Ngày 30/4/2023, ghi nhận 1 trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên với các triệu chứng sốt cao, đau họng, khó nuốt, ho nhiều, đờm màu trắng đục, phù nhẹ 02 chân, gan to dưới bờ sườn 02 cm.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên chẩn đoán, theo dõi bệnh bạch hầu. Đến ngày 1/5/2023 bệnh nhân hôn mê, xuất tiết hầu họng, thở máy, đến 16h30 cùng ngày bệnh nhân ngưng tuần hoàn, tử vong. Ngày 04/5/2023 có kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: bệnh nhân dương tính với bệnh bạch hầu.

Đến ngày 8/5/2023, tiếp tục ghi nhận thêm 1 trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu đến khám và điều trị tại TTYT huyện Điện Biên Đông với triệu chứng sốt 38,8oC, ho từng cơn. Hai amydal sưng nề, tấy đỏ, viêm hốc mủ hai bên, chẩn đoán theo dõi bạch hầu.

Ngày 12/5/2023, kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho dương tính với vi khuẩn bệnh bạch hầu. Hiện tại sức khoẻ của bệnh nhân đã ổn định.

Trước tình hình nguy hiểm của dịch bệnh, UBND tỉnh Điện Biên đã công bố dịch bệnh bạch hầu tại xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông. Đồng thời yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống dịch của huyện phối hợp với ngành y tế khẩn trương khoanh vùng, dập dịch.

Tổng số mẫu đã lấy và gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm bạch hầu: 123 mẫu. Trong đó có 2 trường hợp dương tính, 121 trường hợp âm tính.

Ngành y tế đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các đội xứ lý môi trường, phun khử khuẩn phòng chống dịch. Tổ chức cấp thuốc kháng sinh uống điều trị dự phòng cho tất cả những người tiếp xúc gần với bệnh nhân và những người có liên quan trong ổ dịch. Triển khai Chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu tại một số xã thuộc huyện Điện Biên Đông.

Đại diện Sở Y tế tỉnh Điện Biên cho biết, cả 2 ca mắc bệnh bạch hầu trong đợt dịch này yếu tố dịch tễ không rõ ràng, trong vòng 14 ngày trước khi phát bệnh, 2 bệnh nhân không rời khỏi địa phương, không rõ nguồn lây của ca bệnh. Trong khi đó, 10% trẻ tại xã Pu Nhi không tiêm vaccine bạch hầu. Vì vậy nguy cơ bùng phát dịch bệnh bạch hầu tại địa phương có thể xảy ra trong thời gian tới.

Nhằm khoanh vùng dập dịch triệt để, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã hỗ trợ vaccine có chứa thành phần bạch hầu cho Điện Biên được 2.000 liều.

Từ ngày 22/5 - 26/5/2023, y tế Điện Biên triển khai tiêm 1 mũi vaccine phòng bệnh bạch hầu cho đối tượng từ 7 đến 20 tuổi tại xã Pu Nhi và một số bản thuộc xã Noong U giáp ranh với xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông; tổng số đối tượng: 2.000 người (xã Pu Nhi 1.400 người, xã Noong U 600 người).

Từ tháng 6/2023 đến tháng 7/2023, triển khai tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu cho đối tượng từ 5 - 20 tuổi tại 4 xã thuộc huyện Điện Biên Đông (Pu Nhi, Noong U, Xa Dung, Na Son). Tổng số đối tượng dự kiến tiêm: 6.837 người.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Điện Biên, việc điều trị dự phòng kháng sinh tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn do Pu Nhi là một xã vùng cao, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, giao thông khó khăn, yêu cầu phải cấp thuốc hàng ngày cho người dân, trong khi đó nhân lực y tế mỏng, nhận thức của người dân về việc sử dụng thuốc kháng sinh phòng bệnh còn chưa cao, chưa tự giác.

20 năm gần đây, tỉnh Điện Biên không ghi nhận trường hợp mắc bệnh bạch hầu, vì vậy không sẵn có sinh phẩm xét nghiệm bệnh bạch hầu tại địa phương.

Các trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu đều phải lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm chẩn đoán. Thời gian từ khi lấy mẫu đến khi có kết quả xét nghiệm khoảng 3-4 ngày, khó khăn trong công tác đáp ứng phòng chống dịch.

Nhu cầu vaccine tiêm cho 4 xã nguy cơ cao của huyện Điện Biên Đông là 20.000 liều, trong khi tỉnh Điện Biên mới được cấp có 2.000 liều. Được biết, tỉnh Điện Biên đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện mua sắm vaccine, vật tư tiêm chủng theo đúng các quy định hiện hành.

Sở Y tế Điện Biên đang đề nghị Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hỗ trợ sinh phẩm, hướng dẫn, tập huấn về xét nghiệm bệnh bạch hầu giúp tỉnh có thể thực hiện xét nghiệm chẩn đoán sơ bộ, chẩn đoán xác định bệnh bạch hầu tại địa phương mà không cần phải gửi mẫu bệnh phẩm về Hà Nội.