Từ hôm nay, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định cụ thể ba trường hợp không được tổ chức dạy thêm gồm: Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; Giáo viên dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường; Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Đồng thời, Thông tư cũng quy định việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho 3 đối tượng học sinh đăng kí học thêm theo từng môn học: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt; Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Cũng theo Thông tư 29, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lí theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng phải tăng cường công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở dạy thêm hoặc niêm yết tại cơ sở dạy thêm về các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm.
Đồng thời công khai danh sách người dạy thêm và thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm nhằm tăng cường giám sát của toàn dân cùng cơ quan chức năng.
Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.
Phải giám sát dạy thêm, học thêm theo đúng luật
Trao đổi với P/V VOV2, chuyên gia giáo dục TS. Lê Đông Phương cho rằng, để những quy định mới về dạy thêm, học thêm thực sự đi vào cuộc sống phải đẩy mạnh khâu kiểm tra, giám sát và ý thức thực hiện Thông tư 29 của các bên, gồm Ban giám hiệu trường học, nhà quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh...
"Câu chuyện học thêm, dạy thêm tranh cãi từ nhiều năm nay chứ không phải bây giờ. Nhưng vì sao dạy thêm trái quy định pháp luật vẫn tồn tại bởi nhiều khi phụ huynh tặc lưỡi cho con học thêm vì sợ mất lòng giáo viên. Còn nhà quản lý giáo dục cũng có thể biết giáo viên dạy thêm không đúng quy định nhưng vì nể nang nên cũng nhắm mắt làm ngơ. Do vậy, chỉ khi giám sát tốt thì quy định về dạy thêm, học thêm tại Thông tư 29 mới thực thi đúng luật", TS. Lê Đông Phương nói.
Chuyên gia giáo dục, TS. Lê Đông Phương cũng cho rằng, kết quả học tập của nhiều trường học (cả quy mô cấp tỉnh, quốc gia), tỉ lệ học sinh khá, giỏi ngày một tăng, có trường lên đến 95% học sinh khá, giỏi thì vì sao vẫn "cuồng" cho học sinh đi học thêm? Vì sao giáo viên được đánh giá dạy giỏi, có số học sinh trong lớp đạt điểm khá, giỏi cao vẫn tổ chức học thêm?
"Câu chuyện ở đây là mối quan hệ tương hỗ giữa học thêm và kết quả. Phải chăng giỏi vì học thêm hay học thêm vì một sự cưỡng ép nào đó?", TS. Lê Đông Phương đặt câu hỏi.

Trong khi đó, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP. HCM - ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở cho hay, Thông tư 29 không cấm giáo viên dạy thêm nhưng quản lý việc này một cách chặt chẽ hơn. Giáo viên không đủ điều kiện thì không được dạy thêm, ngành giáo dục không du di những trường hợp làm sai quy định.
Theo ông Minh, Sở GD- ĐT đang có văn bản lấy ý kiến các sở, ban, ngành liên quan để ban hành quy định, giúp giáo viên và các trường thực hiện theo đúng thông tư 29.
"Giáo viên phải hình thành cho các em năng lực tự học, để các em phát triển, không phải chừa nội dung hay đi học thêm vì một bài kiểm tra hay kỳ thi. Việc này làm cho tôn nghiêm của ngành giáo dục giảm xuống", ông Hồ Tấn Minh nói.

Tỉnh Đắk Lắk cũng đưa ra yêu cầu 100% giáo viên ký cam kết thực hiện nghiêm quy định. Các trường phải rà soát, điều chỉnh kế hoạch giảng dạy nhằm đảm bảo phù hợp với tinh thần của Thông tư 29. Nhà trường, tổ chức, cá nhân không được dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc dạy thêm, học thêm. Lãnh đạo tỉnh này cho hay nếu thực hiện đúng theo quy định sẽ đảm bảo môi trường học tập lành mạnh, khuyến khích học sinh tự học
Tại Hà Nội, Sở GD-ĐT yêu cầu các nhà trường thực hiện nghiêm những quy định về dạy thêm, học thêm tại Thông tư số 29. Sở cũng yêu cầu các địa phương, nhà trường tuyên truyền đến giáo viên, học sinh, phụ huynh những thông tin về dạy học thêm đúng quy định.
Học sinh cần tự tin, tự giác, tự chủ trong học tập
Trên trang cá nhân của mình, thầy Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Hải Phòng) viết bức thư ngỏ gửi tới thầy trò nhà trường.
Theo thầy Nguyễn Minh Quý, khó khăn vì thu nhập giáo viên có sự sụt giảm đáng kể. Trước đây, nhiều thầy cô đã tận dụng cả giờ nghỉ, giờ ăn để dạy kèm học sinh, vừa giúp trò tiến bộ, vừa đảm bảo cuộc sống cá nhân. Nay, sự thay đổi này đặt ra thách thức lớn với mỗi thầy cô.
Việc dạy học chưa bao giờ là dễ dàng, và dạy thêm càng không đơn giản. Mỗi thầy cô đã thực sự lao động và nhận về những gì xứng đáng - trong đó có sự nhẫn nại, kiên trì, động viên, chăm chút cho học trò mà bản thân từ “dạy thêm” chưa bao giờ nói đủ.
"Nhưng hôm nay, chúng ta lại tiếp tục là những người làm gương, thể hiện sự thích nghi và quyết tâm. Dù không còn dạy thêm, chúng ta vẫn sẵn sàng giải đáp thắc mắc, hỗ trợ trực tiếp hoặc trực tuyến khi có thể. Chúng ta cũng cần có thêm thời gian để chăm sóc bản thân, gia đình và cơ hội luyện nghề hơn", thầy Nguyễn Minh Quý chia sẻ.

Riêng với học sinh, Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Hải Phòng) cho rằng, đây chính là dịp để các em tìm lại sức mạnh nội tại: tinh thần tự học. Lúc đầu, tự học có thể khó khăn, mệt mỏi và kém hiệu quả. Nhưng làm quen và thuộc dần thì tự học sẽ trở thành một nguồn sức mạnh to lớn, giúp các em vững vàng đối mặt với thử thách và thành công trong tương lai.
Nhấn mạnh đến sự tự tin, tự giác, tự chủ trong học tập, thầy Nguyễn Minh Quý chia sẻ: Tự giác là khi các em không cần ai nhắc nhở vẫn chủ động học tập. Đó là khả năng sắp xếp thời gian, tìm tòi kiến thức mới, làm chủ công nghệ để khai thác kiến thức và kiên trì với mục tiêu. Tự giác không chỉ giúp các em học tốt hơn, mà còn rèn luyện tinh thần trách nhiệm - yếu tố quan trọng để thành công trong cuộc sống.
"Nếu trước đây, bài toán khó có thể chờ thầy cô giảng lại trong buổi học thêm, thì giờ đây, các em phải tự tìm cách tháo gỡ. Tự lập giúp các em trưởng thành, vững vàng hơn trên con đường phía trước", thầy Nguyễn Minh Quý chia sẻ.