Khu cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 Trung tâm y tế TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang như bị trói chặt bởi những sợi dây bao quanh. Hàng rào sắt là “giới tuyến” ngăn cách vùng xanh với cả một vùng đỏ. Tại đây, 2 bác sĩ, 4 điều dưỡng cả tháng nay vẫn bám trụ "trận địa", thời gian với họ cũng là một khái niệm thật xa xỉ.

Áp lực gần 80 bệnh nhân, 2 bác sĩ

Hơn 12h trưa, tại Phòng hồi sức 3, bước chân gấp gáp của bác sĩ Vương Hà Hoàng Nam (27 tuổi) và các đồng nghiệp hòa vào tiếng của máy thở. Cụ bà mắc Covid-19 nặng mới chuyển vào lúc 9h sáng nay trong tình trạng suy hô hấp, SPO2 tuột sâu, vượt quá khả năng điều trị.

“Gọi xe cấp cứu!”

Bác sĩ Nam giải thích tình trạng bệnh nhân cho người nhà “phải chấp nhận tình huống cụ không qua khỏi trên đường chuyển tuyến”.

Cánh cửa xe cấp cứu đóng lại, tiếng còi hú xé tan không gian. Bần thần nhìn theo xe cấp cứu xa dần không biết bác sĩ Nam nghĩ gì nhưng con đường chuyển bệnh nhân từ Trung tâm Y tế TP. Hà Tiên lên Bệnh viện đa khoa Kiên Giang còn rất dài.

Liên tục 1 tháng tham gia điều trị cho bệnh nhân Covid-19, chưa một ngày ra trực, hằng ngày ít thì 1-2 ca, nhiều thì 4-5 ca chuyển tuyến nhưng các y bác sĩ ở đây không cho phép mình hụt hẫng quá lâu bởi trong kia, gần trăm bệnh nhân vẫn cần họ chăm sóc.

Bệnh nhân nặng nhiều, diễn tiến nhanh, ngày nào ở đây cũng là một cuộc chiến nhưng điều khiến cho các y bác sĩ căng thẳng còn là lựa chọn giữ bệnh nhân ở lại điều trị tiếp hay chuyển tuyến.

“Mình ở đây quá tải nhưng tuyến trên cũng đông bệnh nhân, phải cân nhắc chuyển thì bệnh nhân có an toàn trên đường đi không? Nếu mình điều trị được mà chuyển lên trên thì sẽ tạo áp lực cho các đồng nghiệp ở đó”, bác sĩ Nam cho biết.

Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 đặt tại Trung tâm y tế TP Hà Tiên thuộc tầng 2-3 trong tháp điều trị 3 tầng theo kế hoạch có 70 giường nhưng hiện đã có gần 80 bệnh nhân. Bình quân một bác sĩ điều trị cho 40 bệnh nhân “nhưng tình hình chung thì ở đâu cũng thiếu nên phải chấp nhận vì đồng nghiệp còn chi viện cho nhiều nơi khác nữa”.

Trung tâm y tế TP Hà Tiên không chỉ tiếp nhận bệnh nhân trong thành phố mà còn từ các huyện Kiên Lương, Giang Thành và Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 Mỹ Đức chuyển lên. Số lượng F0 tăng nhanh đang tạo ra áp lực lớn cho đội ngũ nhân viên y tế.

Cuối tháng 8, kết thúc tua trực sau 1 tháng, bác sĩ Nam được ra khu cách ly dành cho nhân viên y tế nhưng sau đó ít lâu, khoảng 4-5h sáng anh nhận được điện thoại của ban giám đốc, có ca nặng đang diễn tiến cần vào hỗ trợ.

“Lúc vào hỗ trợ cho tua trực thì bệnh nhân đã chuyển nặng, cố gắng điều trị cấp cứu tích cực nhưng diễn tiến quá nhanh, bệnh nhân không qua khỏi. Covid-19 phá hỏng nỗ lực của nhân viên y tế”.

Đó là ca tử vong đầu tiên và cũng là duy nhất đến thời điểm hiện tại ở Trung tâm y tế Hà Tiên. Từ đó đến giờ, bác sĩ Nam quyết định ở lại trực luôn. Vậy là đã 2 tháng liền anh vẫn bám trụ "trận địa".

Vượt qua giới hạn

Ngăn cách với phòng hồi sức bằng một bức tường kính là phòng điều hành, bác sĩ Đinh Văn Vượng (56 tuổi) mới từ ICU trở ra. Bên tập hồ sơ chất ngày càng dày, ông đặt bút ghi bệnh án, chốc chốc quan sát camera rồi ngó nghiêng bệnh nhân qua tường kính.

Bác sĩ Vượng vào khu cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 từ ngày 24/8. Ông từng tham gia điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 trở về từ Campuchia nhưng khi đó “100 ca mới có 1 ca nặng, điều trị mau hồi phục nhưng bây giờ bệnh nhân Covid trong cộng đồng nhiều, từ người già, có bệnh nền cho đến trẻ em…với diễn biến nhanh kinh khủng”.

“Có khi bệnh nặng, cấp cứu 6-7 tiếng đồng hồ, 2 bác sĩ 4 điều dưỡng thay nhau, người này mệt thì người khác vào, cấp cứu xong ướt đẫm mồ hôi, mới cởi đồ ra có bệnh nhân lại phải mặc đồ vào. Có khi ngày tắm 2-3-4 lần. Có những khi làm xong thì không ăn nổi cơm nữa”.

Hôm qua, cả tua trực thức đến sáng, nguyên cả ngày bác sĩ Nam cũng không được ngủ. Bênh nhân được đón vào, chuyển ra liên tục. “Tụi mình làm việc thường xuyên tới 2-3h sáng mới chợp mắt, sáng sớm đã bắt đầu công việc mới mỗi ngày”.

Hai tháng trực, bác sĩ Nam thường xuyên làm việc liên tục trong thời gian từ 16-17 tiếng đồng hồ, anh cười nhẹ nhàng “không biết vì điều gì mà làm được như vậy, một ngày chỉ nghỉ được vài tiếng đồng hồ nhưng tới nay vẫn còn sức chiến đấu, thấy mình cũng vượt qua giới hạn”.

Rồi anh trả lời “có những lúc áp lực cũng muốn xin ra nghỉ ngơi lắm nhưng chắc vì bệnh nhân, đây cũng là quê hương mình, đóng góp được gì cho quê hương mình, đất nước mình thì cố gắng”.

“Cứu được ai thì mình sung sướng”

Khu hồi sức tập trung nhiều bệnh nhân nặng. Có người trông khỏe mạnh, không triệu chứng nhưng đo SPO2 thì mấp mé tuột. Khó khăn, vất vả không sợ chỉ sợ bệnh nhân không hợp tác.

“Có những người già tâm lý muốn được về sớm, hỏi là cô có mệt không thì họ trả lời “không, tôi khỏe lắm!”, nhưng cặp SPO2 vào thì thấy 91, 92, 89. Người ta cố tình giấu bệnh để xuất viện về bên gia đình.

Cũng có những bệnh nhân rất “quậy”, bác sĩ nói gì bệnh nhân cũng không nghe, phải ân cần giải thích, thuyết phục. Lại có nhiều bệnh nhân lo sợ đến nỗi nằng nặng đòi bác sĩ ở bên cạnh 24/24”.

Bác sĩ Nam kể về những tình huống dở khóc dở cười khi điều trị cho bệnh nhân Covid-19. “Nhưng cứu được ai thì mình sung sướng”, rồi anh dẫn chúng tôi vào khu bệnh nhẹ.

Chị H một trong những bệnh nhân nặng hồi phục thần kỳ. Cách đây 14 ngày, chị chuyển vào Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 trong tình trạng suy hô hấp nặng, SPO2 chỉ 78, tiên lượng xấu, phổi tổn thương trên 50%. Nhờ sự nỗ lực của các y bác sĩ và cả bệnh nhân, sau một tuần điều trị bệnh nhân chuyển biến tốt, cai thở oxy, tập thở khí trời.

Chị H giơ tay vẫy chào khi nhìn thấy nhân viên y tế. “Vô được mười mấy bữa, giờ khỏe nhiều rồi. Tôi nhớ lúc nguy kịch, các bác sĩ động viên “em đừng có buồn rầu, em cố gắng lên, không phải lo lắng nhiều”. Tôi năn nỉ bác sĩ cho con gái vào chăm sóc nhưng đây là vùng đỏ, nguy hiểm nên các bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc như người thân từ bữa ăn đến vệ sinh cá nhân. Tôi mang ơn các bác sĩ ở đây”, chị H kể.

2 vợ chồng - 2 trận tuyến

Phút hiếm hoi giữa ca trực, bác sĩ Đinh Văn Vượng nhận cuộc gọi từ vợ. Công tác tại Hà Tiên từ năm 1987 đến nay, 6 năm nữa ông sẽ nghỉ hưu. Nhẽ ra không cần phải vào ICU nhưng “vì nhiệm vụ nhà nước phải đi làm thôi”.

Bác sĩ Vượng đã lên chức ông. Các con khuyên bố không nên vào khu hồi sức nhưng ông bảo “đã theo nghề này dịch bệnh đến thì phải ra sức cứu bệnh nhân chứ để dịch bệnh bùng phát thì rất nguy hiểm?”.

Còn vợ chồng bác sĩ trẻ Vương Hà Hoàng Nam cũng đã 7-8 tháng nay chưa một lần gặp nhau. Vợ anh là nhân viên y tế tham gia chống dịch Covid-19 thuộc quân số của Trung tâm y tế Châu Đốc (An Giang).

“Ăn Tết xong 2 vợ chồng mỗi người một ngả. Giờ đây 2 vợ chồng ở 2 trận tuyến. Vợ thường động viên cố gắng chống dịch để còn được gặp nhau”, bác sĩ tâm sự. Kế đó, các đồng nghiệp trêu anh “anh ấy sắp khóc rồi kìa”.

Có lẽ dù chuẩn bị tinh thần nhưng trong đợt bùng phát dịch bệnh lần này, bác sĩ Nam, bác sĩ Vượng và các đồng nghiệp của họ cũng chưa tưởng tượng hết được sự khốc liệt của cuộc chiến này. Thời gian tham gia chống dịch đã phải kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu, sự cố gắng của họ đã vượt lên cả giới hạn vì “giữa sự sống và cái chết của bệnh nhân mình phải cố gắng”.

Kiên Giang trong làn sóng dịch lần thứ 4 đã có nhiều huyện, nhất các huyện ở Tứ giác Long Xuyên gồm Hà Tiên, Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất có số ca nhiễm cộng đồng cao. Riêng Hà Tiên số ca nhiễm tăng lên đột biến, từ chùm bệnh ngày 26/8 tại Trung tâm Thương mại Hà Tiên đã mở rộng các ca lây nhiễm ở 6/7 xã phường.

Hà Tiên được xác định là Trung tâm điều trị vùng cho cả thành phố và 3 huyện phụ cận là Kiên Lương, Giang Thành, Hòn Đất. Theo quyết định của tỉnh, Hà Tiên được điều trị theo phân tầng 1-2 và phần thấp nhất của tầng 3 với khả năng thu dung 1570 giường. Trong thời gian ngắn số lượng F0 phát sinh đột biến đang tạo ra áp lực cho hệ thống y tế.

Ngay tại Trung tâm điều trị Mỹ Đức thuộc tầng 1-2 với khả năng tiếp nhận 1200 bệnh nhân, áp lực điều trị đang tiệm cận kế hoạch ấn định.

Trung tâm y tế Hà Tiên là Trung tâm y tế loại 3 với tổng đội ngũ công nhân viên chức 156 người, chia ra các khu vực chăm sóc sức khỏe bình thường cho người dân, đảm bảo thu dung điều trị cho các khu điều trị theo phân tầng của tỉnh, đồng thời đảm bảo lực lượng tham gia truy vết ca F1, F0 trên địa bàn.