Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2022, toàn ngành Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2022, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong đó có việc triển khai hiệu quả công tác rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, ban hành các văn bản pháp luật tạo hành lang cho quản lý công tác tài chính hiệu lực, hiệu quả.

Theo đó, Bộ Tài chính đã triển khai hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. Cụ thể, đã trình Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), cho ý kiến Luật Giá (sửa đổi) và thông qua 03 Nghị quyết; trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua 02 Nghị quyết và cho ý kiến về định hướng sửa các Luật Thuế; trình Chính phủ ban hành 17 Nghị định và đang xem xét ban hành 29 dự thảo Nghị định, chiếm 44,7% tổng số Nghị định của Chính phủ ban hành (103 Nghị định); trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 04 Quyết định, xem xét ban hành 03 Dự thảo Quyết định; ban hành theo thẩm quyền 68 Thông tư. Đồng thời, tập trung rà soát các Luật thuế để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới. Việc xây dựng và ban hành các văn bản cơ bản đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng, góp phần hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực tài chính – NSNN, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp, người dân, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, đã rà soát, hệ thống hóa danh mục văn bản pháp luật; cập nhật đầy đủ, kịp thời trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và Cơ sở dữ liệu quốc gia; tăng cường tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật, chính sách chế độ mới; hỗ trợ, tư vấn pháp luật về thuế, chính sách tài chính cho doanh nghiệp, người dân.

Trong năm 2022, Bộ Tài chính đã hoàn thành 100% (159/159) nhiệm vụ được giao; rà soát, bãi bỏ 130 thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung, thay thế 161 thủ tục và ban hành mới 57 thủ tục trong các lĩnh vực: hải quan, quản lý thuế, tài chính ngân hàng, tài chính doanh nghiệp và quản lý nợ; thực hiện công khai, cập nhật kịp thời lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính theo quy định, đạt 801/801 thủ tục, đạt 100% kế hoạch, đến nay, tổng số thủ tục hành chính còn hiệu lực thuộc phạm vi quản lý là 801 thủ tục hành chính; công bố 290 chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý tại 14 Quyết định. Đồng thời, đang hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý ngành.

Năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật trong lĩnh vực tài chính để đảm bảo thị trường tài chính và dịch vụ tài chính vận hành ổn định, an toàn. Bộ Tài chính cũng tập trung hoàn thiện trình Quốc hội ban hành Luật Giá (sửa đổi) và theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả; làm tốt công tác phân tích, dự báo, xây dựng các kịch bản điều hành giá phù hợp với từng giai đoạn; chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ thao túng thị trường.