Ngày 13/6, tại 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội, Hội đồng Anh kết hợp với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức chương trình tọa đàm “Tăng cường sự tham gia của các nhà khoa học nữ trong lĩnh vực STEM tại Việt Nam”.
Diễn đàn có tham gia của các diễn giả GS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; ông Scott MacDonald, Tổng Giám đốc Hội đồng Anh toàn cầu, PGSTS Nguyễn Thị Hà - Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường Trường ĐHKHTN , ĐHQG Hà Nội, TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Giáo dục STEM Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, em Ngô Phương Trang, sinh viên ngành Máy tính và Công nghệ thông tin, Trường ĐHKHTN ĐHQG Hà Nội và khách mời là các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học nữ, các nữ sinh viên đang công tác, nghiên cứu, học tập trong lĩnh vực STEM.
Bình đẳng giới trong Giáo dục ĐH là một trong những ưu tiên của Hội đồng Anh với mục tiêu mang lại nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp cho nữ giới thông qua đào tạo năng lực nghiên cứu, cấp học bổng cho nữ giới theo học các môn Khoa học và kỹ thuật STEM, trao quyền cho nữ lãnh đạo và mở rộng mạng lưới lãnh đạo nữ tại Việt Nam, thiết kế và đánh giá đào tạo cho nữ sinh viên trong cơ sở giáo dục ĐH ở Việt Nam và 1 số nghiên cứu về bình đẳng giới trong giáo dục ĐH ở Việt Nam.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của ông Scott McDonald, Tổng Giám đốc toàn cầu Hội đồng Anh phối hợp với trường ĐHKHTN (ĐHQG Hà Nội) tổ chức cuộc tọa đàm" Tăng cường sự tham gia của các nhà khoa học nữ trong lĩnh vực STEM tại Việt Nam”.
Tại diễn đàn, các diễn giả đã tập trung trao đổi những vấn đề: Tầm quan trọng trong việc thúc đẩy sự tham gia của nữ giới trong nghiên cứu khoa học và kỹ thuật; những thách thức mà nữ giới gặp phải khi tham gia nghiên cứu trong lĩnh vực STEM (rào cản và định kiến giới, khoảng cách về giới, trải nghiệm cá nhân về định kiến vô hình và ảnh hưởng tới các nhà nữ khoa học); các sáng kiến và mô hình tốt trong việc thúc đẩy nữ giới tham gia vào các lĩnh vực STEM đang được triển khai ở Việt Nam và trên thế giới.
Thực tế cho thấy, khoa học tự nhiên chỉ phù hợp với phái mạnh, nhưng với tư cách là một trong những đơn vị hàng đầu tại Việt Nam về đào tạo các ngành khoa học tự nhiên, những thành công của đội ngũ các nhà khoa học nữ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đạt được trong nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng đã góp phần không nhỏ khẳng định vị thế của nhà trường.
Bên cạnh đó, tại Việt Nam, tỷ lệ các nữ cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học và có công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế vẫn thấp hơn so với nam giới. Nhìn rộng ra hơn một chút, có thể thấy, mặc dù nữ giới đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội nói chung, nhưng cơ hội nghề nghiệp cho nữ giới khẳng định trong lĩnh vực STEM vẫn chưa nhiều.
PGS.TS Nguyễn Thị Hà - Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường Trường ĐHKHTN chia sẻ về những thuận lợi khó khăn của nhà khoa học nữ trong quá trình nghiên cứu khoa học. TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Giáo dục STEM Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã chia sẻ những kinh nghiệm và đóng góp của đội ngũ giáo viên, giảng viên nữ trong các hoạt động đổi mới Giáo dục đào tạo, các hoạt động dạy và học theo mô hình Giáo dục STEM. Ngô Phương Trang, sinh viên ngành Máy tính và Công nghệ thông tin, Trường ĐHKHTN ĐHQG Hà Nội chia sẻ niềm đam mê, khát vọng của những sinh viên nữ trong chặng đường chinh phục KHCN ...
Những chia sẻ của các thành viên tham dự tọa đàm khẳng định, vị trí vai trò của nữ giới trong các hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học ở những lĩnh vực tưởng chừng là thế mạnh của nam giới. Diễn đàn đã khẳng định trong thời gian qua, bình đẳng giới đã được thúc đẩy mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục cũng như trong lĩnh vực STEM tại Việt Nam thông qua những kế hoạch hành động cụ thể. Tuy nhiên, việc phát triển vai trò lãnh đạo của nữ giới vẫn còn gặp nhiều hạn chế, những vấn đề này cần phải sớm có giải pháp tháo gỡ: Quan niệm truyền thống cứng nhắc về giá trị và vai trò của nam và nữ; bất bình đẳng trong giáo dục; bất bình đẳng giới trong tham gia chính trị xã hội; thiếu hiểu biết về pháp luật, chính sách về bình đẳng giới...
Tọa đàm “Tăng cường sự tham gia của các nhà khoa học nữ trong lĩnh vực STEM tại Việt Nam” là một trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Vương quốc Anh và Việt Nam đồng thời năm 2023 cũng là mốc 30 năm hoạt động của Hội đồng Anh tại Việt Nam.