Hiện nay, nhiều nước phát triển trên thế giới đã xây dựng các trung tâm dữ liệu tập trung và các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia nhằm phát huy triệt để vai trò, giá trị của nguồn tài nguyên dữ liệu trong phục vụ quản trị quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; hoạt động này đã trở thành xu thế tất yếu trên thế giới. Nhiều nước coi đây là nội dung trọng tâm trong xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển nền kinh tế số; qua đó từng bước tạo dựng và xác lập vị trí quốc gia trên bản đồ công nghệ thế giới.

Tại Châu Á, một số nước đã tập trung xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia để tạo nền tảng đẩy mạnh chuyển đổi số và đạt được thành tựu như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc... Để hoàn thành việc xây dựng, vận hành hiệu quả các trung tâm dữ liệu quốc gia cần bảo đảm những điều kiện như: Hoàn thiện quy định pháp luật về dữ liệu; xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia quy mô lớn với nhiều trung tâm để quản lý tập trung, chia sẻ dữ liệu; có tổ chức độc lập để xây dựng, vận hành, quản lý trung tâm dữ liệu quốc gia; ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn chung đối với quản lý, lưu trữ, khai thác dữ liệu; có nguồn nhân lực chất lượng cao và chính sách đặc thù, đãi ngộ phù hợp...

Tại nước ta, Chính phủ đã khởi tạo và hình thành được 07 cơ sở dữ liệu quốc gia; một số cơ sở dữ liệu quốc gia đã có sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu góp phần cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân; hạ tầng công nghệ xây dựng các trung tâm dữ liệu bước đầu được quan tâm đầu tư hơn... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như việc bảo đảm hạ tầng triển khai hệ thống công nghệ thông tin, trùng lặp thông tin tại các cơ sở dữ liệu, chưa bảo đảm các tiêu chuẩn, an toàn thông tin hệ thống, chưa kết nối, liên thông dữ liệu…

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Nghị quyết số 175 ngày 30/10/2023 về phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia đã xác định việc xây dựng Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, Trung tâm dữ liệu quốc gia với vai trò là trụ cột dữ liệu chính để tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số và hình thành xã hội số ở nước ta. Việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng, lưu trữ tập trung dữ liệu, sử dụng chung hạ tầng công nghệ thông tin sẽ tiết kiệm rất nhiều so với việc đầu tư các hệ thống riêng biệt. Các thông tin được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia cũng sẽ được chia sẻ phục vụ để việc khai thác chung cho các bộ, ngành, địa phương; cơ quan quản lý dữ liệu không phải thiết lập thêm các kênh kết nối, chia sẻ riêng đối với các thông tin đã được bổ sung, lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia. Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ đi vào hoạt động, là nơi lưu trữ, tổng hợp, phân tích, điều phối dữ liệu, cung cấp hạ tầng cho các bộ, ngành, địa phương.

Chuyên gia an ninh mạng Lê Thanh Tùng - Giám đốc Công ty tư vấn chuyển đổi số HST Consulting cho biết: Dữ liệu là một thành phần quan trọng nhất trong các hoạt động chuyển đổi số bởi nguyên liệu chính là tài nguyên, tài sản. Mọi ứng dụng có thể khai thác được phải có trên cơ sở dữ liệu. Do đó, chúng ta cần có một nguồn dữ liệu tổng hợp và chính xác và đảm bảo thông tin của dữ liệu là rất quan trọng.

Qua thống kê của Bộ Công an, hiện có hơn 60 văn bản luật có quy định về cơ sở dữ liệu (bao gồm cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành) và một số luật, hồ sơ đề nghị xây dựng luật có quy định liên quan đến dữ liệu như Luật Giao dịch điện tử năm 2023, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Viễn thông năm 2023, Luật Công nghệ thông tin, Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số… các luật này đã quy định về 33 cơ sở dữ liệu quốc gia, 39 cơ sở dữ liệu chuyên ngành… nhưng lại đang thiếu về những quy định cụ thể liên quan đến quản lý dữ liệu và chưa có quy định đầy đủ về các dịch vụ sử dụng dữ liệu này. Hay các nguồn công nghệ mới như AI, Blockchain và Internet of Things (IoT) đang thúc đẩy sự thay đổi toàn diện về cách thức quản lý, trao đổi và sử dụng thông tin. Để khai thác nguồn dữ liệu này, cần có một hệ thống đồng bộ quản lý và sử dụng thông tin của các cơ sở dữ liệu này để phục vụ lợi ích của người dân và quản lý nhà nước. “Cần ban hành luật Dữ liệu để đảm bảo sự đồng nhất, thống nhất, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, đảm bảo sự quản lý Nhà nước và phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước là hết sức cấp thiết” - ông Lê Thanh Tùng - Giám đốc Công ty tư vấn chuyển đổi số HST Consulting nhấn mạnh.

Thiếu tá, Thạc sỹ Dương Hoàng Long, chuyên viên chính, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an cho biết: Bộ Công an đang lấy ý kiến lần 2 về dự án Luật Dữ liệu. Nếu được ban hành, Luật Dữ liệu sẽ có tác động quan trọng tới việc đơn giản hóa thủ tục hành chính. Một trong những nội dung quan trọng của Dự án luật Dữ liệu là quy định về việc xây dựng Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia. Đây sẽ là cơ sở dữ liệu tập hợp, tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, chia sẻ, phân tích, khai thác, chia sẻ dữ liệu của các cơ quan nhà nước và dữ liệu của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật nhằm hình thành kho dữ liệu về con người và kho dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Việc khai thác, sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia sẽ tác động đến tất cả các thủ tục hành chính hiện có theo hướng tích cực. Đối với việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống, thay vì hệ thống của một bộ, ngành, địa phương phải kết nối với các hệ thống của các bộ, ngành khác và hệ thống thông tin các địa phương thì chỉ cần kết nối với Trung tâm dữ liệu quốc gia. Do đó sẽ giảm được số thủ tục, số lượt phải thực hiện kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin giữa các cơ sở dữ liệu từ bộ, ngành, địa phương với các hệ thống thông tin khác; bảo đảm việc xử lý dữ liệu trong việc giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện nhanh hơn.

Luật Dữ liệu ra đời sẽ cắt giảm được nhiều thủ tục hành chính liên quan đến cập nhật, điều chỉnh, bổ sung thông tin trong các cơ sở dữ liệu khác thông qua việc đồng bộ, cập nhật, bổ sung với Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia. Khi một dữ liệu được thay đổi bởi cơ quan chủ quản dữ liệu thì sẽ được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và đồng bộ tự động đến các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, từ đó giúp người dân không phải thực hiện các thủ tục hành chính để điều chỉnh thông tin theo từng lĩnh vực quản lý nhà nước.

Đối với trường hợp giấy tờ, tài liệu được quy định phải có trong thủ tục hành chính đã có thông tin trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia thì công dân không cần phải xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh. Quy trình giải quyết thủ tục hành chính cũng được đơn giản hóa, không cần phải kê khai nhiều thông tin như trước.

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả cung cấp thông tin để phục vụ hoạt động quản lý nhà nước như giảm thủ tục, quy trình liên quan đến phân loại, điều tra thống kê, báo cáo thống kê; phân tích, tổng hợp, xây dựng kế hoạch, quy hoạch… và nhiều thủ tục hành chính nội bộ khác trong cơ quan nhà nước.

Theo lộ trình Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Dự án Luật Dữ liệu sẽ được trình Quốc hội xem xét, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội Khóa XV; dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 06/2025).

Mời các bạn nghe trao đổi của phóng viên VOV2 với Thiếu tá, Thạc sỹ Dương Hoàng Long tại đây: