Dễ nhận ra các bà mẹ Việt Nam anh hùng trong dịp về Hà Nội dự Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ và gặp mặt đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2022. Các mẹ đều đã bạc phơ mái tóc, đi phải có người dìu. Ai gặp các mẹ cũng đều chào chung một tiếng gọi thân thương “chào mẹ”. Các mẹ cười, nheo nheo đôi mắt, rồi bắt tay cảm ơn. Câu chuyện của các mẹ lúc nhớ lúc quên, có khi nói lặp đi lặp lại một chi tiết. Tuổi già, cái tuổi không còn minh mẫn, chỉ còn yêu thương và bao dung độ lượng.
Nghe chương trình tại đây:
Mẹ Sơn Thị Kỷ ở quận Bình Thạnh, TP.HCM nay đã 92 tuổi. Đây là lần thứ 2 mẹ ra Hà Nội. Mẹ không nhớ lần đầu ra Hà Nội là năm nào, cũng như chẳng thể nhớ con trai duy nhất của mẹ hy sinh năm nào nữa. “Tiếc quá tôi chẳng mang giấy tờ nào ra Hà Nội cho cô xem” - mẹ nói như tự trách trí nhớ của mình.
Tỉ tê tâm sự một lúc mẹ Kỷ bỗng nhớ ra, con trai mẹ là Thạch Song, vào quân ngũ làm phiên dịch tiếng Campuchia rồi hy sinh khi mới 20 tuổi. Rồi một ngày cán bộ phường đến nhà mẹ, họ đến 3 ngày mà chẳng nỡ nói tin từ chiến trường cho mẹ biết.
Ngày 27/7 hàng năm là ngày giỗ con trai của mẹ Kỷ.
Rồi một mai, những người mang trong mình dấu ấn của một thời đất nước bom đạn, minh chứng cho một chặng đường lịch sử đã qua rồi cũng để lại con cháu mà ra đi theo quy luật sinh - tử. Vậy nên, những cuộc gặp gỡ này, những câu chuyện được kể lại không mạch lạc như thế này cũng thật đáng quý, đáng trân trọng.