Theo khoa Y, Đại học Y Dược TP.HCM, đứng trước nỗi đau mất mát chứng kiến người thân ra đi, tâm lý con người thường trải qua 5 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Chối bỏ, là giai đoạn đầu có thể giúp bạn sống sót sau mất mát. Con người thường phủ nhận tình huống thực tế đang xảy ra.

Giai đoạn 2: Tức giận, là giai đoạn phổ biến để suy nghĩ “ tại sao lại là tôi?” và “cuộc sống không công bằng!”. Lúc này, con người khó kiểm soát được cảm xúc, hướng sự giận dữ của mình tới những người hoặc vật xung quanh.

Giai đoạn 3: Thương lượng, ở giai đoạn này người chứng kiến mất mát thường có những hy vọng hão huyền. Họ tìm những lí do từ bên ngoài để bảo vệ bản thân khỏi vấn đề thực tại.

Giai đoạn 4: Trầm cảm, ở giai đoạn này chúng ta có 2 trạng thái phổ biến là buồn bã, hối tiếc và yên lặng, chỉ muốn ở một mình.

Giai đoạn 5: Chấp nhận, lúc này người trải qua mất mát bắt đầu quay lại với thực tế. Họ bình thản và chấp nhận thực tại.

Người chứng kiến những mất mát sau đại dịch Covid-19 có thể trải qua hoặc không trải qua các giai đoạn trên theo thứ tự, không có khoảng thời gian cụ thể nào được đề xuất cho từng giai đoạn.

Đại học Y Dược TP.HCM cũng đưa ra các triệu chứng phổ biến của đau buồn bao gồm: mất ngủ; mệt mỏi, đau nhức; ăn không ngon; căng thẳng; tức giận; lo lắng; xa lánh người xung quanh; hành vi bất thường và buồn bã.

Để chăm sóc sức khoẻ tinh thần, giúp người thân vượt qua nỗi đau, mất mát sau đại dịch, chúng ta có thể tổ chức buổi lễ để kỉ niệm, tưởng nhớ người đã mất.

Tự chăm sóc bản thân bằng cách ngủ đủ giấc, ăn những món ăn có lợi cho sức khỏe, thư giãn với Yoga, âm nhạc, thiền…Chúng ta cũng có thể chăm sóc cơ thể, vận động để giảm mệt mỏi, buồn phiền hay tâm sự, trò chuyện với người thân, người đáng tin cậy. Ngoài ra, bạn có thể tìm sự hỗ trợ từ tâm lý gia, liên lạc với bệnh viện, phòng khám có chuyên khoa về sức khỏe tâm thần.

Infographic do ĐH Y dược TP.HCM thực hiện: