Thực tế lâm sàng, các bác sĩ truyền nhiễm thường xuyên phải tiếp xúc để giải quyết những trường hợp sốt cấp tính và trước một trường hợp sốt cấp tính rất là khó phân định đâu là sốt do Covid- 19 đâu là sốt do sốt xuất huyết vì đều có biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Quốc Thái- Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai, có thể dựa vào một số yếu tố để phân biệt giữa sốt do sốt xuất huyết và sốt do Covid-19.

“Trong trường hợp sốt do sốt xuất huyết thì tình trạng đau đầu, đặc biệt là đau nhức phía sau hai hốc mắt và tình trạng đau mỏi người là tình trạng nổi trội hơn. Bên cạnh đấy, sốt xuất huyết còn có một đặc trưng đó là da, niêm mạc xung huyết, da đỏ ửng lên, niêm mạc mắt có thể xung huyết, kết mạc mắt cũng đỏ. Bên cạnh đó thì trong bệnh sốt xuất huyết, chúng ta còn gặp biểu hiện giảm tiểu cầu dẫn đến có những chấm xuất huyết li ti trên da có thể tay, chân. Tiếp đến có biểu hiện đặc trưng của sốt xuất huyết mà không gặp ở trong bệnh Covid 19, đó là biểu hiện cô đặc huyết tương, huyết tương do tính chất thành mạch bị lỏng lẻo trong bệnh sốt xuất huyết dẫn đến tình trạng huyết tương thoát ra ngoài và làm cho máu bị cô đặc lại. Đây là một đặc trưng bệnh lý trong bệnh sốt xuất huyết mà không gặp ở Covid- 19. Dựa vào các đặc điểm lâm sàng này kết hợp thêm các xét nghiệm thì người thầy thuốc có thể phân định được đâu là sốt xuất huyết, đâu là bệnh Covid- 19” – BS Thái cho biết.

Trong trường hợp bị đồng nhiễm Covid-19 và sốt xuất huyết thì việc nhận biết các biểu hiện khác thường là rất quan trọng. BS Nguyễn Quốc Thái nhấn mạnh, trên thế giới cũng đã có nhiều báo cáo cho thấy tại nhiều khu vực, đặc biệt là khu vực Nam Mỹ đã ghi nhận hiện tượng đồng nhiễm Covid- 19 và sốt xuất huyết. Trong trường hợp này thì bệnh cảnh lâm sàng nổi trội vẫn là bệnh cảnh lâm sàng của sốt xuất huyết. Nhưng khi chúng ta xét nghiệm dịch tỵ hầu có thể phát hiện thấy Covid- 19 dương tính.

“Trong những trường hợp này thì ưu tiên chúng ta vẫn phải theo dõi phát hiện những dấu hiệu cảnh báo của sốt xuất huyết, chẳng hạn li bì, lừ đừ, đau bụng vùng gan, nôn nhiều, tiểu ít, chảy máu bất thường. Việc chúng ta theo dõi về Covid- 19 thì cũng không thể bỏ qua việc thường xuyên theo dõi về tình trạng hô hấp, đặc biệt Sp02. Song song hai bệnh phức tạp cùng xuất hiện trên một người bệnh thì chúng ta cũng vẫn phải triển khai 2 hướng theo dõi và xử lý”- BS Thái nói.

Cùng với sốt xuất huyết và Covid-19, gần đây dịch cúm A cũng đang bùng phát mạnh, thậm chí tạo thành các ổ dịch, chuỗi lây nhiễm. Cũng như sốt xuất huyết, khởi đầu bệnh cúm có triệu chứng chung là sốt, đau mỏi người, đau họng, chảy nước mũi... Chính vì có các triệu chứng khá giống nhau nên rất nhiều người khi bị sốt đã không phân biệt được sốt do nguyên nhân nào.

“Cúm A và sốt xuất huyết có điểm chung rất rõ rệt đấy là sốt đau đầu, đau mỏi người. Tuy nhiên, cúm A có biểu hiện mà dường như các bác sĩ rất hay để ý đến đấy là biểu hiện viêm đường hô hấp trên như ngạt mũi, chảy mũi, đau họng, họng đỏ có thể ho khan, ho húng hắng. Tất nhiên cũng có những trường hợp không có các biểu hiện viêm đường hô hấp trên nhưng mà hiếm. Còn đối với cả những trường hợp chúng ta phân định giữa cúm A và Covid-19 thì thực sự là có rất nhiều điểm tương đồng và trên thực tế hầu như là bệnh cảnh lâm sàng của hai căn bệnh này khá giống nhau. Cho nên chúng tôi cũng vẫn phải dựa vào xét nghiệm để phân biệt giữa cúm A và bệnh Covid-19”.

Một yếu tố nữa để phân biệt là sốt do sốt xuất huyết thường khó đáp ứng với thuốc hạ sốt paracetamol trong 3 ngày đầu và khi sốt bắt đầu giảm sẽ xuất hiện các chấm xuất huyết ở dưới da.

Còn đối với các bệnh gây sốt thông thường khác, người bệnh cũng có thể sốt cao nhưng là sốt từng cơn, kèm theo các triệu chứng viêm ở đường hô hấp trên như ho, đau họng, nhức toàn thân, có thể có hoặc không có phát ban...

Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái cho biết, cách xử trí những căn bệnh khá giống nhau. Đầu tiên, người bệnh cần được nghỉ ngơi, uống nhiều nước để làm sao đảm bảo lượng nước tiểu bằng bình thường hoặc nhiều hơn bình thường một chút. “Người bệnh theo dõi nhiệt độ thân nhiệt của cơ thể. Nếu sốt thì phải dùng thuốc hạ sốt sau từ 4 đến 6 tiếng, nếu sau còn sốt thì lại tiếp tục dùng thuốc hạ sốt. Một số bệnh trên một số cơ địa những người mà suy giảm sức đề kháng thì cần phải dùng thêm thuốc kháng virus. Ví dụ, người bệnh Covid- 19 có tình trạng bệnh ung thư giai đoạn cuối, có tình trạng suy giảm sức đề kháng do các bệnh miễn dịch tự miễn. Còn đối với bệnh sốt xuất huyết, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu thì việc đầu tiên vẫn là nghỉ ngơi, uống đủ nước, dùng thuốc hạ sốt. Nếu như trong những trường hợp mà người bệnh sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo thì cần đến cơ sở y tế sàng sớm càng tốt để được thăm khám và điều trị kịp thời”- BS Thái lưu ý.

Các chuyên gia khuyến cáo, những trường hợp có bệnh sốt cấp tính chưa rõ nguyên nhân, người dân nên tích cực tự theo dõi sức khỏe bản thân. Bên cạnh đó cần chủ động, kịp thời đến cơ sở y tế để được thăm khám và có kế hoạch điều trị phù hợp.

Các bác sĩ cũng lưu ý bệnh nhân tuyệt đối không tự ý dùng thuốc khi chưa xác định được bệnh và thuốc chỉ được dùng khi có sự hướng dẫn, theo dõi của các y bác sĩ.