Tự nhận là khá dễ tính trong ăn uống và phần lớn nhu cầu và sở thích của các thành viên đều giống nhau nên bà Hoàng Thị Hằng ở huyện Thanh Trì, HN không gặp khó trong việc điều chỉnh thực đơn cho cả nhà. “Cá kho, thêm món xào gì đấy, nhiều lúc nấu bánh đa, ăn đơn giản, ninh xương lên, thỉnh thoảng cải thiện thì có bữa lẩu…”- bà Hằng nói.
Hằng ngày phụ trách việc nấu ăn cho chồng và 2 cháu ngoại còn nhỏ, bà Nguyễn Thị Lê- sống tại quận Thanh Xuân cho rằng, trong những ngày hè nóng bức, câu hỏi “hôm nay ăn gì?”, thực sự làm đau đầu người nội trợ. Đôi khi khó quá, bà Lê đành tặc lưỡi, “thôi thì thích gì ăn nấy”. “Cũng chẳng cầu kỳ gì, có nồi cá kho rồi, nấu thêm nồi canh cua. Nhiều khi không biết nấu gì cho 2 đứa nhỏ ăn cả, đành cho các cháu ăn trứng tráng hay thịt băm”- bà Lê bộc bạch.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ẩm thực và dinh dưỡng, việc ăn uống ngon miệng là rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu bữa ăn không đủ chất, không cân bằng, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mỗi người.
Dưới góc nhìn của một đầu bếp chuyên nghiệp, tác giả của cuốn sách về ẩm thực “Miếng nhỏ đậm đà” và hiện đang quản trị một cộng đồng quan tâm đến dinh dưỡng, chuyên gia dinh dưỡng- đầu bếp Dương Thị Hải Anh chia sẻ một khái niệm khá thú vị, đó là “Dinh dưỡng chủ động thuận tự nhiên”. Thực ra khái niệm này rất đơn giản, dễ thực hiện và quan trọng là nó mang lại cho các thành viên trong gia đình sức khỏe và sự ngon miệng cũng như cảm xúc trong ăn uống.
Bản thân đầu bếp Hải Anh đã trải nghiệm và thực hành dinh dưỡng thuận tự nhiên, dùng dinh dưỡng thuận tự nhiên để chữa lành cho chính mình. Không chỉ có kiến thức của một đầu bếp chuyên nghiệp, đầu bếp Hải Anh còn tham gia các khóa học về dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng quốc gia và các lớp về y học cổ truyền. Theo đầu bếp Hải Anh, thực hành dinh dưỡng một cách chủ động dựa nhiều vào yếu tố lựa chọn dinh dưỡng như thế nào cho phù hợp với bản thân.
“Chủ động lựa chọn phù hợp, tức là biết mình ăn gì, ăn lúc nào và nên ăn như thế nào để cho phù hợp với cơ thể mình thì đấy là dinh dưỡng chủ động. Còn thuận tự nhiên là lựa chọn thực phẩm thuận theo bốn mùa, thuận theo trời đất, thuận theo khí hậu, thuận theo địa phương mà lựa chọn thực phẩm phù hợp với cơ thể mình. Như vậy, dinh dưỡng chủ động thuận tự nhiên có nghĩa là lựa chọn thực phẩm thuận theo mùa vụ, mùa nào thức đấy và phù hợp với bản thân”- đầu bếp Hải Anh cho biết.
Một khái niệm rất đơn giản, ngắn gọn về dinh dưỡng chủ động thuận tự nhiên, nhưng với nhiều người, để thực hành lại không hề dễ dàng. Theo đầu bếp Hải Anh, không ít người cho rằng mua ăn hay tặng ai đó thứ gì đang mùa vụ giá rẻ, bán đầy đường có vẻ không sang. Dường như mọi người chú trọng hình thức, vẻ bề ngoài hơn là cốt lõi của vấn đề.
“Đặc biệt, mùa mùa nào, thức nấy sẽ không có chuyện phải tẩm ướp để giữ lâu, cho thuốc để giữ màu hay để cho nó tươi. Rau, củ, trái cây đúng mùa không những ngon ở đỉnh điểm của mùa vụ mà còn căng tràn về dưỡng chất, về màu sắc về mùi vị, về cấu trúc, mọi thứ đều rất tuyệt vời. Đây không chỉ là thuận tự nhiên, mà nó còn có cả yếu tố về gene, về sự chuyển hóa, có sự kết nối với đất mẹ với khu vực mà chúng ta đang sống nữa. Bốn chữ thuận tự nhiên đó chúng ta thường hiểu chưa đầy đủ”- đầu bếp Hải Anh nhấn mạnh.
Như vậy, việc lựa chọn thực phẩm theo mùa còn giúp loại bỏ được rất nhiều các nguy cơ về mặt phụ gia, chất bảo quản cũng như yếu tố gây mất an toàn thực phẩm. Theo đầu bếp Hải Anh, lựa chọn thực phẩm như thế nào và dùng như thế nào để an toàn cho bản thân và gia đình hiện tại đang là vấn đề của toàn cầu, đòi hỏi mỗi người cần phải có kiến thức một cách đầy đủ.
Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện khá nhiều thông tin khiến cho người dân không biết lựa chọn tham khảo theo kênh nào. Chính vì vậy, đầu bếp Hải Anh cho rằng, qua trải nghiệm của cá nhân, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, sức khỏe của người dân đang có một sự cảnh báo thì mỗi người nên trang bị kiến thức về dinh dưỡng, áp dụng đúng để sống khỏe mạnh hơn.
“Để áp dụng đơn giản nhất trong mâm cơm đối với một gia đình chỉ cần nắm được “3 cân”. Đó là cân bằng nhóm chất, cân bằng sắc màu và cân bằng ngũ vị. Nhóm chất thì trong dinh dưỡng hiện đại, mọi người đều hiểu một bữa cơm sẽ phải có đủ 4 nhóm chất (bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất).
“Trong dinh dưỡng của toàn cầu và kể cả của Việt Nam cũng vậy, đã có khái niệm về Eat the Rainbow từ rất lâu rồi, tức là ăn theo bảy sắc cầu vồng. Ví dụ như là màu tím thì tốt cho não, màu đỏ tốt cho tim, màu cam tốt trong mắt, màu trắng cho xương và màu xanh thì cho toàn bộ các tế bào. Chúng ta nhầm lẫn rằng ăn rau chỉ là rau xanh và rất nhiều người quên đi những màu sắc khác của rau, củ đây là điều chúng ta cần phải lưu tâm trong bữa ăn để thực hành đúng, ăn đầy đủ” – đầu bếp Hải Anh phân tích.
Chuyên gia cũng đề cập việc cần thiết phải đảm bảo ngũ vị trong mâm cơm nhà. Ngũ vị đơn giản là đắng, chua, cay, mặn, ngọt mà trong một bữa ăn thì chúng ta cần phải cân bằng những thứ đó, nhưng chúng ta cũng ăn theo thói quen.
“Chúng ta ăn mặn- ngọt rất nhiều, sau đó là chua- cay, còn đắng- chát thì chúng ta ăn rất ít. Bởi vì chúng ta ưu tiên cặp mặn ngọt nhiều, cho nên các nụ vị giác ở lưỡi của chúng ta ngày càng bị lệch lạc. Nó khiến cho chúng ta cần mặn- ngọt đến nỗi giống như chất gây nghiện và nếu ăn không đủ mặn- ngọt, chua- cay thì chúng ta thấy không ngon. Hầu như chúng ta không ăn vị đắng chát. Trong y học cổ truyền, vị đắng chát liên quan tới chuyển hóa. Nếu như chúng ta không ăn đủ ngũ vị, các tạng của chúng ta sẽ không nhận được đầy đủ các vị để chuyển hóa dinh dưỡng” – đầu bếp Hải Anh chia sẻ.