ quán Italia GSTS Marco Abbiati, Giám đốc DAAD tại Việt Nam ngài Stefan Hase Bergen và nhiều đồng chí lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo triển khai chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt năm 2021.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Thời gian qua ngành lâm nghiệp đã đạt nhiều thành tựu ấn tượng: đạt 42% diện tích che phủ rừng, đạt xuất siêu 13 tỷ đô la Mỹ. Việc thu phí dịch vụ môi trường rừng đã đem lại khoản thu 3200 tỷ đồng tương đương trên 150 triệu đô la Mỹ. Con số xuất siêu mà ngành lâm nghiệp có được là kỳ tích kinh tế trong bối cảnh đại dịch covid 19 khiến nhiều ngành kinh tế khác lao đao.

Thứ trưởng khẳng định: Ngành Lâm nghiệp có được thành tựu đó là nhờ ứng dụng khoa học công nghệ trong đó phải kể đến vai trò của các nhà khoa học đã có những đóng góp to lớn cho lĩnh vực trồng, chế biến các sản phẩm Lâm nghiệp.

Nhận thức sớm về các vấn đề bảo vệ đa dạng sinh học, phát triển bền vững … các nhà khoa học ở trường ĐH Lâm Nghiệp và Viện Khoa học Lâm nghiệp đã phối hợp với nhiều doanh nghiệp tổ chức nhiều đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao đã góp phần bảo vệ và phát triển rừng tạo nguồn nguyên liệu cho đầu vào sản xuất sản phẩm Lâm Nghiệp. Cũng nhờ có khoa học công nghệ , hệ thống sản xuất, chế biến ngày càng hiện đại đã giúp cho sản phẩm đầu ra ngày càng chất lượng, chi phí giảm, tiếp cận được nhiều thị trường trong nước và quốc tế.

Thứ trưởng lo ngại: Trong điều kiện địa dư ngày càng bị thu hẹp, nếu chúng ta không chủ động chuẩn bị các điều kiện cho sự phát triển trong thời gian tới thì việc phát triển Lâm nghiệp sẽ vô cùng khó khăn nếu không có sự giúp sức mạnh mẽ của khoa học công nghệ.

Tại Hội thảo, đại diện Vinafor ( Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam ) cho biết :” Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 Vinafor sẽ tăng cường đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, quản lý điều hành và ưu tiên những lĩnh vực công nghệ mang tính đột phá. Cụ thể: ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ gen trong việc chọn, tạo, sản xuất giống mới vào trồng rừng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây rừng, giải quyết dịch bệnh, kinh doanh rừng một cách hiệu quả và bền vững. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, robot và tự động hóa trong chế biến gỗ. Bên cạnh đó ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác, sử dụng hiệu quả sàn thương mại điện tử, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, quảng bá, tiếp thị, giới thiệu, bán sản phẩm ra thị trường quốc tế …”

Từ thực tế sản xuất và nghiên cứu, Vinafor cũng đề xuất với Nhà nước, Bộ NN& PTNT, các đơn vị nghiên cứu về lĩnh vực này một số vấn đề: Cần đầu tư nghiên cứu để có bộ giống cây rừng năng suất cao, đa dạng chủng loài, có khả năng kháng sâu bệnh tốt, trong đó ưu tiên nghiên cứu tạo giống gỗ lớn, cây bản địa, lâm sản ngoài gỗ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông tin, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giống gốc cho các đơn vị sản xuất giống, đặc biệt kỹ thuật nhân giống bằng công nghệ mới, có các mô hình giống tốt phối hợp với kỹ thuật lâm sinh tiên tiến phù hợp để nhân rộng. Bên cạnh đó cần có cơ chế chính sách tăng cường gắn kết giữa nghiên cứu và sản xuất ( mô hình viện- trường, viện nghiên cứu và doanh nghiệp ). Cần có chính sách hỗ trợ để thu hút sinh viên theo học các chuyên ngành chính về lâm nghiệp, thu hút sinh viên ra trường về làm các đơn vị gắn bó với ngành Lâm nghiệp. Cần nghiên cứu các vấn đề Khoa học công nghệ áp dụng trong sản xuất lâm nghiệp để giải quyết bài toán lao động khi tỷ lệ lao động cao mà thu nhập lại thấp thì khó thu hút được lao động.

Một số hình ảnh tại Hội thảo: