Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được Bộ GD-ĐT cũng như các chuyên gia giáo dục đánh giá là giữ ở mức ổn định, không có sự thay đổi lớn so với năm 2021. Biến động phổ điểm chủ yếu xảy ra ở 2 môn Lịch sử và Sinh học.

Tuy nhiên, phân tích phổ điểm tốt nghiệp THPT cho thấy vẫn có sự chênh lệch đáng kể giữa kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm trung bình học tập (điểm học bạ). Trong đó, môn Sinh học có độ lệch giữa điểm thi và điểm học bạ nhiều nhất. Nếu điểm trung bình học bạ cả nước là 7.73 thì điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT là 5.02 (chênh lệch hơn 2 điểm).

Với tỉnh Tuyên Quang, nếu điểm trung bình học bạ môn Sinh học là 7.052 (xếp thứ 61/63 tỉnh, thành phố) thì điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT là 5.98 (xếp 1/63 tỉnh, thành phố); Bắc Ninh điểm trung bình học bạ môn Sinh học là 8.009 điểm thì điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT chỉ là 4.894 điểm; Hưng Yên điểm trung bình học tập môn Sinh học là 8.083 thì điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT chỉ đạt 4.602 (đứng 62/63 tỉnh, thành phố).

Bảng phân tích điểm trung bình học tập môn Sinh học:

Đối với môn Ngoại ngữ, điểm trung bình học tập của cả nước là 7.27 thì điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT chỉ là 5.15 (chênh lệch hơn 2 điểm). Đáng chú ý như TP. Hải Phòng, điểm trung bình học bạ môn Ngoại ngữ xếp số 1 cả nước với 8.04 điểm nhưng điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT chỉ đạt 5.775 điểm; Hải Dương điểm trung bình học bạ là 7.844 nhưng điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT chỉ đạt 5.174 điểm…

Kết quả đối sánh điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT với điểm học bạ của các môn khác đều có độ chênh lệch từ 1-2 điểm.

Trao đổi với phóng viên VOV2, chuyên gia giáo dục, TS Lê Thống Nhất cho rằng, từ nhiều năm trước đã có sự cảnh báo về hiện tượng điểm học bạ thường cao hơn điểm thi, gây nghi ngờ về chuyện “cấy”, “tặng” điểm cho học sinh.

“Các thầy cô có thể nương tay để trao phao cứu sinh cho việc xét điểm tốt nghiệp vì chúng ta vẫn tính điểm học bạ trong điểm tốt nghiệp, ngoài ra còn giúp học sinh xét tuyển vào đại học ở những trường đại học dùng phương án xét tuyển này. Theo tôi, việc xét tuyển đại học bằng học bạ sẽ đẩy độ chênh lệch này ở nhiều môn khác nữa. Tốt nhất là điểm học bạ nên độc lập với các phương thức xét tuyển để tiến tới thầy cô cho điểm thật để học sinh học thật”, TS Lê Thống Nhất chia sẻ.

Thực tế kết quả xét tuyển bằng phương thức xét học bạ hoặc xét tuyển kết hợp vừa được nhiều trường đại học công bố, điểm trúng tuyển bằng phương thức này tăng vọt, thậm chí thí sinh phải đạt trên 30/30 điểm mới trúng tuyển.

Tiêu biểu như Học viện Ngoại giao, khối C00, ngành Truyền thông quốc tế có điểm chuẩn cao nhất 32,18 điểm - đây là mức điểm chuẩn cao nhất cả nước ở phương thức xét học bạ; ngành thấp nhất là Nhật Bản học với 31,61 điểm.

Các khối A01, D01, D06, D07 điểm chuẩn ngành Truyền thông quốc tế cũng cao nhất với 31,18 điểm, thấp nhất là ngành Hoa Kỳ học với 30,63 điểm.

Trường Đại học Ngoại thương công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm của ba phương thức. Một số chương trình đào tạo của Đại học Ngoại thương (FTU) lấy điểm chuẩn học bạ 30 - 30,5 điểm (đã bao gồm điểm ưu tiên giải học sinh giỏi).

Ở phương thức xét học bạ cấp THPT, Trường Đại học Ngoại thương quy định 3 nhóm thí sinh, gồm tham gia kỳ thi học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật quốc gia; đạt giải ba trở lên kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố; là học sinh trường chuyên. Điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình năm học kỳ (trừ kỳ II lớp 12) của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển và điểm ưu tiên.

Trường đại học Văn hóa Hà Nội có đến 3 ngành đạt mức điểm chuẩn 30.5 theo phương thức xét tuyển học bạ, đó là Báo chí, Luật và Quản trị dịch vụ du lịch - lữ hành. Chuyên ngành văn hóa truyền thông cũng có điểm chuẩn chạm trần 30.

TS. Lê Thống Nhất thẳng thắn cho rằng, ngay việc dùng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học cũng đã không tốt vì đề thi chủ yếu phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp THPT. Kỳ thi này có hàng vạn điểm 10 cũng không sao vì phụ thuộc vào năng lực của học sinh, còn kỳ thi tuyển sinh mà điểm cao nhiều như thế thì có nghĩa là đề thi không phù hợp để xét tuyển.

“Xét tuyển bằng học bạ là phương thức kém nhất cho xét tuyển đại học. Để tuyển sinh tốt thì cần có những kỳ thi riêng hoặc dùng kết quả học tập chỉ là sơ khảo mà thôi và học sinh vẫn phải qua một kỳ sát hạch tiếp”, ông Lê Thống Nhất nói.

TS Lê Thống Nhất cũng cho rằng Bộ GD-ĐT với vai trò quản lý nhà nước, cần nói không với việc dùng điểm học bạ để xét tuyển đại học và không đưa điểm học bạ vào điểm xét tốt nghiệp THPT.

Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Nhất vẫn khẳng định đây là kỳ thi quan trọng và đã được đưa vào Luật Giáo dục mới bởi những dữ liệu về kết quả thi sẽ cho ngành giáo dục biết được kết quả giáo dục ở từng bộ môn, ở từng vùng miền, từng địa phương, từng nhà trường để các đơn vị giáo dục có những nhận định cũng như giải pháp nâng cao chất lượng dạy – học ở từng bộ môn.

“Không có kỳ thi này thì làm sao chúng ta có những con số biết nói? Ở nhiều nước, hàng năm học sinh còn được đánh giá theo đề chuẩn quốc gia ở từng bộ môn. Trong khi chúng ta sau 12 năm giáo dục mới có một kỳ đánh giá theo đề cấp quốc gia như thế, các giải pháp cũng sẽ ít cập nhật kịp thời’, TS Lê Thống Nhất nhấn mạnh.