Thay đổi quan điểm chống dịch là tất yếu và phù hợp với thực tiễn

Nước ta đã nhiều lần thành công trong việc khống chế dịch bệnh và có những quãng thời gian dài không xuất hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Tuy nhiên, từ khi xảy ra đợt dịch thứ 4, các chuyên gia nhận định, không thể loại bỏ hoàn toàn SARS-CoV-2 và cần xác định sống chung lâu dài với virus. Chính phủ cũng đã chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.

Theo TS-BS Nguyễn Quốc Thái, chuyên gia truyền nhiễm ở Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, đây là một quan điểm rất mới so với 3 đợt dịch trước. Sự thay đổi này dựa trên các bằng chứng khoa học và cơ sở thực tiễn.

Về cơ sở khoa học, đó là sau gần 2 năm xuất hiện với những diễn biến phức tạp khó lường trên phạm vi toàn cầu, đại dịch Covid-19 đến hiện nay vẫn tiếp diễn với sự biến đổi liên tục của SARS-CoV-2. Đặc biệt, với sự xuất hiện của biến thể Delta, cục diện về dịch Covid dường như đã thay đổi. Hầu hết các nước trên thế giới và ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phải thay đổi quan điểm ứng phó dịch bệnh từ "Zero Covid" sang "sống chung an toàn với Covid".

Đồng thời, qua thực tế của làn sóng dịch thứ tư vừa qua tại nước ta thì có thể nhận thấy sự tồn tại dai dẳng của mầm bệnh trong cộng đồng là điều không thể tránh khỏi. Cho đến nay mặc dù nước ta đã triển khai hết sức tích cực tất cả các hoạt động phòng chống dịch như truy vết, khoanh vùng, cách ly y tế …và áp dụng cả những biện pháp cao nhất, mạnh nhất như phong tỏa cả khu vực rộng lớn cũng như các ổ dịch nhỏ ở bên trong, tuy nhiên, từ khi dịch bùng phát tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam cho đến nay đã hơn 4 tháng song mỗi ngày nước ta vẫn ghi nhận hàng nghìn ca mắc Covid-19 mới.

“Do đó, chúng ta phải điều chỉnh quan điểm và điều chỉnh chiến lược để làm sao chống dịch một cách tốt nhất – tức là hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch bệnh bùng phát cũng như xuất hiện các trường hợp nặng trong điều kiện và trong hoàn cảnh của nước ta.”, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái giải thích.

Mỗi người dân cần làm gì để sống chung an toàn với SARS-CoV-2?

Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái cho rằng, trải qua làn sóng tấn công vừa rồi của Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía nam, mỗi người dân hẳn đã ý thức rất rõ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh cũng như việc phòng chống dịch có ý nghĩa quan trọng thế nào đối với sự yên bình của xã hội cũng như quá trình khôi phục kinh tế trong thời gian tới.

Để có cuộc sống "bình thường mới" an toàn với SARS-CoV-2, TS.BS Nguyễn Quốc Thái cho rằng, mỗi người cần tiếp tục duy trì những thói quen đã được thiết lập từ khi xảy ra dịch Covid-19.“Khi xác định sống chung với virus thì tất cả những biện pháp phòng chống dịch cần được vận dụng một cách thường quy, hàng ngày. Đó chính là khuyến cáo 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang – Khoảng cách – Khử khuẩn – Không tụ tập – Khai báo y tế. Từ trước đến nay và kể cả sau này, những khuyến cáo này vẫn còn nguyên giá trị và thực sự có ích đối với mỗi người dân cũng như các cơ sở y tế, công sở, nhà máy, xí nghiệp, doanh trại quân đội, công an… Đấy là những biện pháp cơ bản và chúng ta cần phải áp dụng một cách rộng khắp và xuyên suốt. Chỉ cần mỗi người thực hiện tốt 5K thì sẽ hạn chế được rất nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh ” – TS.BS Nguyễn Quốc Thái nhấn mạnh.

Cũng theo BS Thái, để sống chung an toàn với SARS-CoV-2 có một số thói quen cần phải thay đổi, chẳng hạn như việc tụ tập đông người. “Chúng ta có nhu cầu rất lớn là giao tiếp, kết nối với nhau. Những trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta cũng lưu ý là virus vẫn tồn tại trong cộng đồng và tiếp tục xuất hiện các ổ dịch mới. Vì vậy, dù có nhu cầu giao lưu, chúng ta hãy chú ý giữ khoảng cách giữa người với người, ít nhất là 1 mét hoặc càng xa càng tốt. Thứ hai là cố gắng không tập trung đông người ở những nơi có không gian khép kín mà nên chọn nơi địa điểm thông khí thật tốt. Thứ ba là nếu bắt buộc phải tiếp xúc gần và không có những thì cố gắng duy trì việc đeo khẩu trang”. BS Thái nói.

Khi chấp nhận SARS-CoV-2 luôn tồn tại, song hành, để tránh những ảnh hưởng nặng nề về mặt sức khỏe do Covid-19 gây ra thì các nhóm đối tượng cần được ưu tiên và quan tâm bảo vệ là người cao tuổi, người mắc các bệnh lý mạn tính như các bệnh về đường hô hấp, đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận mạn, người bị suy giảm miễn dịch, người thừa cân béo phì… Đây là những trường hợp dễ gặp biến chứng nặng khi mắc Covid-19, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái khuyên người thuộc nhóm có nguy cơ cao nên tích cực và chủ động tiêm vaccine phòng Covid-19 và điều trị, kiểm soát thật tốt bệnh lý nền.

Xác định sống chung lâu dài với Covid-19, không sợ hãi, không hoang mang là cách sống mới mà mỗi người cần thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh hiện nay. Ngay cả trong trường hợp không may phơi nhiễm SARS-CoV-2 và trở thành F1, F0…lời khuyên của bác sĩ Thái là mọi người hãy bình tĩnh, tự cách ly đồng thời nhanh chóng liên hệ với y tế địa phương. Trong quá trình tự theo dõi, điều trị tại nhà, bệnh nhân Covid-19 cũng nên chủ động, tự theo dõi sức khỏe của bản thân, giữ mối liên hệ chặt chẽ với cán bộ y tế. Nếu thấy có những thay đổi hoặc xuất hiện các dấu hiệu bất thường như cảm thấy mệt mỏi hơn, sốt, ho nhiều hơn, chỉ số SPO2 giảm xuống dưới 94% thì cần gọi điện ngay cho các y bác sĩ hoặc trung tâm cấp cứu để được đưa đến bệnh viện kịp thời.

Từ kinh nghiệm các F0 điều trị tại nhà ở TP. Hồ Chí Minh, BS Nguyễn Quốc Thái lưu ý, dù có máy tạo oxy hoặc bình oxy để hỗ trợ hô hấp tại nhà song nếu bệnh nhân thấy bệnh có dấu hiệu bệnh chuyển từ mức độ nhẹ lên trung bình thì cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt.“Nhiều trường hợp cứ dựa vào bình oxi hỗ trợ hô hấp tại nhà mà không đến bệnh viện sớm khiến bệnh trở nặng, việc cấp cứu và điều trị vô cùng khó khăn.”, BS Thái chia sẻ.