Khởi nghiệp đang là chủ đề nhận được sự quan tâm của rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, nhất là trong bối cảnh nước ta đang hội nhập mạnh mẽ với kinh tế thế giới. Khởi nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo sự tăng trưởng kinh tế, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao và đa dạng của xã hội, tạo ra nhiều việc làm cho cộng đồng và xã hội.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 10/2023, cả nước có hơn 15,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 125,8 nghìn tỉ đồng, số lao động đăng ký gần 131,6 nghìn lao động, tăng 21,7% về số doanh nghiệp, tăng 7,4% về vốn đăng ký và tăng 64,3% về số lao động so với tháng 9/2023. So với cùng kỳ năm trước, tăng 18,5% về số doanh nghiệp, tăng 17,7% về số vốn đăng ký và tăng 71,2% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 8,2 tỉ đồng, giảm 11,7% so với tháng trước và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước.

Nhu cầu thành lập doanh nghiệp hiện nay ngày càng tăng, nhất là đối với giới trẻ năng động, nhiệt huyết, được tiếp cận nhiều kiến thức như hiện nay.

Tốt nghiệp ngành kinh tế năm 2014, Trần Huyền Nga ở Hải Dương chọn làm việc trong ngành bán lẻ. Thử sức ở một số doanh nghiệp, Nga thấy “oải” khi công sức bỏ ra nhiều nhưng thành quả thu lại chẳng được bao nhiêu. Hàng ngày phải đối mặt với bao áp lực về hàng hóa, đơn hàng đi, đơn “bom”…. từ sáng sớm đến đêm, thậm chí không có thời gian dành cho bản thân. 7 năm cống hiến và cóp nhặt những kinh nghiệm quý giá trong lĩnh vực bán lẻ cộng với có một số tiền nhỏ, Nga đã quyết định làm đơn xin nghỉ việc và tự thành lập công ty chuyên về lĩnh vực bán lẻ. "Mình cũng đã suy nghĩ lâu rồi, chỉ có làm chủ mới có thể mạnh được chứ làm thuê chừng ấy năm là đủ rồi. Biết là gian nan hơn rất nhiều so với làm thuê, mình phải tự làm từ A tới Z nhưng mà cứ nghĩ khó thì bao giờ mới làm được." - Nga tâm sự.

Trong “không gian mở” như ngày nay, có không ít thế hệ gen Z (sinh năm 1995 trở lại đây) chọn con đường khởi nghiệp thay vì sau khi ra trường mang hồ sơ đi xin việc và làm theo kiểu làm công ăn lương. Vũ Lương Thanh Tú là một ví dụ. Sinh năm 2001, học ngành Quản trị du lịch, ngay trong khi ngồi trên ghế nhà trường, cô đã xin đi làm cho các công ty lữ hành ở Hà Nội. Sắp ra trường, nhưng Tú đã tính đến chuyện tự lập công ty du lịch. "Nhiều thương hiệu và doanh nghiệp của Gen Z nhưng đã rất đáng gờm, em muốn được như họ và cũng muốn thử sức mình. Em thực sự sự rất thán phục trước sự đột phá về tư duy của những người trẻ và cũng muốn được thành công như vậy." - Tú cho biết.

Tuy nhiên với những người trẻ này, việc thành lập công ty gặp nhiều rào cản về vốn, công nghệ, nhân sự,… bởi vậy, thành lập doanh nghiệp nhỏ là phương án tối ưu nhất trong trường hợp này. Doanh nghiệp nhỏ giúp cho nhiều cá nhân có thể thực hiện được ước mơ khởi nghiệp của chính bản thân mình. Cũng giống như những loại hình doanh nghiệp khác, doanh nghiệp nhỏ cũng có những yêu cầu, hồ sơ thủ tục cho từng trường hợp riêng. Luật sư Hoàng Trọng Giáp - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hoàng Sa cho biết về trình tự, thủ tục thành lập doanh nghiệp như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Chủ doanh nghiệp cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp. Các thông tin doanh nghiệp cần xác định trong quá trình chuẩn bị hồ sơ bao gồm:

- Xác định loại hình doanh nghiệp

Loại hình doanh nghiệp là yếu tố quan trọng cần phải xem xét và nắm vững. Theo đó, chủ doanh nghiệp xác định và chọn lựa loại hình doanh nghiệp phù hợp nhất với định hướng phát triển của công ty. Chủ doanh nghiệp có thể cân nhắc đến một số yếu tố lựa chọn loại hình công ty như: thuế, trách nhiệm pháp lý, khả năng chuyển nhượng, bổ sung, thay thế, quy mô doanh nghiệp để thu hút nhà đầu tư khác.

Tại Việt Nam, có các loại hình doanh nghiệp phổ biến bao gồm: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty hợp danh, Công ty TNHH 1 thành viên, Công ty TNHH (2 thành viên trở lên), Công ty cổ phần.

- Lựa chọn ngành nghề kinh doanh

Theo quy định của pháp luật hiện hành, các doanh nghiệp tự do kinh doanh theo những ngành nghề không bị pháp luật nghiêm cấm (Theo Điều 7 của Luật Doanh nghiệp)

- Đặt tên doanh nghiệp & địa chỉ trụ sở

Tên công ty là yếu tố liên quan đến việc nhận diện thương hiệu. Vì vậy, khi đặt tên công ty, nên đặt tên ngắn gọn, dễ nhớ, dễ phát âm, không bị trùng hay gây nhầm lẫn với tên của những công ty đã thành lập (trừ tên của những doanh nghiệp đã giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản bởi tòa án). Để xác định tên công ty có trùng với những công ty khác hay không, tra cứu tại “Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp”.

Bên cạnh đó, trụ sở doanh nghiệp là địa điểm liên lạc của doanh nghiệp tại Việt Nam. Địa điểm được xác định bao gồm: Số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc trung ương, số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).

Lưu ý: Căn hộ không có chức năng làm văn phòng, nhà riêng lẻ xây dựng không phải trên đất thổ cư không được phép làm trụ sở công ty. Bởi đây là những nơi không có chức năng sử dụng trong việc kinh doanh.

- Đăng ký vốn điều lệ

Vốn điều lệ là loại vốn góp bởi các thành viên, cổ đông hoặc cam kết góp đủ trong thời hạn nhất định (theo quy định không được phép quá 90 ngày kể từ ngày được cấp phép hoạt động) và được ghi vào Điều lệ công ty.

- Lựa chọn chức danh người đại diện

Giám đốc hoặc tổng giám đốc là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp. Quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật được quy định cụ thể tại Điều lệ công ty.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Người thành lập hoặc người được ủy quyền đăng ký doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ đăng ký gửi tới Cơ quan đăng ký kinh doanh bằng một trong các hình thức sau đây: Nộp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh, Nộp qua dịch vụ bưu chính, Nộp qua mạng thông tin điện tử,...

Khi đó, trong hồ sơ công ty gửi cần có những giấy tờ bao gồm:

- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp

- Dự thảo điều lệ công ty

- Danh sách cổ đông, thành viên sáng lập

- Giấy tờ chứng thực của thành viên, người đại diện theo pháp luật;

- Giấy tờ chứng thực cá nhân còn hiệu lực của người đại diện theo ủy quyền và người đại diện theo pháp luật

- Văn bản xác nhận vốn pháp định

- Bản sao chứng chỉ hành nghề và CMND của người có chứng chỉ hành nghề đối với doanh nghiệp kinh doanh các ngành, nghề yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề.

Bước 3: Giải quyết hồ sơ

Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đã hợp lệ chưa và cấp đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo văn bản cho người thành lập doanh nghiệp những nội dung cần sửa đổi, bổ sung./.

Mời quý vị và các bạn nghe âm thanh tại đây: