Để không bị tăng đường huyết, giảm cân… bên cạnh việc giảm lượng gạo trắng, người tiêu dùng đã tìm đến những loại gạo có thể mang lại nhiều lợi ích, giúp cơ thể khỏe mạnh và cân đối.

Nhiều gia đình hiện sử dụng các loại gạo như gạo trắng, gạo lứt, gạo đen hay còn gọi là gạo cấm. Tuy nhiên, việc đánh giá mức độ dinh dưỡng, lợi ích đối với sức khỏe của từng loại gạo thì thì đôi khi vẫn còn khá mơ hồ. TS-BS Vũ Thanh- Trưởng phòng Dinh dưỡng điều trị- Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng – BV Bạch Mai cho biết, giữa gạo trắng và gạo lứt có sự khác biệt về giá trị dinh dưỡng: “100g gạo lứt chứa 218 calo, 4.5g protein, 77.24g carbohydrate, 1.6g chất béo. Lượng calo tìm thấy trong gạo lứt được đánh giá khá thấp. Còn gạo trắng, trong 100g chứa 242 calo, 4.4g protein, 53.2g carbohydrate và 0.4g chất béo. So với gạo lứt thì gạo trắng có lượng calo cao hơn. Gạo lứt nhiều chất xơ 3,4g trong khi đó ở gạo trắng chỉ 0,4g nhưng canxi ở gạo lứt thấp hơn gạo trắng, phốt pho trong gạo lứt lại nhiều hơn gạo trắng, sắt trong gạo lứt nhiều hơn gấp đôi, magie nhiều hơn khoảng 4-5 lần, kali thấp hơn nhưng không đáng kể còn các thành phần khác cũng gần tương đương”.

Có rất nhiều tranh cãi về lợi ích của gạo trắng và gạo lứt đối với sức khỏe, tuy nhiên, theo BS Thanh, tùy vào đối tượng sử dụng mà gạo trắng và gạo lứt sẽ phát huy được các giá trị dinh dưỡng có lợi hoặc ngược lại sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe “ Gạo lứt chứa nhiều chất xơ tnên quá trình hấp thu sẽ chậm hơn, do vậy, gây cảm giác no lâu hơn. Đường trong máu sau khi ăn không tăng là ưu điểm của gạo lứt so với gạo trắng. Gạo trắng ít chất xơ sẽ dẫn đến nhanh đói, vì vậy, người bị thừa cân béo phì nên ăn gạo lứt”.

Và hiện nay, người tiêu dùng cũng quan tâm nhiều đến gạo đen (gạo cấm), gạo đỏ … Tuy nhiên, theo TS Nghiêm Nguyệt Thu- Viện Dinh dưỡng Quốc gia, còn có một loại gạo nữa cũng rất tốt cho sức khỏe: “Gạo lật nảy mầm ăn mềm, dẻo, nấu đơn giản với nồi cơm điện thông thường, không phải ngâm như gạo lứt, bởi vì nếu ngâm gạo với nước sẽ mất rất nhiều chất, trong đó có vitamin B1. Nhờ sự trợ giúp của công nghệ sinh học, hạt gạo nảy mầm còn có chất giúp cho êm dịu thần kinh…”

Qua chia sẻ của các chuyên gia dinh dưỡng, với những đối tượng cụ thể, các loại gạo sẽ phát huy được tối đa giá trị dinh dưỡng của nó. Điều quan trọng là chúng ta có thể kết hợp linh hoạt các loại gạo một cách phù hợp và khoa học để chế độ ăn của mình thực sự lành mạnh và tốt cho sức khỏe.

Việc lựa chọn gạo như thế nào để tốt cho sức khỏe lại phụ thuộc vào thể trạng của mỗi người:

-Sử dụng gạo trắng với người bị bệnh thận sẽ là lựa chọn phù hợp hơn so với gạo lứt.

-Với phụ nữ mang thai và cho con bú: gạo trắng cung cấp một lượng lớn khoáng chất folate giúp làm giảm các nguy cơ gây dị tật ở thai nhi, như sinh non, khuyết tật, nhẹ cân, hoặc thai chết lưu.

-Gạo trắng chứa ít chất xơ hơn gạo lứt, vì vậy nó là một nguồn thực phẩm lý tưởng dành cho những người bị tiêu chảy, viêm túi thừa hoặc hậu phẫu thuật yêu cầu một chế độ dinh dưỡng ít chất xơ.

- Đối với gạo lứt, đây là một lựa chọn phù hợp dành cho những người đang thực hiện chế độ ăn kiêng giảm cân, hoặc những người tập thể hình.