Hình thành trên cơ sở hợp nhất 3 trường nghề, cùng với mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo khối học sinh 9+ vừa học văn hóa, vừa học nghề thì du học sinh cũng làm nên những nét đặc sắc riêng có ở Trường Cao đẳng Thái Nguyên.

Ở nội trú vui hơn ở nhà

Mùa tuyển sinh năm 2022, Trường Cao đẳng Thái Nguyên ghi nhận số học sinh 2K7 nhập học đông đột biến, nhà trường tuyển đến 14 lớp, tổng gần 750 em theo học mô hình 9+.

Rất nhiều em là học sinh từ địa phương khác như Bắc Ninh, Bắc Cạn, Hà Giang,.. đến, thậm chí từ Lào hoặc Campuchia sang. Hiện số học sinh ở nội trú ở cả hai cơ sở lên tới gần 3000 em.

"Để đưa chừng ấy học sinh đang ở độ tuổi từ 15-16 vào nền nếp tập thể chưa bao giờ là dễ dàng", PGS.TS Trần Văn Quyết, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thái Nguyên chia sẻ. Nhưng có những bí mật được chính các em học sinh bật mí cho thấy cuộc sống nội trú học nghề "vui hơn ở nhà".

Nguyễn Khánh Linh, ở TP. Thái Nguyên vì những lý do riêng được gia đình đăng ký cho ở nội trú. Thời gian đầu Linh cũng khá buồn. Nhưng rồi em cũng dần quen nếp ăn ở, sinh hoạt quy củ, giờ giấc ở kí túc xá.

Linh cho biết bất kì việc gì, khúc mắc nào, em đều có thể gọi nhờ sự trợ giúp hoặc hướng dẫn từ cô phụ trách nội trú. Các bạn cùng phòng đều cùng cảnh xa nhà nhanh chóng làm thân, cùng học cách sống trong tập thể.

"Nhiều lúc cũng va chạm về tính cách, có khi bất đồng về ý kiến hay lối sống vốn quen trước, nay không còn phù hợp với cuộc sống chung. Thầy cô giáo lúc này thay bố mẹ phân xử, hòa giải. Em và các bạn cũng dần ý thức về cuộc sống chung cần những gì để cùng nhau thay đổi. Đến giờ, khi bước vào học kì 2 năm học đầu tiên, em thấy ở kí túc xá vui hơn ở nhà", Linh chia sẻ. Sau giờ học, em được cùng các bạn chơi thể thao. Sân kí túc rộng, các khu vực cho bóng đá, bóng chuyền, cầu lông được tổ chức bài bản, các em được lựa chọn môn thể thao tùy theo sở thích.

Bắt đầu từ kì 2 này, Linh và các bạn 2K7 được chọn chuyên ngành học. Em chọn ngành Kế toán doanh nghiệp. Linh kể rằng mẹ làm kế toán nên cũng là người định hướng ngành học dù biết vừa học văn hóa, vừa học nghề theo mô hình 9+ thực ra cũng khá vất vả. “Nếu cho chọn lại em vẫn chọn vào đây học. Tốt nghiệp xong, mẹ có thể hướng dẫn thêm để em đi làm kiếm tiền và đồng thời học lên cao đẳng luôn”, Linh cười tươi chia sẻ.

Nguyễn Mạnh Đắc cũng sinh năm 2007, nhà ở Bắc Ninh. Bố Đắc vốn là quân nhân đóng quân tại Đồng Hỷ, Thái Nguyên đã đưa em lên trường nhập học ngay sau khi em tốt nghiệp THCS với mong muốn con sớm được học nghề.

Trước nay, bố mẹ bận, hầu như Đắc chỉ ở với ông bà, việc xa nhà, không ở cùng bố mẹ với Đắc không quá nhiều bỡ ngỡ. Phòng kí túc có 5 bạn, ăn theo giờ ở nhà ăn, việc dọn dẹp phòng được phân công rõ ràng và được các thành viên tự giác thực hiện, cùng làm nên "nhoáy" cái đã xong. Xong xuôi, cả phòng hò nhau xuống sân chơi, Đắc kể.

“Khó khăn nhất với em là giấc ngủ. Em thích ngủ và hay ngủ quên, có hôm ngủ quên cả tiết đầu. Nhưng các thầy cô sẽ biết ngay và lên tận phòng kí túc để gọi dậy đi học”, Đắc cười có phần ngượng khi kể về điều em thấy khó khăn nhất khi ở tập thể.

Bắt đầu từ 2017, đến lứa 2K7 cũng là khóa thứ 7 Trường Cao đẳng Thái Nguyên tổ chức dạy mô hình 9+. Không giống như khối cao đẳng, học sinh 9+ vừa tốt nghiệp THCS, đang ở giai đoạn nổi loạn, thích khẳng định mình, nay bước vào cuộc sống nội trú xa gia đình sẽ đặt khó khăn, thách thức không nhỏ lên vai thầy cô giáo.

Theo cô Đỗ Ngọc Hạnh Nhung, giáo viên khoa Bồi dưỡng và Giáo dục thường xuyên, phần lớn đầu vào của các em thấp hơn. Có thể do thi trượt THPT công lập, có thể là học sinh vùng cao dân tộc và phần lớn nhập học ở dạng nội trú. Thầy cô lúc này thay bố mẹ, tùy học sinh để có cách ứng xử phù hợp, có cương có nhu và quan trọng nhất phải có tình cảm yêu thương thực sự.

“Phải coi học sinh như con trong nhà, động viên, chia sẻ. Vào nội trú tức là các con phải tự lập. Nhiều con nhà xa, ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, học cứ phải hết kì mới về thăm nhà được một lần. Nhận các con, tức là phải quan tâm từ nơi ăn chốn ở đến tâm tư tình cảm. Có em mắng một chút không sao, nhưng có em phải rất mềm mỏng, lựa lời mới may ra thay đổi được”, cô Nhung tâm sự.

Tất cả học sinh lứa 9+ khi vào trường sẽ trải qua một kì đầu tiên chỉ học văn hóa để thầy cô quan sát, tìm hiểu cũng như có định hướng nghề phù hợp. Kì 2 năm học đầu tiên các em sẽ bước vào giai đoạn học song song văn hóa và nghề. Học sinh ở nội trú nhiều, nhà xa, việc tổ chức họp phụ huynh là điều không thể. Vậy là các thầy cô nội trú buộc phải nghĩ ra các phương thức khác nhau như điện thoại, mạng xã hội để kết nối thông tin cũng như trao đổi những định hướng nghề phù hợp cho từng học sinh. Vừa làm thầy cô, vừa làm cha mẹ thực sự thấy rõ ở các lớp nội trú 9+.

Du học sinh học nghề - Ở nội trú đem lại nhiều giá trị

Ở Trường Cao đẳng Thái Nguyên, trong gần 400 sinh viên quốc tế đến từ Lào và Campuchia, phần lớn cũng chọn ở nội trú. Namfon Sesonphan, sinh viên đến từ Lào chọn học ngành Điện tử-Viễn thông, một trong những ngành khó với ngay cả sinh viên Việt Nam. Qua nhiều nguồn thông tin, bố mẹ biết về trường cũng như các chuyên ngành đào tạo đã tin tưởng gửi gắm cô con gái sang Việt Nam du học.

Năm ngoái, đúng thời điểm Namfon bắt đầu sang học tiếng Việt cũng là lúc đỉnh cao dịch Covid-19. Mọi sự từ đi lại, học tập đến cả giao lưu đều khó khăn. Bố mẹ có muốn sang thăm hay con gái có muốn về thăm nhà hầu như không thể. Nhưng rồi chính cuộc sống nội trú với sự giúp đỡ từ các bạn, các chị cùng phòng giúp cô sinh viên Namfon hòa nhập cả về ngôn ngữ, lối sống cũng như việc học tập.

“Ngành học của em khó, em tự cố gắng, cô giáo dạy chậm hơn một chút để em hiểu. Có thêm các bạn, các chị ở phòng giúp đỡ khi em học tiếng Việt hoặc có nội dung nào không hiểu sẽ được giải thích. Giờ em quen rồi, vui lắm”, Namfon kể.

Chum Reaksmey đến từ tỉnh Banteay Meanchey, Campuchia lại chọn theo học ở Trường cao đẳng Thái Nguyên do được cô giáo thời THPT giới thiệu về mô hình đào tạo, ngành học, hướng ra nghề của nhà trường, lại thêm cơ chế miễn học phí, em lên mạng tìm hiểu rồi quyết định đăng kí theo học. Bước chân vào cổng trường, Chum khẳng định chắc chắn sẽ theo học bởi lí do: “Em cố gắng học để sau này về xây dựng đất nước" và vì "Trường đẹp quá!".

Chọn học Công nghệ thông tin, cũng thuộc nhóm ngành kĩ thuật khó và mới trải qua 1 năm học tiếng Việt từ đầu, khó khăn với Chum nhân lên gấp bội. Nhưng đã quyết tâm học, em vừa mày mò tự đọc, tự tìm hiểu thông qua từ điển, phần nào khó quá thì nhờ bạn giảng thêm. Lên lớp thầy cô cũng luôn hỗ trợ để Chum cùng các bạn du học sinh nắm được bài.

Cộng đồng hơn 100 sinh viên Campuchia ở trường cao đẳng Thái Nguyên sống trong kí túc xá nhưng không co cụm hoặc tách biệt. “Các thầy cô phụ trách nội trú khi chia phòng luôn để ý việc ở đan xen giữa sinh viên du học với các bạn sinh viên Việt Nam để vừa giao lưu văn hóa, tăng khả năng sử dụng tiếng Việt và giúp nhau trong học tập nữa.”, thầy Nguyễn Hoàng Anh, Phó Trưởng phòng Công tác Học sinh, sinh viên cho biết thêm.

Trường Cao đẳng Thái Nguyên bằng việc tạo điều kiện về nơi ăn chốn ở giữa một khuôn viên đẹp, khang trang cùng tình cảm nồng ấm từ thầy cô, bè bạn thực sự đã và sẽ tạo dấu ấn khó phai trong lòng các du học sinh đến Việt Nam.