Nguyễn Phương Thảo - sinh viên năm thứ 4, khoa Kỹ thuật vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết lý do em chọn ngành kỹ thuật vì niềm đam mê: "Em muốn khám phá cấu trúc của vật liệu, cơ tính của nó và cái cách hằng ngày chúng ta sử dụng vật liệu cần hiểu tính chất của nó, tại sao nó đem lại tiện dụng thoải mái cho người dùng".

Vì đam mê nên Thảo chọn Đại học Bách khoa Hà Nội và ngành Kỹ thuật vật liệu. So với các trường khác, chương trình học ở Bách khoa có phần nặng, nhưng bằng niềm đam mê, sự học tập nghiêm túc nên Thảo hoàn toàn không gặp khó khăn trong các môn học cũng như các kỳ thi. Chia sẻ về quan điểm con gái sao lại chọn học ngành kỹ thuật, cô gái dịu dàng này nở nụ cười tự tin cho biết: "Bây giờ thì con gái hay con trai đều có thể học ngành kỹ thuật được, thậm chí là con gái khi học ngành kỹ thuật thì còn có phần được ưu tiên hơn các bạn nam và chúng ta có một lợi thế là chăm chỉ cần cù thì chúng ta vẫn có thể học tốt được như là các bạn nam. Về cơ hội nghề nghiệp thì bây giờ có rất nhiều công việc dành cho nữ chứ không nhất thiết là chỉ những bạn nam mới học được kỹ thuật.”

Bàn về việc chọn ngành học của thí sinh hiện nay, từ kinh nghiệm của bản thân chọn ngành học theo đam mê và phù hợp năng lực, Thảo nhắn nhủ đến các em thí sinh 2K5: "Đối với thí sinh thì các em hãy lắng nghe sở trường của mình, đam mê của mình, khả năng của mình để lựa chọn ra ngôi trường thích hợp với mình nhất”.

Bạn cùng lớp với Thảo là Tuấn - chàng trai quê Ninh Bình rất bảnh bao và tự tin. Sau 4 năm học tập ở khoa kỹ thuật Vật Liệu, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Tuấn ngày càng thấy sự lựa chọn của mình là chính xác: “Em muốn tìm hiểu cấu trúc vật liệu cũng như khả năng cơ tính của nó cho nên em đã tìm hiểu ngành vật liệu của Đại học Bách Khoa. Em thấy đây là sự lựa chọn đúng đắn vì các thầy cô, các bạn và môi trường học thì hoàn toàn phù hợp, ngành này rất nhiều công việc mà hiện nay ở nhiều công ty lớn họ cần nên em không lo lắng về tương lai quá nhiều”.

Không phải lo lắng về vấn đề việc làm sau khi tốt nghiệp, được học tập khám phá lĩnh vực mà mình đam mê … những yếu tố này khiến cả quá trình học tập của những sinh viên ngành khoa học vật liệu rất suôn sẻ và thú vị.

Minh Hiếu, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, cần có định hướng sớm cho học sinh ở bậc học phổ thông để các em sớm có kiến thức về các lĩnh vực ngành nghề và có sự lựa chọn phù hợp góp phần cân bằng cung cầu nhân lực cho xã hội cả về chất và lượng. Việc hiện nay quá nhiều thí sinh lao vào các ngành hot như IT theo Hiếu không phải là điều bất thường vì xã hội đang cần nhân lực của ngành học này, cơ hội việc làm nhiều nên các bạn lựa chọn. Tuy nhiên, theo nhận thức của Minh Hiếu, không phải ai học IT ra cũng đều làm đúng ngành, vì IT đang hot nên nhiều trường ĐH mở ngành này và chất lượng đào tạo không phải chỗ nào cũng tốt. Các bạn chọn ngành cần căn cứ vào năng lực và niềm đam mê và cần có định hướng chọn ngành từ sớm để khi vào học đỡ thất vọng và sau khi tốt nghiệp sẽ có cơ hội được làm đúng ngành đào tạo .

PGS.TS Phạm Quang – giảng viên Viện Kỹ thuật vật liệu, người 10 năm nay thường xuyên tham gia các chương trình tư vấn tuyển sinh nhận xét: Khi đi tuyển sinh các em vào hỏi Bách khoa thì chỉ biết có ngành Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông... Theo cách hiểu của các em công nghệ thì là công nghệ thông tin, Kỹ thuật là cơ khí Vì vậy, trong quá trình tư vấn, các thầy thường để cho các em hỏi rồi giải thích cho các em.

PGS.TS Phạm Quang kể: "Khi hỏi tại sao lại thích công nghệ thông tin thì thí sinh trả lời em thích máy tính, em đam mê máy tính. Thực ra là công nghệ thông tin chưa hẳn đã giống như các em ấy nghĩ. Bên công nghệ giáo dục cũng có rất là nhiều bạn thích lập trình Web, lập trình game, Công nghệ giáo dục có khi lại mạnh về mảng ấy. Hoặc là có nhiều ngành kỹ thuật về tính toán, mô phỏng, thiết kế đều làm cùng với máy tính cả...".

Cũng theo PGS.TS Phạm Quang, xu hướng thị trường lao động Việt Nam vẫn giữ được cái truyền thống là nhất nghệ tinh nhất thân vinh. Nếu đã giỏi nghề thì không lo thất nghiệp, đặc biệt Đại học Bách khoa đào tạo kỹ sư hay thợ là lành nghề chất lượng thế nào đều được xã hội khẳng định.

Sự nhận thức về cung cầu nghề nghiệp trong xã hội hiện đại đã khiến hiện nay ngày càng có nhiều nữ sinh theo học các ngành kỹ thuật công nghệ. Tuy nhiên, theo TS Phạm Quang một nguyên nhân nữa là hiện nay các trường ĐH đã thay đổi phương thức tuyển sinh, có nhiều khối thi hơn. Trước kia thi vào Bách khoa thì có mỗi khối A thôi. Khối A mà đối với nữ thì quả thật là hơi nặng, còn bây giờ có thêm khối A01(Toán, Lý, Anh). Hoặc bây giờ có khối thi lấy điểm 3 môn Toán, Hóa, Anh nữa thì có rất nhiều các bạn nữ có thiên hướng ấy. Đó cũng là lý do bây giờ các bạn nữ vào Bách khoa tương đối đông.

Tâm lý chọn ngành nghề theo tâm lý đám đông, thiếu hiểu biết về cung cầu nhân lực của xã hội sẽ dẫn đến hậu quả nhãn tiền: thất vọng, bỏ học hoặc cố đeo đuổi nhưng thiếu đam mê nên kết quả học tập không tốt, ra trường làm trái ngành nghề hoặc thất nghiệp. Trên thực tế những thí sinh chọn ngành học khi đã tìm hiểu kỹ và có sự đam mê thường có kết quả học tập tốt và có nhiều cơ hội phát triển năng lực trong tương lai.

Sự thiếu hụt nhân lực ở những ngành kỹ thuật, ngành khoa học cơ bản bên cạnh việc thí sinh đổ xô vào một số ngành hot sẽ kéo theo sự mất cân đối chất lượng và số lượng nhân lực ở một số ngành nghề trong hiện tại và tương lai. Con số 5-10% sinh viên năm thứ nhất bỏ học do chọn sai ngành học đòi hỏi ngành giáo dục và ngành LĐ-TB&XH cũng như các trường đại học cần điều chỉnh các hoạt động tư vấn, dự báo nghề nghiệp cho các em từ rất sớm.