Trong cuộc sống khi gặp một sự việc thú vị, hài hước, chúng ta thường có câu cửa miệng "Buồn cười quá", "cái này buồn cười thật đấy". PGS.TS Nguyễn Thị Phương Thùy, giảng viên Khoa Ngôn ngữ học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng từ “buồn” chỉ trạng thái tiêu cực về tâm lí với các mức độ khác nhau khi kết hợp. Ví dụ như buồn rầu, buồn rười rượi, buồn nẫu ruột.
Tuy nhiên “buồn cười” lại thuộc một tổ hợp từ khác biệt. Thông thường “buồn” gắn với trạng thái tiêu cực và “cười” thể hiện trạng thái tích cực. Thoạt nhìn đây có thể xếp vào hai trạng thái trái ngược nhau.

Tuy nhiên, “buồn” trong trường hợp này không thể hiện trạng thái mà thể hiện việc “muốn làm một việc gì đó”, “thôi thúc phải làm gì đó”. PGS.TS Nguyễn Thị Phương Thùy nêu ra một vài ví dụ và phân tích như “buồn ngủ” có nghĩa “muốn ngủ”, “có cảm giác thôi thúc phải ngủ”.
Thực chất từ "buồn" ngoài nghĩa "không vui, rầu rĩ" còn có nghĩa khác: Muốn, không nhịn được, khác hoàn toàn trạng thái tâm lí tình cảm tiêu cực. Mời các bạn thính giả bấm nút nghe những phân tích, ví dụ lí thú của PGS.TS Nguyễn Thị Phương Thùy xung quanh từ “buồn cười”.