Xảy ra biến cố nghiêm trọng, nhiều bệnh nhân mới biết bị rối loạn mỡ máu

Thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, nước ta hiện có khoảng 29% người trưởng thành bị rối loạn lipid máu (hay còn gọi là mỡ máu cao hoặc tăng cholesterol). Ở khu vực thành thị, tỷ lệ này lên đến trên 44%. Đáng lo ngại là hơn 70% người bị không biết mình mắc bệnh cho đến khi đi khám tổng quát và đa số không lường được biến chứng của bệnh.

BS Nguyễn Tuấn Hải - Trưởng phòng C6, Đơn vị Bệnh mạch máu, Viện Tim mạch Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai nhận định, tỷ lệ này rất đáng lo ngại và đây là một trong những nguy cơ hàng đầu dẫn đến các bệnh lý tim mạch.

Thực tế các triệu chứng rối loạn lipid máu thường biểu hiện một cách âm thầm, nên khó nhận biết, khiến chúng ta không thực hiện sớm biện pháp phòng ngừa các biến chứng nói chung và bệnh lý tim mạch nói riêng.

“Rối loạn lipid máu hoàn toàn có thể điều chỉnh được. Nhưng phần lớn người bệnh không hề có triệu chứng (trừ một số rất ít có các mảng lắng đọng cholesterol dưới da hay quanh mi mắt) và hoàn toàn khỏe mạnh đến khi xảy ra các biến cố như đột quỵ, nhồi máu cơm tim, tắc động mạch ngoại biên...” – BS Nguyễn Tuấn Hải nói.

Nhiều người cho rằng rối loạn lipid máu thường chỉ gặp ở người thừa cân, béo phì. Tuy nhiên, BS Nguyễn Tuấn Hải cho biết, quan niệm này không đúng bởi rất nhiều người gầy mà LDL-cholesterol tăng rất cao.

Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tăng cholesterol xấu trong máu là do chế độ ăn uống không hợp lý như thường xuyên sử dụng thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, đồ chiên rán, đồ ngọt, phủ tạng động vật.

Bên cạnh đó, các bệnh lý như đái tháo đường, bệnh thận mạn tính và hội chứng thận hư, bệnh suy giáp, bệnh gan.. cũng là nguyên nhân gây ra rối loạn lipid máu.

Người nghiện rượu, người sử dụng một số loại thuốc tránh thai và các dược chất khác cũng có nguy cơ cao bị tăng mỡ máu.

Ngoài ra, các khuyết tật về gen mang tinh di truyền cũng là một nguyên nhân gây ra tăng cholesterol hay tăng triglycerid máu.

Khi nồng độ cholesterol, đặc biệt là LDL-cholesterol trong máu ở mức cao (bằng hoặc trên mức 3,4mmol/L) sẽ dẫn tới sự hình thành và phát triển của mảng xơ vữa trong lòng mạch và gây ra hai hậu quả:

-Thứ nhất mảng xơ vữa ngày càng lớn gây hẹp lòng mạch, giảm cấp máu cho các cơ quan. Ví dụ: hẹp động mạch vành nuôi tim dẫn đến cơn đau thắt ngực và bệnh hẹp động mạch vành mạn tính; hẹp động động mạch thận gây ra tăng huyết áp thứ phát; hẹp động mạch chi dưới gây ra đau cách hồi khi đi lại. Đặc điểm quan trọng của các loại hẹp động mạch này là hoàn cảnh xuất hiện liên quan đến mức độ gắng sức, do vậy làm giảm đáng kể khả năng vận động của người bệnh.

- Thứ hai, nguy hiểm hơn nhiều, đó là mảng xơ vữa có thể bị nứt vỡ và bong ra, di chuyển trong dòng máu gây ra biến cố tắc mạch cấp tính như đột quỵ do tắc mạch máu não; nhồi máu cơ tim do tắc động mạch vành; thiếu máu chi cấp tính do tắc động mạch đột ngột. Đây là nguyên nhân chính làm tăng tỉ lệ tử vong do bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, những người sống sót có nguy cơ bị các di chứng như liệt nửa người, suy tim hay cắt cụt chi.

Hãy nhớ các thông số về lipid máu, đặc biệt là chỉ số LDL-cholesterol

Mới đây Hội Tim mạch quốc gia đã đưa ra khuyến cáo về hướng dẫn, chẩn đoán, dự phòng và điều trị rối loạn lipid máu. Khuyến cáo nhấn mạnh tất cả những người từ 40 tuổi trở lên không có tiền sử mắc các bệnh lý tim mạch do xơ vữa, không mắc bệnh đái tháo đường, không bị tăng cholesterol có tính chất gia đình hoặc LDL-cholesterol chưa bị tăng ở mức quá cao (dưới ngưỡng 4.9 mmol/L)… đều phải tầm soát nguy cơ và đánh giá tình trạng rối loạn lipid máu.

Còn những người từng bị đã từng có bệnh lý tim mạch do xơ vữa như đột quỵ, bệnh động mạch vành, người mắc bệnh đái đường, suy thận hay rối loạn mỡ máu có tính chất gia đình được coi là có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch và tử vong do tim mạch trong vòng 10 năm.

“Tốt nhất chúng ta nên coi chỉ số LDL-cholesterol máu như một thông số thường quy về sức khỏe giống như số đo huyết áp, cân nặng, nhịp tim. Người từ 40 tuổi trở lên không có bệnh lý tim mạch thì nên xét nghiệm máu để kiểm tra chỉ số này mỗi năm một lần. Còn người có rối loạn mỡ máu cần điều trị và các bệnh lý tim mạch thì sau 4- 6 tuần mỗi lần điều chỉnh chỉ số LDL-cholesterol thì xét nghiệm máu để kiểm tra lại” – BS Nguyễn Tuấn Hải đưa ra lời khuyên .

Phòng ngừa, kiểm soát và điều trị rối loạn lipid máu

BS Nguyễn Tuấn Hải hướng dẫn, các biện pháp không dùng thuốc để điều chỉnh, kiểm soát các thành phần như cholesterol xấu, triglycerid trong máu nhằm hạn chế nguy cơ biến chứng tim mạch bao gồm:

- Chế độ ăn đa dạng, kiểm soát năng lượng nạp vào có thể để tránh tình trạng thừa cân, béo phì.

- Khuyến khích áp dụng chế độ ăn giàu trái cây, rau củ, các loại đậu, các loại hạt, thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt và cá.

- Nên tránh hoàn toàn sử dụng các loại thực phẩm giàu axits béo dạng bão hòa, mỡ hoặc thịt chế biến sẵn, đồ ngọt, nước uống chứa đường, kem, bơ và phô mai thông thường. Nên sử dụng các loại chất béo không bão hòa như dầu oliu nguyên chất…

- Lượng muối ăn nên giảm xuống dướ 5g/ ngày bằng cách hạn chế sử dụng muối trong nấu ăn, sử dụng thực phẩm tươi sống, không nên dùng các loại thực phẩm ướp muối hoặc chế biến sẵn.

- Sử dụng đồ uống có cồn điều độ. Bệnh nhân có tình trạng triglyceride máu cao nên kiêng hẳn đồ uống có cồn. Tránh sử dụng và tiếp xúc với các sản phẩm thuốc lá

- Khuyến khích tập luyện thể chất thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày.

Với những bệnh nhân bị rối loạn lipid máu phải dùng thuốc để điều trị thì cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý ngừng thuốc hoặc bỏ thuốc.