Chia sẻ mới đây tại diễn đàn "Kinh doanh và Pháp luật Việt Nam" năm 2024, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty Cổ phần Bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest), Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) nêu dẫn chứng cụ thể trong việc giải phóng mặt bằng đối với hộ thuộc trường hợp bị cưỡng chế, để đối thoại được với dân, doanh nghiệp phải tuân thủ các thủ tục theo luật định như: làm thủ tục đủ 60 ngày, gặp đủ 3 lần với các bên liên quan, sau đó mới được đối thoại về vấn đề thu hồi đất. “Có dự án của chúng tôi phải thực hiện 177 bước, kéo dài 360 ngày mới đủ điều kiện đối thoại trước khi cưỡng chế giải phóng mặt bằng. Do vậy, giải phóng mặt bằng đang là gánh nặng mà doanh nghiệp bất động sản phải chịu”. – ông Hiệp bức xúc.

Một vấn đề khác cũng được ông Hiệp nêu lên là thủ tục điều chỉnh quy hoạch dự án quá phức tạp. Theo ông, gần như mọi dự án bất động sản đều phải điều chỉnh quy hoạch trong quá trình thực hiện. Nhưng bất kỳ một điều chỉnh nào cũng đều phải xin đủ ý kiến các bên liên quan, rồi sau đó lại tiếp tục xin điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, điều này khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian và công sức. Theo Chủ tịch Công ty Cổ phần Bất động sản Toàn Cầu những vướng mắc được ông nêu ra là do những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản chịu sự chi phối của 15 đạo luật. Mỗi đạo luật lại do một bộ ngành soạn thảo nên xảy ra sự chồng chéo, mâu thuẫn.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (Ban IV) cũng đã đồng tình với những vướng mắc mà ông Hiệp đã nêu. Chồng chéo trong các quy định của pháp luật, rườm rà trong thủ tục hành chính là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp “ngán ngẩm” khi thực hiện các dự án đầu tư nên cấp thiết phải “gỡ khó” cho doanh nghiệp. Theo bà Thủy, vướng mắc về thủ tục hành chính luôn nằm trong top 3 vướng mắc doanh nghiệp gặp phải, theo khảo sát mới đây, vướng mắc này đã trở thành vấn đề đứng thứ 2. Tuy Chính phủ đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ những vướng mắc, nhưng vẫn còn nhiều nội dung khó, nhất là liên quan đến dự án đầu tư nước ngoài, vì vậy cần tập trung cao độ để giải quyết bài toán liên quan đến cải cách thủ tục hành chính và câu chuyện minh bạch thông tin tiến độ của các dự án đầu tư. “Thời gian là tiền bạc, là cơ hội, không chỉ doanh nghiệp thiệt mà là tài sản của nguồn lực, của nhiều bên và cả công sức của cơ quan Nhà nước bỏ vào đó nữa” – Bà Thủy nhận định.

Liên quan đến các đề xuất trên, theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, Bộ đã tham mưu trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản với nhiều quy định được cải cách. Bộ cũng đang được giao chủ trì đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi 4 luật bao gồm: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức công tư, Luật Đấu thầu. Theo đó, Luật Đầu tư tiếp tục phân cấp thẩm quyền chủ trương đầu tư với một số dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương và tăng tính chủ động. Thời gian tới, một số thủ tục hành chính về đầu tư sẽ được gỡ bỏ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư./.