Theo nhận định từ các chuyên gia, do tác nhân gây bệnh là chủng virus Delta có đặc tính lây nhiễm mạnh nên đợt dịch này đã bùng phát và lây lan trong gia đình, khu nhà trọ, nơi làm việc, tòa nhà văn phòng, cơ sở sản xuất môi trường thông khí kém, máy lạnh trung tâm.

Biến thể Delta ước tính có thể lây nhiễm nhiều hơn biến thể Alpha khoảng 60%. Tỷ lệ lây nhiễm thứ phát (F1 dương tính) của các ca nhiễm biến thể Delta cũng cao hơn so với người nhiễm biến thể Alpha.Nghiên cứu cũng cho thấy ca mắc biến thể Delta có thể lây nhiễm mạnh hơn và lâu hơn.

Ngành Y tế TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức lại công tác xét nghiệm trên địa bàn. Theo đó, việc điều phối xét nghiệm sẽ được giao cho các đơn vị quận, huyện phụ trách từ công tác tổ chức lấy mẫu, điều phối xe vận chuyển mẫu đến các phòng thí nghiệm được phân công thực hiện nhằm đảm bảo nhanh chóng, thông suốt trong công tác xét nghiệm; Các đơn vị từ thành phố sẽ tham gia điều phối tổng thể cũng tham gia điều phối khi các đơn vị quận, huyện gặp tình trạng quá tải.

Đối với hình thức xét nghiệm, GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, hiện đang tiến hành tập huấn thực hiện xét nghiệm mẫu gộp bằng phương pháp test nhanh để đáp ứng nhanh chóng cho công tác phòng chống dịch của Thành phố.

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế để hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại TP. HCM cho biết, căn cứ tình hình giãn cách tại TP. HCM cùng kinh nghiệm chống dịch được tích lũy trong thời gian qua, Bộ Y tế khuyến nghị đối với các khu vực nguy cơ cao và rất cao sẽ thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm tầm soát theo hình thức mẫu gộp hộ gia đình (tất cả các thành viên trong một gia đình được thực hiện chung một mẫu) trong đó khu vực nguy cơ rất cao nên được tầm soát với tần suất 3 ngày/ lần, với các khu vực nguy cơ cao thực hiện 1 tuần/ lần nếu có điều kiện thực hiện tiến hành nâng cao tần suất; đối với các khu vực nguy cơ sẽ được tiến hành tầm soát theo hộ gia đình.