Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ rõ nguyên nhân khách quan khiến dịch bệnh đợt này vẫn lây lan rộng và kéo dài là do biến thể virus Delta. Biến thể này lây lan rất nhanh và mạnh do virus phát tán trong không khí, chu kỳ lây nhiễm ngắn hơn các chủng virus trước làm gia tăng khả năng lây nhiễm trong cộng đồng, đặc biệt trong các khu vực không gian kín, ít lưu thông như phòng họp, nhà máy, khu công nghiệp, nơi tập trung đông người.

Đợt dịch xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố lớn có mật độ dân cư cao, là đầu mối giao thống huyết mạch của cả nước, nhiều khu công nghiệp trọng điểm, di biến động dân cư giữa các địa phương lớn. Dịch lây lan mạnh tại các khu vực dân cư có mức sống và điều kiện sinh hoạt, ăn ở rất hạn chế.

Chưa bao giờ ngành y tế huy động một lực lượng lớn như vậy. Cả công và tư đều vào cuộc, nhiều tỉnh thành cử cán bộ y tế y tế "chia lửa" với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Các bệnh viện lớn cũng đều dồn quân cho trận chiến tại Thành phố Hồ Chí Minh. Không chỉ có ngành y mà cả hệ thống chính trị đang dồn sức để khống chế dịch.

Với tinh thần trách nhiệm rất cao, chỉ trong vòng 20 ngày thành phố đã xây dựng xong 3 bệnh viện dã chiến 13, 14, 16 và chỉ trong vòng 1 tuần đã phối hợp với Bộ Y tế thành lập xong 3 trung tâm hồi sức để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch trong bối cảnh số ca mắc và tử vong ngày một tăng...

03 trung tâm hồi sức tích cực có quy mô 1.500 giường, bao gồm Trung tâm hồi sức Bệnh viện Bạch Mai đặt tại Bệnh viện dã chiến số 16 (quận 7), quy mô 500 giường; Trung tâm hồi sức Bệnh viện Trung ương Huế đặt tại quận Tân Phú, quy mô 500 giường; Trung tâm hồi sức Bệnh viện Việt Đức đặt tại Bệnh viện dã chiến số 13 (huyện Bình Chánh), quy mô 500 giường đã chính thức đi vào hoạt động ngày 7/8.

Các trung tâm hồi sức này cùng với sự hỗ trợ từ một số bệnh viện trung ương khác như Bệnh viện Nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Phổi trung ương, Bệnh viện Lão khoa trung ương, Bệnh viện E và Bệnh viện K đã góp phần giải tỏa bớt những khó khăn, căng thẳng về thu nạp và điều trị các bệnh nhân có diễn biến nặng tại địa bàn.

Thực tế cho thấy hơn 2 tháng áp dụng biện pháp giãn cách xã hội bằng nhiều mức độ, hơn 4 tuần áp dụng những biện pháp quyết liệt nhất theo Chỉ thị 16, dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh với biến chủng Delta vẫn đang diễn biến rất phức tạp, với số ca mắc mới vẫn còn cao, tỷ lệ tử vong chưa giảm... Tuy nhiên, với các biện pháp đang được đẩy mạnh triển khai, Thành phố hy vọng sẽ có thể kiểm soát được tình hình dịch bệnh trong thời gian tới.

Trên cơ sở đó, ngày 10/8, Chính phủ lần đầu tiên đưa ra một mốc thời gian cho Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, theo đó địa phương này cần phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9.

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo các cơ sở y tế, lực lượng chức năng trên địa bàn khẩn trương phối hợp và thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế triển khai chiến lược cách ly, chăm sóc, điều trị các ca F0 tại nhà (Homestay Care) mà trọng tâm là xét nghiệm tại nhà, điều trị tại nhà và an sinh tại nhà. "Do đó, thành phố phải tổ chức xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm tại cộng đồng, tại nhà để kịp thời phát hiện các F0 và hướng dẫn điều trị tại nhà đồng thời cấp phát thuốc (theo hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế) và cung cấp lương thực, thực phẩm cho F0 tại nhà, để không làm lây nhiễm ngoài cộng đồng," lãnh đạo Thành phố nhấn mạnh.

Trong “chiến dịch” kiểm soát nguồn lây để kéo giảm số ca mắc mới, thực hiện có hiệu quả các giải pháp điều trị để giảm nhanh số ca tử vong, Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi sự đồng lòng, chung sức của người dân trong phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm thông điệp 5K, giãn cách giữa người với người, học cách tự theo dõi, chăm sóc sức khỏe bản thân và đồng ý tiêm vaccine ngay khi đến lượt.