Theo quy định của Luật đất đai năm 2013 thì hạn mức giao đất, công nhận là đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân sẽ do UBND cấp tỉnh quy định. Khoản 1 Điều 3, Quyết định số 20/2017/QĐ-UBND ngày 01/06/2017 của UBND Thành phố Hà Nội về việc ban hành quy định về hạn mức giao đất; hạn mức công nhận quyền sử dụng đất; kích thước, diện tích đất ở tối thiểu được phép tách thửa cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội quy định về hạn mức giao đất ở trên địa bàn Thành phố Hà Nội, theo đó: Đối với khu vực các phường thì mức tối đa là 90m2; khu vực các xã giáp ranh các quận và thị trấn là 120m2; khu vực các xã vùng đồng bằng là 180m2; khu vực xã vùng trung du là 240m2; và xã vùng miền núi là 300m2.

Tuy nhiên, theo thạc sỹ - luật sư Nguyễn Đức Hùng, PGĐ Cty Luật TGS, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội thì vẫn có những trường hợp diện tích đất được công nhận là đất ở sẽ lớn hơn hạn mức đất ở theo quy định. Ví dụ:

- Đối với trường hợp thửa đất ở có vườn, ao được hình thành trước ngày 18 tháng 12 năm 1980 và người đang sử dụng có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật đất đai năm 2013 thì diện tích đất ở được xác định theo giấy tờ đó. Còn nếu các lọai giấy tờ nêu trên mà chưa xác định rõ diện tích đất ở thì diện tích đất ở được công nhận không phải nộp tiền sử dụng đất được xác định bằng không quá 05 lần hạn mức giao đất ở theo quy định (Khoản 2 Điều 103 Luật Đất đai năm 2013).

- Trường hợp, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng khác từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 (mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất và không vi phạm pháp luật đất đai) thì nếu diện tích dùng để làm nhà ở và các công trình phục vụ đời sống lớn hơn hạn mức công nhận đất ở thì vẫn được công nhận theo đúng diện tích đã xây dựng đó (Điểm a, Khoản 1 Điều 20 Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ).

Trong trường hợp của gia đình anh Phạm Văn Toản, luật sư Hùng cho biết, theo quy định của pháp luật thì không phải tất cả các trường hợp sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 thì đều không phải nộp tiền sử dụng đất. Việc xác định chính xác việc gia đình thính giả có phải nộp tiền sử dụng đất hay không, nếu có thì mức nộp tiền như thế nào sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Nguồn gốc đất, thời điểm sử dụng đất, các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất, cũng như khi được giao đất thì gia đình thính giả đã thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước hay chưa?

Mời quý vị nghe tư vấn của thạc sỹ - luật sư Nguyễn Đức Hùng, PGĐ Cty Luật TGS về trường hợp gia đình anh Phạm Văn Toản tại đây: