Là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp từ biến đổi khí hậu nên những năm qua, nhiều hộ gia đình tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã chủ động tìm cách thích ứng. Không chỉ thoát nghèo, từng bước ổn định kinh tế, có những cá nhân còn làm giàu ngay tại quê hương nhờ chuyển đổi cây, con giống và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Gia đình bà Lê Thị Kim Cúc, ở An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre là một ví dụ. Sinh ra và gắn bó với mảnh đất An Hiệp đến nay hơn 40 năm. Bà Cúc cảm nhận rất rõ sự thay đổi về thời tiết, khí hậu ở quê hương mình qua từng năm. Theo bà, đây cũng là yếu tố làm ảnh hưởng đến kế sinh nhai của bà cũng như người dân trong xã. “Nước nhiễm mặn, người dân chúng tôi không trồng được cây gì. Nhiều thời điểm, nước ngọt cũng thiếu, phải sang xã bên mua nước ngọt về để có nước sinh hoạt”, bà Cúc chia sẻ.

Sản xuất nông nghiệp khó khăn khiến nhiều hộ gia đình lao đao về kinh tế. Để có thu nhập, phần lớn những người trẻ bỏ làng đi làm ăn xa. Bám trụ tại quê hương, chủ yếu là lao động lớn tuổi, ít có khả năng chuyển đổi nghề nghiệp. Bà Cúc là một trong những người như thế, bởi nhiều năm qua, bà chỉ biết đến nghề nông và chăn nuôi vịt. May mắn, trong lúc bế tắc về kế sinh nhai, bà được một dự án hỗ trợ về giống, vốn và kỹ thuật chăn nuôi một loại vịt có khả năng thích ứng tốt với nước nhiễm mặn. “Trước đây, tôi nuôi vịt quế. Do vịt không chịu được nước nhiễm mặn nên năng suất không đạt, chết nhiều vì dịch bệnh. Từ khi được hỗ trợ hơn 300 con vịt giống, mang từ Hà Nội vào, tôi nuôi thì thấy vịt mau lớn, không bị bệnh. Chất lượng thịt cũng cao nên bán được giá hơn. Nhờ thế, tôi đã thoát nghèo được 2 năm nay rồi”, bà Cúc cho biết.

Những năm qua, hạn hán, xâm nhập mặn cũng khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân xã Lương Hoà, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh kém hiệu quả. Tuy nhiên, thay vì khoanh tay đứng nhìn, nhiều hộ đã thay đổi phương pháp ươm, đưa cây giống có khả năng chịu mặn để tăng năng suất và chất lượng quả. Có thể kể đến là cây dừa sáp giống mới với phương pháp ươm giống từ nuôi cấy phôi do anh Đặng Minh Bé triển khai. “Nhiệt độ mỗi năm đều tăng. Cùng với đó là vấn đề xâm nhập mặn. Cây dừa truyền thống sức chịu đựng kém nên năng suất và chất lượng kém dần. Còn cây dừa sáp mình ươm trồng theo phương pháp mới thì thích nghi tốt hơn”, anh Bé chia sẻ.

Anh Bé cho biết cây dừa sáp giống mới có nguồn gốc từ huyện Cầu Kè, có năng suất và chất lượng quả cao. Tuy nhiên, khi đưa về xã Lương Hòa trồng theo phương pháp ươm giống cổ truyền, tỉ lệ dừa đậu trái rất thấp. Một buồng thường chỉ có 2-3 trái dừa, thậm chí có cây không ra trái. Sau một thời gian dài nghiên cứu, anh thử nghiệm và thành công với phương pháp ươm giống từ nuôi cấy phôi. Theo đó, phôi trong trái dừa được lấy ra và cấy, nuôi trong môi trường dinh dưỡng. Khi phôi phát triển thành cây con khoảng 12 tháng tuổi thì đem ra vườn ươm. Bằng cách này, cây không chỉ sinh trưởng, phát triển tốt trong môi trường hạn mặn mà còn ra hoa và đậu trái với năng suất và chất lượng cao. Hiện tại, vườn dừa sáp giống mới của anh Bé có khoảng 600 gốc, thương lái bao tiêu toàn bộ với mức giá trung bình khoảng 120 ngàn đồng/trái.

Anh Bé cho biết, sau 3 năm trồng, dừa sáp giống mới bắt đầu cho thu hoạch. Một năm, cây có thể cho thu hoạch đến 13 lần, mỗi cây cho thu 7 trái/đợt, bình quân thu về khoảng 1 triệu đồng/tháng. Hiệu quả gấp từ 5 đến 10 lần so với dừa sáp trồng bằng phương pháp truyền thống và 20 lần so với trồng dừa thông thường.

Theo các nhà khoa học, Đồng bằng sông Cửu Long là 1 trong 5 đồng bằng dễ tổn thương nhất thế giới vì biến đổi khí hậu. Để sinh tồn và phát triển, người dân không nên coi hạn mặn là kẻ thù. Cách tốt nhất là thích ứng, trong đó, các giải pháp như thay đổi con giống của bà Lê Thị Kim Cúc và cây giống của anh Đặng Minh Bé là những ví dụ rất điển hình.

Nghe bài viết dưới đây: