Đây là nội dung đáng chú ý được Sở Y tế Hà Nội nêu ra trong Kế hoạch số 4785/KH-SYT về thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng của ngành y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022-2030.

Tại kế hoạch, ngành y tế Hà Nội xác định 4 mục tiêu cụ thể gồm:

- Triển khai chế độ ăn đa dạng, hợp lý cho mọi lứa tuổi theo vòng đời của người dân thành phố Hà Nội.

- Cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng và góp phần nâng cao tầm vóc thanh thiếu niên tại thành phố Hà Nội.

- Kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì, dự phòng các bệnh mạn tính không lây, các yếu tố nguy cơ có liên quan ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành.

- Duy trì bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ em, thanh thiếu niên và phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ trên địa bàn Hà Nội.

Theo các chuyên gia y tế chiều cao không hoàn toàn do gene, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Giới tính, dinh dưỡng, môi trường (bệnh tật), tâm lý, vận động thể lực, giấc ngủ.

Trong đó, yếu tố di truyền quyết định khoảng 23% chiều cao và yếu tố này không thể thay đổi được. Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng nhất để quyết định chiều cao, chiếm khoảng 32%. Tiếp đến là rèn luyện thể lực quyết định 22%. Còn lại là các yếu tố môi trường sống như: Giấc ngủ, không khí, trạng thái cảm xúc...

Để nâng tỷ lệ chiều cao của thanh niên Việt, chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo các bậc phụ huynh cần nâng cao hơn nữa hiểu biết về tầm quan trọng của 1.000 ngày đầu đời (từ lúc có thai và kéo dài cho đến khi trẻ được 2 tuổi) và việc bổ sung vi chất dinh dưỡng.

Giai đoạn tiếp theo là thời kỳ dậy thì, từ 10-16 tuổi đối với nữ và 12-18 tuổi đối với nam. Đây được xem là "giai đoạn vàng" cuối cùng để phát triển chiều cao của trẻ. Nếu được chăm sóc dinh dưỡng tốt và có chế độ tập luyện thể dục hợp lý trẻ có thể tăng 8 - 12cm mỗi năm cho đến năm 20 tuổi.