Xác định đã đi chống dịch là không sợ hãi

“Xuống đây là xác định đi chống dịch nên gian khổ hơn ở nhà nhưng mọi người vượt qua được hết nhờ sự giúp đỡ của đồng nghiệp và Ban lãnh đạo bệnh viện” – bác sĩ Trương Vân Anh Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức, BV Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh trả lời nhẹ tênh khi được hỏi về những áp lực và nỗi vất vả tại Bệnh viện Dã chiến số 8 - một trong những cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 lớn nhất tại thành phố với quy mô 4.000 giường bệnh.

Hơn một tuần qua, bác sĩ Vân Anh cùng 200 bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Bình Dân đã không quản ngày đêm đảm nhiệm việc điều phối, tiếp nhận và theo dõi sức khỏe cho hàng nghìn ca mắc Covid-19. Mặc dù đa số người bệnh có biểu hiện bệnh nhẹ song công việc của cán bộ, nhân viên y tế tại đây không hề nhẹ nhàng. Số lượng bệnh nhân quá lớn, tình trạng nhiễm SARS-CoV-2 khiến nhiều người lo lắng, suy sụp.

Điều đầu tiên mà các bác sĩ và điều dưỡng phải làm khi tiếp nhận người bệnh là động viên, ổn định tâm lý để họ hợp tác điều trị. “Thường bệnh nhân hoang mang, lo sợ dữ lắm, ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe và gây ra tình trạng mệt, khó thở, ho, sốt. Chúng tôi phải đánh giá đó là do bệnh nhân sợ hãi hay bệnh chuyển nặng. Sau khi được trấn an bằng tâm lý hoặc bằng thuốc, đa số bệnh nhân đều yên tâm điều trị”, bác sĩ Vân Anh chia sẻ.

Hiện tại số F0 được đưa vào Bệnh viện dã chiến số 8 đã lên đến trên 2.500 người. Trong đó, tỉ lệ bệnh nhân có triệu chứng chuyển nặng phải điều trị ở mức 10%. Bác sĩ Vân Anh cho biết, đặc điểm của bệnh Covid-19 là tiến triển rất nhanh, nhiều trường hợp đang khó thở ở mức độ vừa thì đột ngột chuyển sang suy hô hấp. Điều đó, đòi hỏi các bác sĩ vừa theo dõi người bệnh sát sao vừa phản ứng thật nhanh để kịp thời cấp cứu và chuyển viện những ca bệnh nguy kịch.

Dù chia tua trực, để thay phiên nhau nghỉ ngơi nhưng bác sĩ Vân Anh cho biết, khó có thể tính thời gian làm việc mỗi ngày là bao nhiêu tiếng. Bởi giữa những giờ nghỉ, mỗi khi có bệnh nhân trở nặng hoặc dồn đến quá đông một lúc, các y bác sĩ lại được huy động để tập trung cứu chữa và tiếp nhận người bệnh. Trực tiếp làm các thủ thuật như mở nội khí quản cho F0, nguy cơ lây nhiễm rất cao nên bác sĩ Vân Anh luôn cẩn thận để tránh nhiễm bệnh vừa để bảo vệ bản thân và cũng là đảm bảo an toàn cho đồng nghiệp. Chị bảo, chỉ cần thực hiện thật tốt các biện pháp phòng hộ là không sợ hãi, không lùi bước trước bệnh dịch.

Cũng như nhiều y bác sĩ khác, chị để lại gia đình phía sau để lên tuyến đầu chống dịch. “Xa gia đình, con nhỏ là điều không ai mong muốn nhưng với cương vị là bác sĩ, khi Tổ quốc cần là mình sẵn sàng đi chống dịch. Điều tôi mong mỏi nhất bây giờ là mọi người trong cộng đồng thực hiện tốt 5K để số ca bệnh trong cộng đồng đừng tăng lên nữa. Bởi đợt dịch này đã tạo áp lực rất lớn cho thành phố, cho đất nước, cho ngành y tế, không chỉ những bác sĩ tuyến đầu mà cả những người đang gánh vác thay chúng tôi việc chăm sóc điều trị cho các bệnh nhân khác ở nhà.”- Bác sĩ Vân Anh chia sẻ.

Vì sức khỏe cộng đồng mà gác lại niềm riêng

Cũng để lại con nhỏ nhờ người thân chăm sóc, từ khi nhận nhiệm vụ ở Bệnh viện Dã chiến số 8, điều dưỡng Nguyễn Thị Mới – Bệnh viện Thống Nhất – cuốn luôn vào guồng quay công việc hối hả. Mỗi khi con nhớ mẹ gọi điện, chị chỉ kịp nói với con 1 - 2 câu ngắn ngủi rồi vội vàng cúp máy.

Chị Mới phụ trách khối điều dưỡng, cấp phát thuốc và hậu cần của bệnh viện dã chiến. “Những ngày đầu, do lượng bệnh nhân quá đông và chưa quen công việc, chúng tôi khá bối rối nhưng giờ thì ổn rồi. Hàng ngày, chúng tôi chia thành 5 kíp (mỗi kíp gồm 5 điều dưỡng và 2 bác sĩ) thay nhau đi kiểm tra bệnh nhân theo từng ca, mỗi ca 4 tiếng. Thông thường, tại các khoa, mỗi điều dưỡng quản lý khoảng 60 đến 70 bệnh nhân nhưng ở đây mỗi người phải quản lý khoảng 200 bệnh nhân, ở 2 tầng của tòa nhà. Chúng tôi phải lập những group để bệnh nhân có biểu hiện gì bất thường thì nhắn tin, điều dưỡng sẽ đến ngay kiểm tra, hỗ trợ người bệnh và báo bác sĩ để xử trí kịp thời ” – chị Mới cho biết.

Không chỉ theo dõi sức khỏe, đội ngũ điều dưỡng của bệnh viện dã chiến còn đảm nhiệm việc nhận đồ và vận chuyển thực phẩm, bữa ăn cho từng bệnh nhân. “Trong số bệnh nhân tôi phụ trách, có một trường hợp theo đạo Hồi nên không ăn được đồ của bệnh viện cung cấp. Chúng tôi đã mang sữa và thực phẩm chay đến cho bệnh nhân. Mỗi khi bệnh nhân có triệu chứng gì bất thường là bác sĩ tới liền, nên bệnh nhân rất cảm động và rất khen các bác sĩ, điều dưỡng.” - chị Mới vui vẻ kể chuyện.

Công việc vất vả, áp lực hơn nhiều so với bình thường nhưng chị Mới cho biết, chị và các đồng nghiệp không ai than thở hay phàn nàn điều gì. Cũng có những lúc nhớ nhà, nhớ các con nhưng mọi người động viên nhau, chia sẻ cùng nhau những vui buồn. Giữa những ngày căng thẳng vì dịch bệnh, hơn ai hết mỗi người con của Sài Gòn như chị Vân Anh, điều dưỡng Mới và hàng ngàn y bác sĩ khác đều tâm niệm gắng sức hơn, ráng vượt qua những gian nan, áp lực để cùng nhau dìu thành phố vượt qua dịch bệnh để bình an sớm trở lại.