Phóng viên: Thưa ông, tình trạng thiếu vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đã diễn ra trong một thời gian dài và cũng chưa biết đến bao giờ những liều vaccine này mới đến được với người dân. Một tâm lý sốt ruột, lo ngại đang bao trùm, thưa ông?

Ông Trần Văn Phúc: Chúng ta mới đi qua đại dịch một thời gian cũng ngắn thôi và biết được rằng vai trò quan trọng của vaccine như thế nào đối với Việt Nam. Tôi rất tiếc rằng, Việt Nam đã có tên trên bản đồ thế giới là đã thanh toán được rất nhiều những căn bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cụ thể là 11 bệnh đe dọa tới tính mạng của trẻ em, tuy nhiên, thời gian gần đây chúng ta không có vaccine để tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Đây là một hồi chuông cảnh báo rất đáng quan tâm.

Tôi nhớ lại cách đây đúng tròn 10 năm, tức là năm 2013 chính tôi là một trong những người ở trong tâm điểm của dịch sởi tại Hà Nội. Thời điểm đó, chúng tôi sau khi trực 24 tiếng đồng hồ rất vất vả nhưng vẫn phải ở lại làm việc thêm 6 đến 8 tiếng đồng hồ nữa. Mỗi ngày về nhà, ngồi trên bàn ăn chúng tôi gần như không còn thiết tha gì nữa bởi vì đã phải chứng kiến những đứa trẻ chết trên tay của mình. Thời gian đó chúng ta không tiêm chủng được vì những lý do của công tác tuyên truyền dẫn tới là xã hội của chúng ta phải trả một giá rất đắt.

Thời điểm đó, một cán bộ về phòng dịch cấp trung ương có hỏi tôi rằng với tình trạng như thế này, Bộ Y tế muốn công bố dịch thì anh Phúc nghĩ sao. Tôi có nói rằng nếu công bố, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng không lối thoát và dẫn tới một sự khủng hoảng xã hội rất nguy hiểm. Anh ấy lại hỏi rằng, bài toán này thì phải giải quyết thế nào? Tôi có nói, chìa khóa duy nhất để chúng ta thoát dịch đó chính là vaccine. Khi chúng ta tiêm được 21 ngày thì chúng ta sẽ thoát. Và bằng chứng thời điểm đó đã thoát.

Ngày đó, tìm được một chỗ đứng trong bệnh viện đã rất là khó rồi bởi vì quá đông bệnh nhi và các cháu phải trả giá bằng cái chết vì không có thuốc, không có vaccine, thì ngày hôm nay chúng ta lại đang nói đến nguy cơ có thể quay trở lại.

Phóng viên: Làm sao có vaccine để tiêm cho trẻ – đây là câu hỏi của người dân nhưng trách nhiệm trả lời thuộc về các cơ quan chức năng mà ở đây chủ yếu là Bộ Y tế?

Ông Trần Văn Phúc: Tôi muốn nhấn mạnh tới 2 cơ quan, đó là Bộ Y tế và Bộ Tài chính. Đây là 2 cơ quan mà chúng ta nhìn thấy ngay là trong thời gian vừa qua có những sự trục trặc và chưa thông suốt ở khâu nào đó dẫn tới việc nhập khẩu vaccine cũng như nhập các sinh phẩm y tế để sản xuất vaccine của chúng ta khó khăn dẫn tới tình trạng thiếu vaccine. Điều thứ hai, là hành lang pháp lý chưa rõ ràng. Khâu tổ chức đấu thầu còn vướng rất nhiều. Tôi đã tổng kết là lại có 55 văn bản luật và dưới luật liên quan tới đấu thầu và tôi đọc rất kỹ thì cứ văn bản này “đá chân” văn bản kia. Và nếu chúng ta áp dụng văn bản này thì văn bản kia nó sẽ bị sai và người đứng đầu sẽ phải là người chịu trách nhiệm trước pháp luật. Do vậy, người ta cũng sẽ không dám làm.

Đây là một rào cản khi mà chúng ta muốn thay đổi hệ thống y tế, đặc biệt là chúng ta không cung cấp được vaccine cho người dân. Ví dụ, tại sao với vaccine tiêm dịch vụ không thiếu, kể cả vaccine “5 trong 1”, nhưng mà nếu chúng ta tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng thì không có vaccine đó. Chúng ta đã và đang bị cản trở bởi hành lang pháp lý.

Điều đầu tiên tôi muốn nói rằng đất nước chúng ta chủ động được trong sản xuất vaccine, như vậy, sẽ không lệ thuộc vào nguồn vaccine nhập khẩu. Điều thứ hai, chính là đôi khi chúng ta đặt ra những cơ chế mà chính cái cơ chế đó ngáng chân chúng ta.

Phóng viên: Sự trở lại của virus bạch hầu khiến người bệnh tử vong sau gần 20 năm là một lời cảnh báo, virus bại liệt hoang dại có nguy cơ xâm nhập từ nước ngoài vào nước ta bất cứ lúc nào – đó cũng là một tiếng chuông. Và còn rất nhiều bài học từ việc thiếu hoặc không có vaccine sẽ tạo ra những lỗ hổng, thậm chí là cơn khủng khoảng về sức khỏe, thưa ông?

Ông Trần Văn Phúc: Chúng ta đã thanh toán được bệnh sởi từ rất lâu. Nhưng tự dưng đến năm 2013 bệnh sởi ập đến. Và bệnh bạch hầu cũng thế, đã có 3 ca tử vong. Đấy là cái giá mà chúng ta phải trả. Và chưa biết chừng là sau này, thậm chí bệnh bại liệt chúng ta thanh toán rồi nhưng nếu như mà tình trạng thiếu vaccine như thế này thì nó hoàn toàn có thể quay trở lại.

Bởi vì thế giới người ta cảnh báo rằng virus bại liệt sẽ không bao giờ mất đi và tất cả những virus khác đến giờ phút này người ta cũng cho rằng sẽ không bao giờ mất đi. Kể cả virus đậu mùa được cho rằng là có khả năng đã bị tiêu diệt trên toàn thế giới nhưng mà hầu hết trong giới khoa học khẳng định nó vẫn còn ẩn náu mà chưa có cơ hội phát triển. Bởi vì nhờ vào vaccine mà chúng ta đã khống chế được nó. Vậy thì trong các tình huống mà chúng ta không khống chế được, các bệnh truyền nhiễm quay trở lại thì chúng ta sẽ rất nguy hiểm.

Ở đây tôi muốn nhắc lại một chút lịch sử cũng mang tính chất tự hào của người Việt Nam chúng ta. Tôi vẫn nhớ rằng, ở mỗi một làng quê Việt Nam trong thế hệ chúng tôi, bên cạnh một nghĩa trang bao giờ cũng có một nghĩa trang dành cho trẻ em tử vong do nhiễm các bệnh lây truyền đặt bởi khi đó chúng ta không có vaccine. Lấy câu chuyện của bại liệt chẳng hạn, năm 1955, nước Mỹ mới sản xuất ra được vaccine bại liệt, đến năm 1959, Liên Xô (cũ) mới tiếp tục sản xuất được vaccine bại liệt nhưng mà trong khi đó Việt Nam chúng ta chỉ 2 năm sau, tức là năm 1961 chúng ta đã làm chủ được công nghệ sản xuất vaccine bại liệt bởi một đội ngũ y tế rất trẻ là bác sĩ Hoàng Thủy Nguyên thời điểm đó mới có 30 tuổi thôi.

Và trong điều kiện rất khó khăn, kính lúp cũng không có phải đi xin mà chúng ta nghiên cứu để sản xuất ra được vaccine bại liệt. Tôi chỉ lấy một câu chuyện như thế này để thấy một thực tế là, nếu không có vaccine thì cứ 10 bệnh nhân bại liệt thì sẽ có 4 người tử vong. Con số nó sẽ kinh khủng như thế nào. Chính vì vậy mà đến năm 2.000, với nỗ lực của ngành y tế Việt Nam, thế giới đã công nhận rằng Việt Nam thanh toán được bệnh bại liệt. Đây là một thành quả rất đáng tự hào.

TS.BS Nguyễn Lương Tâm -Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế: "Các trường hợp mắc bệnh nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu ghi nhận tại một số xã miền núi thuộc huyện Mèo Vạc, Đồng Văn và Yên Minh - tỉnh Hà Giang nhiều khả năng là do trước đây có một số đối tượng chưa được tiêm chủng hoặc chưa được tiêm nhắc lại và các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp những năm trước đây".

Nhà báo Hạnh Nguyên (Đài truyền hình kỹ thuật số VTC): "Điều mà cán bộ y tế hiện nay lo lắng sau 2-3 lần người ta đến hỏi vaccine và phải quay về trong thất vọng, thì ít bữa nữa có vaccine thì liệu họ có quay lại trạm nữa không. Vì trước đây mình rất vất vả để thuyết phục họ xuống núi đi tiêm thì bây giờ thuyết phục được rồi, họ tin vào Chương trình tiêm chủng mở rộng rồi thì mình lại không có vaccine để tiêm".

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan- Đoàn Đại biểu Quốc hội TpHCM: "Không phải là do không có nhà sản xuất vaccine, không phải là do nguồn cung mà chúng ta luôn vướng thủ tục, thủ tục lại là do chúng ta đặt ra. Việc Trung ương hay địa phương đấu thầu không liên quan đến người dân, yêu cầu chính đáng của người dân là làm sao có vaccine kịp thời để tiêm cho con em mình".