Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, lực lượng lao động cao tuổi đã và đang tiếp tục tham gia các hoạt động kinh tế, mang lại những đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước. Theo bà Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Hội Người Cao tuổi Việt Nam, cả nước có gần 400.000 người cao tuổi làm kinh tế giỏi. Ngoài hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với người cao tuổi ở nông thôn, nhiều người cao tuổi ở khu vực thành thị tiếp tục làm việc trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng, khoa học và công nghệ.

Ở Nam Định, ông Nguyễn Quốc Toàn, 73 tuổi, nguyên kỹ thuật viên cơ khí đã mở công ty sản xuất các mặt hàng cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, thu hút 50 lao động, lương bình quân 5 triệu đồng/tháng, doanh thu hàng năm 15 tỷ đồng. Ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), bà Khánh Toàn với kinh nghiệm 26 năm làm nghề với khai thác đá, đã mở 4 công ty khai thác và chế biến đá, với số vốn 500 tỷ đồng, thu hút 150 lao động.

Tuy nhiên, trong xã hội Việt Nam vẫn tồn tại quan niệm cho rằng “ốm tha, già thải” nên những người cao tuổi là những người đã hết độ tuổi lao động. Do đó, người cao tuổi cần phải nhường lại thị trường lao động cho những người trẻ hơn, đang trong độ tuổi lao động. Sau khi nghỉ hưu, người cao tuổi cần được nghỉ ngơi và dành thời gian cho con cháu. Trong khi thực tế thì người cao tuổi là vốn quý của xã hội, lãng phí nguồn lực này cũng đồng nghĩa rằng, đang gây sức ép đáng kể cho vấn đề an sinh xã hội.

Theo Luật của Việt Nam, những người từ 60 tuổi trở lên được đặt trong nhóm người cao tuổi. Dự báo trong 10 năm nữa, người cao tuổi ở nước ta sẽ chiếm 17% dân số, đến năm 2038 là 20% và đến năm 2050 tỷ lệ này là 25%. Từ đây, có thể thấy, xã hội Việt Nam đang đặt lên vai mình gánh nặng về an sinh xã hội đối với người cao tuổi, trong khi “bắt” người cao tuổi phải nghỉ hưu và không cho họ cơ hội đóng góp trí tuệ, kỹ năng trong các lĩnh vực. Chính những quan niệm của người dân và xã hội là thách thức trong tạo việc làm, bảo đảm thu nhập cho người cao tuổi hiện nay.

Bà Tạ Thị Khôi (62 tuổi, Bình Minh, Thanh Oai, Hà Nội) chia sẻ, mặc dù sức khoẻ tốt và vẫn mong muốn làm việc để tăng thu nhập, tự chủ trong chi tiêu nhưng vì ở nông thôn nên đi tìm kiếm việc làm khá khó khăn, bà chỉ còn cách ai thuê gì làm nấy. Vừa qua, do tác động của đại dịch Covid-19 khiến cho cuộc sống của nhiều người cao tuổi lại càng khó khăn hơn, họ bị mất sinh kế, thu nhập giảm sút nghiêm trọng.

Theo Báo cáo tại Diễn đàn sinh kế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi, phần lớn người cao tuổi nước ta có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định hoặc không có thu nhập, sống phụ thuộc vào con, cháu, người thân. Tỷ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo cao (khoảng hơn 20%). Số lượng người cao tuổi có lương hưu, bảo hiểm, trợ cấp xã hội thấp cả về độ bao phủ và mức hưởng. Hiện nay, khoảng 70% người cao tuổi ở Việt Nam sống tại khu vực nông thôn là nông dân và làm nông nghiệp; trên 70% người cao tuổi không có tích lũy vật chất và chỉ có chưa đầy 30% người cao tuổi sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội.

Trên thực tế, chúng ta có thể thấy nhiều công việc người cao tuổi làm được mà không ảnh hưởng tới nguồn cung việc làm của người trẻ. Họ có thể tham gia làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp từ cổng vào như bảo vệ đến những công việc hành chính, phục vụ, kho, quản lý… Thậm chí, trong nhiều nhà máy của các doanh nghiệp, những dây chuyền sản xuất cũng có sự tham gia của người lao động cao tuổi.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Phương, khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Công Đoàn, để tạo được sinh kế cho người cao tuổi, cần phải thiết lập các trung tâm giới thiệu việc làm cho lao động cao tuổi để họ tiếp cận và nhận được sự hỗ trợ tìm việc làm. Bảo đảm môi trường làm việc thuận lợi và bình đẳng cho người cao tuổi; đồng thời, cung cấp cơ hội đào tạo lại cho cho họ được nâng cao tay nghề và kỹ năng, mới giúp họ có khả năng cạnh tranh trong tìm việc làm ở thị trường lao động mới. Ngoài ra, chúng ta cũng cần thực hiện vận động xã hội ủng hộ việc chống kỳ thị dựa vào tuổi trong việc làm và ban hành quy định pháp lý cụ thể để chống lại sự phân biệt theo tuổi.

Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm hơn đến công tác truyền thông trên báo chí về người cao tuổi nói chung, truyền thông về nghề sinh kế và việc làm cho người cao tuổi nói riêng, để một bộ phận công chúng chưa có hiểu biết đầy đủ về người cao tuổi, về vấn đề già hóa dân số, về phát huy vai trò của người cao tuổi./.