Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp (CDC), trung bình mỗi năm tỉnh có thêm khoảng gần 400 trường hợp nhiễm mới HIV, trong đó năm 2023 đạt mức cao nhất là 431 trường hợp. Tuy nhiên, số trường hợp tử vong do AIDS ở đây lại giảm đáng kể.

“Năm 2013 tử vong do AIDS là 203 người nhưng năm 2023 chỉ còn 69 người” - bác sĩ Võ Công Đoàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Tháp cho biết.

Để có được kết quả này, từ nhiều năm nay Đồng Tháp thực hiện chiến lược mở rộng tầm soát, xét nghiệm tại cộng đồng, phát hiện, đưa vào điều trị ARV ngay đối với những trường hợp có kết quả khẳng định dương tính với HIV, điều trị dự phòng với người có nguy cơ cao. Quá trình triển khai các hoạt động này có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ sở y tế công với phòng khám tư nhân, nhóm tuyên truyền viên đồng đẳng và mạng lưới dựa vào cộng đồng (CBO) như nhóm S66 LOTUS.

Đặng Huỳnh Đăng - Trưởng nhóm S66 cho biết, hiện nay ngoài truyền thông, tư vấn trực tiếp tại cộng đồng, tại các trường đại học, 10 thành viên của nhóm thường sử dụng mạng xã hội như zalo, facebook, các ứng dụng hẹn hò làm công cụ để tiếp cận tìm ca - đặc biệt là các khách hàng trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), nhóm có tỷ lệ lây nhiễm HIV cao nhất hiện nay.

Với cách làm như vậy, trong những năm qua S66 LOTUS đã tiếp cận, tư vấn, xét nghiệm cho hàng nghìn đối tượng có nguy cơ cao, phát hiện và đưa vào điều trị ARV hàng trăm trường hợp nhiễm HIV.

“Chỉ tính riêng năm 2022-2023, nhóm đã chuyển gửi điều trị ARV trong và ngoài tỉnh khoảng 45 ca, điều trị PreP 80 ca, điều trị các bệnh lây truyền qua đg tình dục khoảng 15 ca...” - Đặng Huỳnh Đăng cho biết.

45 ca được chuyển gửi điều trị thuốc ARV trong năm 2023 đều thuộc nhóm MSM ở độ tuổi từ 16-32, trong đó học sinh, sinh viên chiếm đa số. Cá biệt, Đặng Huỳnh Đăng cho biết, có trường hợp quan hệ tình dục từ khi mới 15 tuổi và chỉ 1 năm sau đó đã phát hiện nhiễm HIV:“Bạn đó ở Đồng Tháp Mười, qua zalo bạn nói với em là bạn quan hệ từ năm 15 tuổi. Em hỏi bạn tại sao quan hệ không dùng bao, bạn nói vì em tin người ta, người ta cho em tiền...”.

Với sự hỗ trợ của Đăng và các thành viên của nhóm S66, ngay sau khi có kết quả khẳng định dương tính hoặc âm tính với HIV, tất cả khách hàng đều được tiếp cận điều trị ARV hoặc PrEp ngay.

“Ngay từ khi kết quả xét nghiệm có phản ứng dương em đã hỏi xem họ có BHYT hay không, đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở đâu. Trong lúc chờ kết quả xét nghiệm khẳng định em tư vấn với họ về những tình huống có thể xảy ra, rồi cần làm như thế nào. Lúc có kết quả dương tính là em cho giấy chuyển đi điều trị luôn...” – Đăng chia sẻ.

Nhờ được tiếp cận dịch vụ điều trị sớm, tuân thủ điều trị tốt, nhiều người nhiễm HIV ở Đồng Tháp hiện có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện, không làm lây truyền HIV cho bạn tình. Nhiều trường hợp thuộc nhóm nguy cơ cao vẫn sống chung an toàn với bạn tình nhiễm HIV mà không bị lây nhiễm. H. là một trong số những trường hợp như vậy.

“Khi bạn em phát hiện ra dương tính em mới đi xét nghiệm. Lúc nhận kết quả âm tính em mừng lắm, được anh chị tư vấn uống thuốc dự phòng PrEP luôn..." - H. cho biết. Hiện nay cứ 3 tháng một lần, H. và bạn cùng đến Trung tâm Y tế huyện Tam Nông để khám, xét nghiệm và nhận thuốc điều trị...

H. bảo với những người như em nguy cơ nhiễm HIV và lây cho người khác rất cao, vì thế thuốc PreP như một “chiếc phao” giúp em trút bỏ được nỗi sợ luôn quẩn quanh bên mình.

Theo bác sĩ Võ Công Đoàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Tháp, nhóm CBO S66 hay những đồng đẳng viên ma túy, mại dâm – là những "cánh tay nối dài" của cán bộ y tế, trực tiếp hỗ trợ, đưa khách hàng đi xét nghiệm khẳng định và điều trị ARV hoặc PrEp. Sự đóng góp của họ vào chương trình phòng chống dịch HIV của tỉnh là rất lớn. Theo kế hoạch, năm 2024 này, CDC Đồng Tháp sẽ tập huấn cho hơn 1 nghìn phòng khám tư nhân và 2 nghìn nhà thuốc trên toàn tỉnh để những người này tham gia vào cộng đồng khống chế dịch.

Nghe bài viết tại đây: