Những năm qua, ngành Y tế phối hợp với ngành Bảo hiểm xã hội triển khai nhiều giải pháp cải tiến quy trình, thủ tục khám chữa bệnh bằng Bảo hiểm Y tế. Sự thay đổi này giúp cho người cao tuổi thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Ông Nguyễn Văn Tình ở xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội cho biết, từ khi bước sang tuổi 70, ông thường xuyên gặp vấn đề về huyết áp. Có tấm thẻ Bảo hiểm Y tế nên hầu như tháng nào ông cũng đạp xe đến viện kiểm tra sức khỏe vài lần. Ông chia sẻ Bảo hiểm Y tế là chính sách giàu tính nhân văn. Nó giúp ông không phải lo lắng về chi phí khám bệnh và mua thuốc. Hơn thế, từ khi ngành Bảo hiểm thực hiện chính sách thông tuyến huyện, rồi tuyến tỉnh trong việc khám chữa bệnh, ông lại càng thuận lợi hơn mỗi khi đi kiểm tra sức khỏe. Thay vì phải lên Trung tâm Y tế huyện Hoài Đức cách xa nhà cả chục km, từ lâu ông có thể đạp xe đến Trung tâm Y tế huyện Quốc Oai, Hà Nội gần nhà để khám mà vẫn được Bảo hiểm Y tế chi trả. “Tôi hay đạp xe lên Trung tâm Y tế huyện Hoài Đức, đi thong thả phải gần 2 tiếng đồng hồ. Giờ đến Trung tâm Y tế huyện Quốc Oai, gần hơn được một nửa đường. Hai nơi, chỗ nào các y, bác sỹ cũng khám, tư vấn rất nhiêt tình”, ông Tình chia sẻ.

Ngoài “bệnh tuổi già”, ông Nguyễn Văn Sơ, ở xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, Hà Nội còn gặp một số vấn đề về gan và mật, nên từ lâu cũng thường xuyên phải đến các cơ sở y tế. Để giảm gánh nặng chi phí, mỗi lần khám và lấy thuốc, ông từng phải đạp xe hàng tiếng đồng hồ từ nhà đến Trung tâm Y tế huyện Hoài Đức để được Bảo hiểm Y tế chi trả. Nhưng từ lâu, ông không còn phải vất vả như vậy nữa do ngành Bảo hiểm áp dụng chính sách thông tuyến. Thay vì phải đi khám từ tờ mờ sáng như trước, giờ đây ông chỉ tốn 30 phút đạp xe là đã đến Trung tâm Y tế huyện Quốc Oai để khám và lấy thuốc. “Tôi đến chỗ nào thì cũng vẫn phải lấy số, xếp hàng. Cơ sở vật chất cũng như chất lượng khám thì tương đương, mà đến nơi nào cũng đều được bảo hiểm y tế chi trả như nhau nên tôi chọn cơ sở gần nhất để khám”, ông Sơ cho biết.

Đề cập vấn đề bảo hiểm y tế cho người già, ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam cho rằng đây là đối tượng có nhu cầu chăm sóc về y tế rất cao. Tuy người cao tuổi chỉ chiếm khoảng 12% số dân nhưng sử dụng tới hơn 50% tổng chi phí điều trị mỗi năm. Chi phí điều trị trung bình cho một người cao tuổi cũng thường cao gấp 7 đến 8 lần chi phí điều trị so với người trẻ. Đáng nói hơn, thế hệ người cao tuổi hiện nay, do trải qua chiến tranh, kinh tế đất nước khó khăn nên ít có nguồn tích lũy về tài chính. Chính vì thế, bảo hiểm y tế là chính sách vô cùng ý nghĩa và thiết thực với người cao tuổi. “Tuổi già gắn với ốm đau bệnh tật nên Bảo hiểm Y tế rất quan trọng với người cao tuổi”, ông Đắc nhấn mạnh.

Già hóa dân số ở nước ta đang diễn ra với tốc độ nhanh. Điều này đặt ra thách thức lớn về chăm sóc y tế cho người cao tuổi. Chính vì thế, tại một hội nghị về công tác người cao tuổi vào cuối năm 2020, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam yêu cầu, trong năm 2021, quyết tâm triển khai hỗ trợ Bảo hiểm Y tế cho khoảng 500 nghìn người cao tuổi thuộc diện nghèo chưa có thẻ Bảo hiểm Y tế. Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam thống nhất giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế chỉ đạo, đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ trong năm 2021. Hy vọng, trong thời gian còn lại của năm 2021 này, những người cao tuổi chưa có thẻ Bảo hiểm Y tế sẽ được hỗ trợ cấp thẻ để có thể yên tâm nếu chẳng may đau ốm.