Bảo hiểm y tế có ý nghĩa chia sẻ phần lớn gánh nặng chi phí y tế nếu người tham gia không may ốm đau, bệnh tật. Trong tình hình dịch Covid-19 đang lan rộng tại nhiều tỉnh thành, tấm thẻ này càng trở nên cần thiết đối với mỗi người. Đến nay, nước ta đã có hơn 88 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ trên 90% dân số. Tuy nhiên, đại dịch cũng đã khiến tình trạng mất việc làm diễn ra khá trầm trọng đồng nghĩa rất nhiều người lao động bị gián đoạn quá trình tham gia bảo hiểm y tế và tạm thời không nằm trong vòng bảo vệ của chính sách này.

Theo thống kê sơ bộ, tính đến cuối tháng 8 vừa qua, nước ta đã có gần 2,5 triệu lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải ngừng việc, chiếm 70% số lao động phải ngừng việc của cả nước. Chưa kể hàng triệu lao động tự do cũng rơi vào tình cảnh không có việc làm. Trong bối cảnh đó, làm thế nào để duy trì tỷ lệ hơn 90% dân số có bảo hiểm y tế đồng thời huy động tiếp 10% số người còn lại tham gia hình thức bảo hiểm này đang là một thách thức rất lớn.

Ông Phan Văn Toàn – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế - Bộ Y tế cho biết, trong đại dịch Covid-19, tấm thẻ bảo hiểm y tế lại càng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi người. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 thời gian qua, một số hướng dẫn về khám chữa bệnh BHYT đã được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Thứ nhất, quy định mở rộng thời gian kê đơn thuốc ngoại trú với bệnh mãn tính, tăng từ 30 ngày lên 90 ngày đối với một lần kê đơn thuốc.

Thứ hai, trong điều kiện giãn cách xã hội hoặc cơ sở khám chữa bệnh mà bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu bị phong toả, bệnh nhân sẽ được đến cơ sở y tế khác khám chữa bệnh mà vẫn được Quỹ BHYT chi trả như đúng tuyến.

Hoặc có trường hợp bệnh nhân không thể lên tuyến TW mà tình trạng bệnh đã được xác định, theo dõi và bệnh viện tuyến TW đã nắm được, trong trường hợp bệnh viện tỉnh không có thuốc phù hợp với chỉ định thì bệnh viện tuyến TW có thể chuyển về cấp cho bệnh nhân.

Có thể nói những ứng xử, điều chỉnh của cơ quan chức năng trong điều kiện dịch bệnh đã rất phù hợp với thực tiễn, kịp thời vừa góp phần phòng chống dịch vừa đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.

Tuy nhiên, ông Phan Văn Toàn cũng bày tỏ sự lo ngại sự sụt giảm tỷ lệ người tham gia BHYT khi nhiều lao động phải nghỉ việc tạm thời do các nhà máy, xí nghiệp tạm ngừng hoạt động.

Để thích ứng với tình hình mới,ông Phan Văn Toán cho biết, Bộ Y tế đã trình Quốc hội kiến nghị sửa đổi Luật BHYT với những điều chỉnh phù hợp về quyền lợi của người tham gia BHYT, cách tiếp cận cơ sở y tế và đặc biệt là đảm bảo quyền lợi cho những người công nhân bị tạm dừng công việc, không được hưởng lương trong thời kỳ dịch bệnh (gián đoạn quá trình đóng BHYT).

Theo ước tính của cơ quan BHXH Việt Nam, 7 tháng đầu năm nay, số chi khám chữa bệnh BHYT tăng so với cùng kỳ năm ngoái hơn 50.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% số dự toán được Chính phủ giao trong năm 2021. Rất nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 có bệnh lý nền kèm theo như đái tháo đường, suy thận, ung thư… đã được bảo hiểm y tế chi trả chi phí điều trị kỹ thuật cao và các loại thuốc đặc trị với số tiền rất lớn. Thời gian qua, để đảm bảo quyền lợi của người tham gia, BHXH Việt Nam đã chủ động và tích cực cải cách hành chính như ứng dụng CNTT trong khai báo, lập danh sách, tổ chức đại lý, thanh toán trực tiếp chi phí, phản hồi, cung cấp thông tin, và hiện nay là sử dụng thẻ BHYT điện tử trên ứng dụng BHXH số- VssID… giúp người tham gia BHYT thuận lợi hơn khi khám chữa bệnh và gia hạn thẻ.

Để phát triển bền vững, đảm bảo an toàn quỹ cũng như quyền lợi khám chữa bệnh của người tham gia thì cần tiếp tục nâng cao tỉ lệ dân số tham gia BHYT, hướng tới bao phủ BHYT toàn dân. Bảo hiểm xã hội Việt Nam, với trách nhiệm là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội đã nỗ lực không ngừng để mở rộng diện bao phủ, tăng nhanh số người tham gia BHYT. Song đại dịch Covid-19 đã đặt ra những thách thức không nhỏ trong tiến trình thực hiện mục tiêu này. Bà Đinh Mai Hạnh – Phó trưởng ban Quản lý thu – Sổ thẻ, BHXH Việt Nam nhận định việc các doanh nghiệp tạm dừng sản xuất, nhiều lao động phải tạm nghỉ việc làm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tỉ lệ tham gia BHYT.

Bà Đinh Mai Hạnh cũng cho biết, trước những khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành BHXH đã đề ra nhiều giải pháp để duy trì và phát triển người tham gia BHYT từ nay đến cuối năm. Đó là tiếp tục duy trì tỉ lệ tham gia BHYT ở các tỉnh, thành không có dịch Covid-19 hoặc ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đồng thời tăng cương tuyên truyền về BHYT, xây dựng kế hoạch và chỉ tiêu cụ thể giao xuống tận từng đại lý, từng cơ quan BHXH tuyến huyện, tuyến tỉnh để đạt được mục tiêu đã đề ra.